Trang

20/05/2023

Những giai đoạn của bệnh Alzheimer


 

Đôi khi một số nhà chuyên môn sử dụng một thang thăm dò gồm có bảy bậc được gọi là thang suy thoái toàn diện (échelle de détérioration globale ou échelle de Reisberg).

Bệnh Alzheimer có diễn biến chậm và tuần tự thông qua ba giai đoạn.  Sự phân chia nầy rất cần thiết để giúp bác sĩ có một mô hình tổng quát của người bệnh, hầu có thể phát họa kế hoạch chữa trị thích nghi. 

1*Giai đoạn tiên khởi:

Kéo dài từ 2 đến 4 năm. Thỉnh thoảng hay quên việc nầy việc nọ. 

Đôi khi bệnh nhân than phiền khó tiếp thu được những thông tin từ bên ngoài, hoặc cảm thấy  khó khăn để thi hành theo lời chỉ dẫn. Người bệnh cũng gặp nhiều trở ngại trong cách diễn đạt tư tưởng của họ, không thể tìm ra đúng chữ để sử dụng.  

Khó phân biệt giai đoạn nầy với hiện tượng lão hóa thông thường của mọi người. Bình thường thì người già cũng hay quên những chi tiết nào đó hay những chuyện lặt vặt trong sinh hoạt hằng ngày.

Người bị bệnh Alzheimer cũng có thể quên một cái gì đó, một chi tiết nào đó, quên cả việc lớn và lẫn việc nhỏ nhoi không quan trọng. 

Thay đổi nhẹ về nhân cách, thí dụ như tâm tánh bất thường, lo âu, trầm cảm, có khi giận dữ, mất đi sự hồn nhiên thường nhật, bớt tánh khôi hài, từ từ sống khép kín hoặc rút ra khỏi các sinh hoạt quen thuộc. 

Sự mất trí nhớ càng ngày càng tăng thêm theo thời gian và theo sư tiến triển của bệnh.

2*Giai  đoạn trung gian:  

Kéo dài từ 2 đến 10 năm. Suy thoái về các khả năng trí tuệ và thể xác. 

Mất trí nhớ, quên cả quá khứ của mình, quên bạn bè là những ai, hoặc quên luôn cả cha mẹ. 

Không thể định hướng trong không gian và trong thời gian.

Một số bệnh nhân trở nên không yên, đi tới đi lui, hoặc đi lang thang, lai vãng từ chỗ nầy đến chỗ nọ mà không có mục đích rõ rệt. Mất sự tập trung tư tưởng. Giai đoạn nầy gây nhiều khó khăn cho những người có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân.

Tâm thần không ổn định. Giấc ngủ bị xáo trộn. Ngôn ngữ khó khăn. Khó khăn trong việc tìm chữ thích hợp để nói, hay dùng những từ không chính xác. 

Trở nên thù địch, chửi thề, chụp giữ, đánh cắn, đập phá, hung bạo với mọi người xung quanh, bạn bè và cả với người thân trong gia đình.

Thường có tâm trạng hay bực tức, la hét, hoảng loạn và sau đó thì rơi vào trạng thái trầm cảm. 

Không thể sống một mình được. Cần phải có người săn sóc một cách thường trực.

3*Giai đoạn cuối cùng:  

Thường rất ngắn ngủi, chỉ kéo dài từ 1 đến 3 năm mà thôi. Thường hay ngủ suốt ngày. Bất động. Không còn nhớ gì hết. Không còn hiểu gì hết. Không còn biết phương hướng. Không nhận biết người nhà. 

Bệnh nhân ăn uống không được, hay sặc, khó nuốt, nên bị mất cân, gầy ốm rất nhanh. 

.Mặt vô cảm không biểu hiện một cảm xúc nào hết. Quên cả bản thân. Không quan tâm đến môi trường xung quanh. 

.Trao đổi liên lạc với người khác không bằng lời nói mà qua ánh mắt, bằng sự khóc la hoặc rên rỉ.

.Mất trí nhớ, mất khả năng trao đổi ý tưởng với người khác. Không nói được. Ỉa trây đái dầm (incontinence). 

.Không tự rửa ráy, tự mình bận đồ hoặc tự mình săn sóc được.

.Nằm liệt giường và cuối cùng thì chết đi vì bị viêm phổi, viêm thận hoặc vì một chứng bệnh nào khác.

.Có thể lầm lẫn với hiện tượng lão hóa bình thường.

.Alzheimer có biến chuyển rất chậm vì vậy bệnh nhân cứ tưởng rằng tại họ già nên phải mất trí nhớ.

.Đôi khi những dấu hiệu bên trên là những báo hiệu bước đầu của bệnh Alzheimer.


.Có 10 dấu hiệu tiên phong: Hãy coi chừng đó! 

