Trang

31/01/2019

Nước mắt (Tiếp theo Khóc)


Nước mắt cũng có nhiều ý nghĩa, cấu tạo khác nhau.
Nước mắt tuôn ra từ tuyến lệ hình hạt hạnh nhân nằm phía trên con ngươi, dưới xương trán. Có khoảng hơn chục ống nhỏ li ti từ tuyến tỏa ra dẫn nước mắt phủ nhãn cầu. Sau đó nước mắt theo một đường chảy từ góc con mắt vào túi lệ, thông xuống mũi, đôi khi có nhiều thì dàn dụa trên mi, xuống má, xuống môi.
Nước mắt thành hình từ dung dịch chất lỏng của hệ tuần hoàn với 0.9% muối.
Có 3 loại nước mắt:
Nước mắt căn bản thường xuyên tiết ra để bảo vệ và làm ướt nhãn cầu nhờ đó mắt chớp lên chớp xuống, nhìn ngang nhìn dọc dễ dàng. Không có nước mắt, nhãn cầu sẽ khô, mắt chớp khó khăn và rát.
Mỗi ngày có từ 150-300 cc nước mắt với các chất khác nhau như glucose, chất đạm, muối sodium, Kali, magnesium, chất diệt trùng lysozyme, lactoferrin.
Nước mắt phản ứng khi có một vật lạ hoặc ánh sáng quá mạnh xâm nhập kích thích mắt. Chẳng hạn như  khi thái củ hành tươi có hơi cay bay vào mắt hoặc mắt vướng bụi bặm. Dây thần kinh cảm giác ở nhãn cầu sẽ chuyển tín hiệu báo cho não biết có vật lạ vào mắt. Não bộ tác động lên tuyến nước mắt, nước mắt chảy ra để loại bỏ vật lạ.
Nước mắt xúc động tiết ra trước một buồn rầu, đau đớn hoặc niềm vui… Nước mắt này có cấu tạo khác với các nước mắt kể trên vì có thêm các chất như prolactin, ACTH, chất chống đau thiên nhiên leucin enkephalin
Vì có muối, cho nên nước mắt hơi mặn và đã có nhận xét rằng cặp môi ướt nước mắt rất tốt khi hôn nhau. Vừa sạch miệng, vừa làm cho nụ hôn đậm đà, tình cảm, nhớ nhau hoài.
Mỗi lần mắt chớp là nước mắt được trải rộng trên mặt nhãn cầu. Mắt chớp có công dụng như những cái gạt nước trên mặt kính xe hơi, máy bay. Chớp mắt xảy ra mỗi dăm ba giây đồng hồ và là một động tác tự chủ. Tuy nhiên ta cũng có thể chớp mắt theo ý muốn tỏ vẻ e thẹn khi gặp chàng gặp nàng lần đầu, nhưng khó mà có thể ngưng chớp mắt lâu hơn một phút.
 Thực ra nước mắt trải trên nhãn cầu có những ba lớp: lớp trên cùng có chất dầu tiết ra từ hạch nhờn ở mi mắt để ngăn lệ bốc hơi; lớp thứ nhì là nước từ tuyến nước mắt và lớp dưới cùng là dịch nhày mucus. Bất cứ bệnh nào ảnh hưởng tới cấu trúc của ba lớp này đều gây trở ngại cho sự nhìn.
 Theo nhà sinh hóa học William H. Frey, Đại học Minnesota, nước mắt khi xúc động có nhiều chất đạm hơn nước mắt do vật chất hoặc hơi cay kích thích.
Nước mắt có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ mắt với vật lạ như vi khuẩn bụi bặm và cũng là chất bôi trơn để mắt có thể điều tiết khi nhìn. Không có nước mắt, nhãn cầu sẽ trở nên khô, nhiễm trùng đưa tới khiếm thị, mù lòa.
Diễn tiến khóc:
Một xúc động mạnh, một kỷ niệm đau sót làm con người nín thở, cơ bắp ở miệng co thắt đột ngột, rồi nước mắt trào ra. Họ tiếp tục nức nở, dàn dụa một lúc rồi mọi sự lắng đọng, tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Diễn tiến này cũng tương tự khi vui thì cười.
Trong sự khóc, xúc động kích thích dây thần kinh não, não bộ bèn gửi tín hiệu tới hạch nước mắt khiến cho ta khóc và nước mắt tuôn trào. 
Theo Stephanie Shields, giáo sư tâm lý tại Đại học Pensylvannia, “Nước mắt tốt” là những giọt lệ nhỏ ra mà ta kiểm soát được. Nó chứng tỏ người đó rất xúc động nhưng vẫn làm chủ được lòng mình”.
Tại sao khóc?
Có nhiều lý do.
- Khóc khi chia tay tan rã hôn nhân, vì sinh ly tử biệt người thân vĩnh viễn ra, vì bực tức mà không giải tỏa, đè nén được, vì quá vui, vì đau đớn thể xác.
- Để diễn tả cảm xúc, làm dịu xúc động.
- Nghe bản nhạc, nghe bài quốc ca, xem một phim buồn, đọc chuyện thương tâm …là cảm động, dớm nước mắt.
- Khóc khi vui buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, đau đớn, yêu thương…nhiều khi vu, vơ, không lý do… chỉ muốn khóc.
- Khóc để hàn gắn vết thương lòng hoặc để thông báo có chuyện chẳng lành để sửa đổi.
Tiến sĩ Judith Kay Nelson phân loại khóc như sau:
(a) những cơn khóc phản kháng để giải tỏa hoàn cảnh với tiếng gào thét tức giận; 
(b) cơn khóc thầm lặng chịu đựng để tạo ra quan hệ mới sau một mất mát;
(c)  khóc thờ ơ không nước mắt trong hoàn cảnh hoàn toàn thất vọng. 
Tác dụng của Khóc
Đã có nhiều nghiên cứu cũng như nhận xét về tại sao ta khóc và tác dụng của khóc.
Nhà tâm lý Sigmund Freud cho rằng sự kích thích hạch nước mắt giúp não bộ giảm tích tụ căng thẳng.
Giáo sư William H. Frey có ý kiến tương tự: những căng thẳng không được giải tỏa sẽ tăng rủi ro cơn đau tim và tổn thưong não. Theo ông, “Hít thở để loại thán khí, tiểu tiện loại chất thải urea và khóc để xả stress”.
Đi xa hơn, bác sĩ người Anh, Sir Henry Maudsley báo động “Nỗi sầu muộn không được giải tỏa bằng nước mắt sẽ làm các bộ phận khác rỉ nước”.
Giáo sư y khoa Trung Hoa Wan Chengkui lại có ý kiến rằng sở dĩ đàn bà sống lâu hơn đàn ông cả 5-7 năm là vì mỗi khi có chuyện ấm ức buồn bực là họ khóc ngay. Theo ông, nước mắt khi khóc vì xúc đông loại khỏi cơ thể nhiều độc chất. Nhưng cũng theo ông, không nên khóc quá năm phút.
Tác giả Lael Wertenbaker cho hay kìm hãm nước mắt làm cho stress tăng với các hậu quả như cao huyết áp, bệnh tim, loét dạ dày vì tác động của stress.
Nhà nhân chủng học Ashley Montagu quả quyết là nhỏ nước mắt không những tốt cho sức khỏe mà còn là phương tiện đối thoại hữu hiệu, tăng sự quan hệ thân thiện giữa người với người trong cộng đồng.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của các tác giả Susan M. Labott và Randall B. Martin cho hay, người dễ dàng khóc trước các hoàn cảnh tiêu cực của cuộc sống thường hay bị rối loạn tâm tư hơn là thoát khỏi hoặc bớt đi. 
Văn thi sĩ cũng có ý kiến về khóc.
Thi sĩ Richard Crashaw nói Khóc là làm vơi đi niềm thống khổ”.
Còn thi sĩ người Anh Robert Herrick cho là “Giọt lệ là ngôn ngữ cao quý của đôi mắt. Khi tình yêu chân thật không đủ lời để nói ra, thì nước mắt thay lời nói trong những giây phút im lặng đó”.
Tình cảm hơn, nhà văn Pháp Valery Larbaud lại tâm sự “Nhưng tôi yêu những mùi vị của giọt lệ được giữ lại, những giọt lệ dường như chảy từ cặp mắt xuống trái tim. Tôi thu gom nó như một kho tàng”.
Nam nữ ai khóc nhiều?
Nam nữ, già trẻ lớn bé đều khóc, nhưng ở mức độ khác nhau.
Thường thường nữ giới hay khóc hơn nam giới, vì họ nhiều tình cảm, dễ xúc động. Ngoài ra, nhà sinh hóa học William H. Frey đưa ra giả thuyết là hormon prolactin làm giảm ngưỡng xúc động ở phụ nữ bằng cách kích thích hệ nội tiết khiến cho phụ nữ dễ dàng chẩy nước mắt. Prolactin là một loại kích thích tố có nhiêu ở nữ giới đặc biệt là ở tuổi dạy thì, khi có kinh, mang thai và cho con bú sữa mẹ cũng như khi bị căng thẳng tinh thần. Prolactin có ở cả nam lẫn nữ, nhưng tỷ lệ ở nữ cao hơn nam tới 60%.  Cho nên khi các bà các cô ở trong các giai đoạn này, xin đừng làm phiền lòng họ kẻo họ bù lu bù loa, khó dỗ.
Trước đây cứ nói là nam không khóc nhưng thực ra là họ có khóc nhưng ít hơn. Theo tạp chí Man’s Health tháng Tư, 2003 trong một năm, nam khóc 14 lần còn nữ khóc gấp ba gấp bốn, tới 64 lần. Sở dĩ như vậy là do nam giới có khả năng kìm hãm sự khóc hơn là nữ giới.
Với một vài văn hóa, khóc là dấu hiệu của yếu đuối, phản ảnh sự bất lực, không tự cường và cần nơi dựa dẫm, dựa vai người khác mà khóc.
Tại một số quốc gia, nam giới tự do khóc trong khi đó tại vài quốc gia khác như Hoa Kỳ, người nam mà khóc tu tu thì được cho là yếu đuối, không có nam tính, là “Sissy” là “Crybaby”.
Có người cho rằng nam giới mà khóc là do quá nhậy cảm mà nữ giới mà khóc thì lại bị gán cho là quá xúc động đôi khi mánh khóe, có dụng ý lung lạc, tư lợi.
Kết luận
Để kết luận, xin mượn lời của nhà giáo kiêm tâm lý gia trị liệu, Tiến sĩ Judith Kay Nelson: “Các bác sĩ và nhà tâm lý gắn liền khóc với cảm xúc nhưng lại quên rằng khóc còn là một chức năng căn bản của cơ thể. Khóc liên hệ tới sự sản xuất các loại hormon, sự co của cơ bắp, những thay đổi sinh hóa học, những tín hiệu thần kinh và các diễn tiến tuần hoàn, tiêu hóa hô hấp”.
 Do đó, tưởng như là giản dị nhưng nhỏ lệ là một thành phần quan trọng và cần thiết trong cơ thể con người. Không có những giọt lệ tuôn ra, trong ngắn hạn, cuộc đời sẽ gặp nhiều tâm trạng khó khăn và trong dài hạn, thị lực sẽ mờ dần.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức


Khóc

Khóc là nhỏ lệ trước một hoàn cảnh khốn cùng, đau đớn hoặc buồn rầu. Vĩnh biệt người bạn trăm năm, phải xa quê hương hoặc bị hành hạ tù đầy khiến nhiều người khóc thầm dai dẳng. Cũng có người khóc vì quá xúc động trước một hạnh phúc tân hôn.
Trong động tác khóc. miệng mếu máo đôi khi phát ra thành tiếng nức nở, nước mắt tuôn rơi. Đây là một diễn tiến liên tục do hệ thần kinh tự chủ điều khiển. Tuy nhiên đôi khi có người cũng có thể giả vờ sụt sịt với một mục đích nào đó. 
Phàm là người thì ai cũng có lúc khóc nhưng văn hóa mỗi quốc gia hoặc truyền thống mỗi gia đình có những luật bất thành văn khác nhau về khóc: khóc khi nào và khóc làm sao để được chấp nhận.
Theo Tom Lutz, tác giả sách Crying: The Natural and Cultural History of Tears: “Các nền văn hóa trên thế giới coi khóc là hành động để biểu lộ một tình cảm khi đau đớn thương tiếc. Mỗi văn hóa xác định khóc ở đâu và khi nào thì được chấp nhận”.
Có nhiều kiểu khóc khác nhau.
 Nếu có khóc âm thầm, khóc lén, khóc nỉ non tỉ tê thì cũng có khóc ròng, khóc bù lu bù loa to tiếng, mũi dãi lòng thòng, khóc như mưa, khóc như cha chết,  khóc đứng khóc ngồi, khóc dai, khóc tới liệt hơi khản tiếng, bất tỉnh nhân sự, ngất đi …
Bé mới sinh thì khóc tu oa, khóc dạ đề cả mấy tháng, khóc oe oe đói bụng đòi ăn, khóc vòi vĩnh điếc cả tai.
Cũng có người kịch tính, sụt sùi khóc mướn khóc thuê cho tang chủ, lâu lâu lại khóc rống lên với mục đích cho bàn dân thiên hạ hay là người quá cố được đông con nhiều cháu thương tiếc, tiễn đưa…
Có tiếng khóc đau đớn “Giọt châu lã chã khôn cầm” của Thúy Kiều khi bị Hoạn Thư đánh ghen hành hạ, thì cũng có tiếng khóc vì hoàn cảnh bần cùng của Trần Thế Xương “Vay nợ lắm khi trào nước mắt”; khóc khí khái “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo” của Tôn Thọ Tường;
Hoặc tiếng khóc đa tình của người thiếu phụ trong thơ của Trương Tịch
Trả chàng đôi ngọc, đôi hàng lệ;
Hận chẳng gặp nhau lúc chưa chồng,”
Lại còn những tiếng khóc thâm độc, giả nhân giả nghĩa của Tào Tháo giết người rồi khóc rống, tỏ vẻ tiếc thương…
Hoặc tiếng khóc vui buồn khó hiểu của thiếu nữ vào ngày vu quy, khi bái biệt cha mẹ ruột để về với tân lang và cha mẹ chồng:
“Khấp như thiếu nữ vu quy nhật”.
Nhưng có lẽ tiếng khóc của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi vĩnh viễn của bạn hiền Dương Khuê mới não nề tình cảm làm sao:
“Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”.
Như vậy thì khóc thường là đi đôi với nước mắt giọt ngắn, giọt dài tuôn rơi. (Còn tiếp)
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

27/01/2019

Lục Súc Tranh Công - THỈ (Lợn, Heo)


THỈ (Lợn, Heo)

Chú gà chớ lung lăng múa mỏ,
Giữ, có ngày cắn cổ chẳng tha!
Ghét thương thì mặc lượng chủ nhà,
Chớ thóc mách kiếm lời phỉ báng.
Như các chú lao đao đã đáng,
Heo thong dong ăn nhảy mặc heo.
Nội hàng trong lục súc với nhau,
Ai sánh đặng mình heo béo tốt?
Vua ngự lễ Nam giao đại đột,
Phải có heo mới gọi tam sanh,
Đừng đừng quen lời nói lanh chanh,
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
Kìa những việc hôn nhân giá thú.
Không heo ra, tính đặng việc chi?
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
Cũng không thấy một người thấp thoáng.
Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
Làng xã tới lao đao, láu đáu,
Nào thấy ai gỡ rối cho xong,
Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
Mọi việc rối liền xong trơn trải.
Phải chăng, chăng phải,
Nghĩ lại mà coi,
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi,
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.
Bởi gà nhỏ nói lời lấn lướt,
Nên phải phân ít chuyện mà nghe.
Dễ heo nào có dạ dám khoe?
Khắn khắn cũng lo làm việc phải.
Heo cũng biết đền ơn báo ngãi,
Heo cũng hay tiêu họa, trừ tai,
Toái thân phấn cốt chi nài?
Nát thịt tan xương bao quản?
Lòng thờ chủ ngay đà tỏ rạng.
Thân mình này ví bẵng như không.
Tại chú gà lời nói khùng khùng,
Mới sinh sự so đo trường đoản.

KẾT

Vậy chủ bèn phân đoán,
Phê một câu khúc tận kỳ tình:
Gà biết chữ xả sinh thủ ngãi;
Heo đặng câu tịnh sinh, tịnh dục.

Nhân rảnh thảo ra một lúc,
Chép ra cho rõ sự đời,
Sự này cũng sự nói chơi,
Ai muốn thì đọc mà cười cho vui!

LỜI BