Con người có nhiều loại người (tốt, xấu), nhiều dáng người (cao, thấp, mập, gầy), nhiều tính người (hiền, dữ), nhiều kiếp người (sướng, khổ, may mắn, bất hạnh),… Và hoa cũng có nhiều loại hoa, với hương sắc khác nhau. Kiếp người đa dạng, thì kiếp hoa cũng vậy, có loại “sống mãi” (hoa bất tử), có loại sớm nở chiều tàn (hoa phù dung),…
Mùa Xuân là mùa “trăm hoa đua nở”. NS Anh Bằng (*) đã viết ca khúc “Những Kiếp Hoa Xuân”, và ông “mượn” những cánh hoa để nói về những kiếp người. Nói đến chữ “kiếp” thì thường có gì đó đượm buồn, có lẽ vì vậy mà ông viết ca khúc này ở âm thể Thứ, có thể đệm đàn bằng điệu Tango. Giai điệu buồn mà lạ, sâu lắng.
Ông đặt mình vào vị trí của một người đang đứng giữa mùa Xuân: “Tôi buồn đứng trông hoa cười, hoa nào duyên không lả lơi, không thẹn thùng trước gió xuân tươi, không đậm đà giữa nắng xuân vui, không say mộng đời?”. Vâng, chắc hẳn hoa nào cũng thế. Cũng vậy, người con gái nào cũng đầy nữ tính, cũng hãnh diện về “nét riêng” của mình. Nàng Kiều có nét của nàng Kiều, bà Trưng có nét của bà Trưng, bà Triệu có nét của bà Triệu, Thị Nở có nét của Thị Nở, chẳng ai giống ai, và “nét riêng” ấy không thể lẫn lộn với ai được.
Nhưng ông nói rất lạ: “Phương trời cố hương xa vời, Xuân về cho hoa tả tơi”. Xuân về mà hoa tả tơi ư? Sao lại khốn khổ thế nhỉ? Đúng thôi, lý do là thế này: “Hoa lạnh lùng sống với đơn côi, chôn cuộc đời khép kín đôi môi”, và vì vậy mà “hoa chẳng còn tươi”. Hoa không còn tươi là hoa héo úa, hoa tàn tạ, vậy là hoa tả tơi rồi!
Đóa hoa đó không là thực vật mà là một con người, một cô gái đang độ xuân thì: “Anh ơi, em là hoa hoa biết nói, giữa tuổi xuân thắm tươi, vẫn không yêu kiếp người”. Một cô gái trẻ mà lại thiếu sức sống, đầy chán nản, không thấy yêu đời. Lý do cũng đơn giản thôi: “Anh đi trong ngày Xuân hay bóng tối, hồn em như chới với, mắt em như lệ rơi”. Ngày Xuân mà không được ở gần người yêu, buồn lắm thôi! Không biết chàng người yêu giờ ra sao, còn cô nàng cảm thấy chới với và chỉ chực khóc. Tội nghiệp cô nàng!
Mùa Xuân về, ngày Tết đến, nhưng cô gái chưa thấy mùa Xuân, chưa cảm nhận được Tết. Cô gái thổ lộ: “Xin mượn tiếng ca u hoài, cung đàn yêu thương người ơi!”. Tiếng ca dù buồn nhưng là cung đàn yêu thương tha thiết của người con gái xuân thì đang yêu, khao khát cháy bỏng. Chính cung thương điệu sầu đó là dấu ấn tình yêu của cô nàng và anh chàng trong thời chiến: “Ghi tình sầu đất nước chia đôi, ghi tình đời những cánh hoa rơi, ghi cả tình tôi”. Cô gái yêu thật, thương thật, và nhớ thật. Cái tương tư có mà như không, vô hình mà như hữu hình, thực tế mà như ảo tưởng. Lạ thật!
Ước gì đừng ai phải cách xa khi tình yêu đã lên ngôi thực sự!
Sách Huấn Ca gọi đời người là “kiếp người khốn khổ”. Có một số câu điển hình:
– Kể từ khi từ lòng mẹ sinh ra cho đến lúc trở về lòng đất mẹ, mang thân phận con người, ai cũng canh cánh bên lòng một nỗi lo, là con cháu Ađam, nợ phong trần đương nhiên phải trả (Hc 40:1).
– Điều không ngừng ám ảnh khiến lòng người sợ hãi âu lo là cứ phải nghĩ rằng mình đang chờ chết. Từ bậc vua chúa trên ngai vinh hiển đến kẻ cùng đinh chân lấm tay bùn, từ người cân đai áo mão đến kẻ khố rách áo ôm, ai cũng đều giận dữ, ghen tương, đều băn khoăn, lo lắng, rồi sợ chết, rồi hận thù cãi cọ (Hc 40:2-4).
– Mọi xác phàm, từ người đến vật, nhưng quân tội lỗi thì gấp bảy lần, không làm sao tránh khỏi: chết chóc và đổ máu, cãi cọ và đâm chém, hoạn nạn, đói kém, đổ nát, tai ương (Hc 40:8-9).
– Rượu và nhạc khiến lòng người phấn khởi, nhưng lòng mến đức khôn ngoan vẫn đáng quý hơn. Tiếng sáo, tiếng đàn khiến giọng hát du dương, nhưng lời nói dịu dàng còn êm tai hơn nữa (Hc 40:20-21).
– Vẻ đẹp và duyên dáng làm người ta thích nhìn, nhưng cánh đồng xanh mướt còn đáng nhìn hơn (Hc 40:22).
– Có anh có em là để giúp nhau khi hoạn nạn, nhưng của bố thí còn trợ giúp đắc lực hơn. Có bạc, có vàng là an tâm vững chí, nhưng được người góp ý còn quý giá hơn (Hc 40:24-25).
– Giàu sang và sức mạnh khiến người ta tin tưởng, nhưng lòng kính sợ Đức Chúa còn trổi vượt hơn. Có lòng kính sợ Đức Chúa thì chẳng thiếu gì. Kính sợ Chúa rồi, không cần phải cầu cứu ai nữa (Hc 40:26).
– Con ơi, đừng đi ăn xin để sống: thà chết còn hơn! (Hc 40:28).
– Kẻ nhìn trộm mâm người khác, có sống cũng kể như chẳng sống ra người. Vì đứa ăn bám làm mình ra nhơ nhớp; còn người hiểu biết và có giáo dục thì sẽ không xử sự như thế. Miệng đứa ăn xin ngọt như mía lùi, nhưng tâm địa hắn thì như lò lửa (Hc 40:29-30).
Thân phận con người “bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về” (Tv 38:79), mẫu số chung của nhân loại là “cất tiếng khóc, tiếng đầu đời của bất cứ một ai” (Kn 7:3). Khổ thật!
Trầm Thiên Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.