1/ Mất trí nhớ ngắn (Memory loss that affects day to day function): nghĩa là không nhớ những việc gì mới xảy ra gần đây. Tuy nhiên, sự kiện nầy có thể xảy ra cho bất kỳ ai. Đôi khi tự nhiên mình quên phức đi một cái tên, một số điện thoại, v.v... Người bị Alzheimer cũng quên như thế nhưng họ không bao giờ nhớ trở lại được hết và họ cứ hỏi đi hỏi lại hoài hoài về một vấn đề mặc dù họ đã được trả lời rồi.  

2/ Khó khăn trong đời sống hằng ngày (Difficulty performing familiar tasks): như không thể tự nấu cơm, tự chuẩn bị một bữa ăn bình thường. Đôi khi làm xong nhưng quên lững không dọn ra, hay họ quên là họ đã có chuẩn bị bữa ăn rồi.  

3/ Khó khăn trong ngôn ngữ (Problems with language): hay quên những chữ rất thường, hoặc sử dụng những từ không thích hợp khiến cho không ai hiểu nổi. Không có thể gọi đúng tên đồ vật.  

4/ Mất định hướng trong thời gian và trong không gian (Disorientation of time and place): họ có thể bị lạc lối trên con đường trong xóm mà họ ở từ xưa nay. Họ không hiểu tại sao họ đang ở chỗ đó, và cũng không biết lối nào để trở về nhà.  

5/ Không biết cách phán xét, hoặc phán xét quá thô thiển (Poor or decrease judgment): một người còn khỏe mạnh đôi lúc có thể bị lãng trí như quên không giữ cháu bé trong giây lát. Người bị Alzheimer thì quên tuốt luôn sự hiện diện của đứa nhỏ mà mình có trách nhiệm trông coi.

6/ Gặp khó khăn trước những khái niệm trừu tượng (Problems with abstract thinking): ai cũng có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi kiểm soát sổ trương mục tiết kiệm của mình. Người bị Alzheimer thì không  còn hiểu ý nghĩa các số ghi trong cuốn sổ của họ và cũng không biết họ cần phải làm gì.  

7/ Lạc mất đồ đạc (Displacing things): họ có thể cất giữ đồ vật trong những nơi không thích hợp, chẳng hạn như đem cất cái bàn ủi trong ngăn đá của tủ lạnh, hoặc đem cất cái đồng hồ trong keo đường, v.v...  

8/ Biến đổi tâm tánh và thái độ (Changes in mood and behavior): ai cũng có thể thay đổi tâm tánh hết, nhưng người mắc bệnh Alzheimer thì có cảm xúc không ổn định, tâm tánh của họ biến đổi rất mau, thí dụ như đi từ điềm tĩnh vui cười trước đó sang thái độ thù nghịch hoặc giận dữ khóc lóc chỉ trong vòng đôi ba phút mà thôi.

9/ Thay đổi nhân cách (Change in personality): người bệnh Alzheimer có thể trở nên cau có khó chịu, đa nghi, e dè và lo âu. Có thái độ thù địch với mọi người kể cả người thân trong gia đình họ.  

10/ Mất hết sự ham muốn và sáng kiến (Loss of initiative): họ tách rời ra khỏi cuộc sống, không muốn tham gia vào bất cứ một sinh hoạt nào hết. Sống thu hẹp lại, không quan tâm đến người khác, việc khác, v.v...                                            

Có thuốc trị không?   

Cho đến nay cũng chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được hay chặn đứng lại được sự tiến triển của bệnh Alzheimer.

Chỉ có thuốc giúp làm giảm bớt được phần nào các triệu chứng của bệnh, và giúp cho đời sống của bệnh nhân được phần nào dễ chịu hơn đôi chút mà thôi.

+Thuốc nhóm cholinesterase inhibitor:

*-Donepezil (Aricept) 

*-Galantamine (Remynil, Rozadine)

*-Rivastigmine (Exelon)

*-Tacrine (Cognex)

+Thuốc nhóm Receptor antagonist N-méthyl-D-aspartate (NMDA): 

Tác dụng trên chất dẫn truyền glutamate. Một sự thặng dư glutamate có hại cho tế bào thần kinh. 

*-Mémantine (Ebixa, Namenda, Axura)


Có cách nào phòng ngừa không?

Hiện nay chưa có một món thuốc nào khả dĩ có thể ngừa được bệnh Alzheimer.

Một nếp sống lành mạnh có thể giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện bệnh Alzheimer. Chẳng hạn như : 

- Phải luôn luôn vận động, linh hoạt, làm vườn, đi bộ, tập thể dục, thể thao thường xuyên và đều đặn. Phải làm rất tốt nhứng thứ này. 

-  Dinh dưỡng trong lành: rau cải trái cây tươi các loại, đa dạng, sậm màu để có đủ vitamines và các chất chống oxy hóa antioxidants. Ăn nhiều cá để có chất oméga 3... 

-  Kích thích não, bắt trí não làm việc thường xuyên: đọc sách báo, viết văn, viết báo, chơi đánh cờ, ô chữ, xếp chữ, v.v... 

- Tránh tình trạng căng thẳng tinh thần (stress). 

-  Kiểm soát huyết áp động mạch, cholesterol, và đường huyết ở giới hạn bình thường. 

- Tránh gây chấn thương sọ não.

- Giữ mối giao tiếp xã hội cho luôn luôn tốt đẹp.

- Nhảy đầm, khiêu vũ dưỡng sanh. Có thí nghiệm cho thấy nhịp điệu Tango có thể giúp bệnh nhân Parkinson và Alzheimer cải thiện sự phối hợp giữa các động tác một cách khá rõ rệt.

“The Argentinian doctor Roberto Peidro, pioneer researcher of the therapeutic benefits and applications of tango put emphasis on the fact that the rhythms of Tango require a lot of coordination, it is precisely for this reason that enormous benefits are produced in patients with Parkinson’s disease... 

...For people with Alzheimer’s disease, Tango Therapy is very helpful as it requires coordination and memory to learn the steps”  

- Có rất nhiều thí nghiệm đã xử dụng thực phẩm bổ sung và thuốc thiên nhiên như vitamines E, B, acide folique, Selenium, Ginkgo biloba (bạch quả), v.v… 

Kết quả không rõ rệt, không chắc chắn cũng như còn thiếu thí nghiệm lâm sàng. 

-  Nên nhớ là không có thuốc nào có thể chữa được bệnh Alzheimer hết kể cả thuốc thiên nhiên, thuốc Đông y, thuốc Bắc, v.v...    

- Và vấn đề lang băm hãy còn rất nhiều.


Kết luận

Bệnh Alzheimer là bệnh lú lẫn của người già, và theo nhận xét thì các cụ bà thường hay mắc phải bệnh hơn các cụ ông. Có lẽ tại nhờ các bà sống dai và có tuổi thọ cao hơn các ông.  

Sống càng già thì nguy cơ vướng bệnh Alzheimer càng cao.

Có người nói, cứ mỗi chặng 5 năm sau tuổi 65 thì tỷ lệ người có nguy cơ bị Alzheimer tăng gấp hai? 

Và đến tuổi 85 thì 20% trong các cụ có thể bị Alzheimer.

Alzheimer là cơn ác mộng của nhiều gia đình khi họ phải chứng kiến trong đau đớn, xót xa tuyệt vọng, tình trạng sa sút của ông bà hay của cha mẹ mà phải đành bó tay không thể làm gì được hết.  

Y học có giới hạn của nó.  

Theo các nhà chuyên môn, để phòng ngừa Alzheimer cũng như để trì hoãn sự phát triển của nó thì chúng ta cần phải bắt trí não làm việc một cách thường xuyên.  

Còn lỡ chẳng may vướng phải bệnh Alzheimer rồi thì đành chấp nhận số phận thế thôi.  

Trời kêu ai nấy dạ mà, cho dù người đó là Tổng Thống R. Reagan hay bà cựu Thủ Tướng Anh Quốc Margaret Thatcher đi chăng nữa, thì cũng...đành chịu vậy thôi!.

...“Former President Ronald Regan also had dementia in the form of Alzheimer's disease. Regan was the 40th President of the United States. He died of pneumonia, a complication of Alzheimer's disease, in June 2004 aged 93. It is probable that Margaret Thatcher's dementia has a vascular cause. She has had a few small strokes in the past”...

Alzheimer là nỗi ám ảnh, và là cơn ác mộng của tất cả mọi người. Nó cướp đi linh hồn, căn tính (identity) và nhân cách, nhưng trớ trêu thay nó chừa sự sống lại trong một thân xác...tàn tạ bệ rạc theo thời gian. Phải chi nó tước luôn cả cái ý thức (conscience) thì tốt hơn cho người bệnh biết mấy, vì thỉnh thoảng những tia ý thức vẫn còn lóe lên chớp tắt như cái bóng đèn trong đẩu họ làm họ nhận biết được sự thật quá phủ phàng khiến họ có lẽ chắc phải thầm nghĩ “Trời ơi! Alzheimer đã cướp đi trí nhớ, đầu óc và cả sự sống của tôi rồi”, nhưng liền sau đó thì tất cả lại rơi vào hư vô, tĩnh lặng, không còn biết gì nữa, và chờ đến một lúc nào đó thì tia ý thức đó lại chớp phực ra và lại đem người bệnh vào sự đau khổ tột cùng triền miên, và cứ như thế...cho đến khi chết./.

Bác Sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh & Dược Sĩ Nguyễn Ngọc Lan

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.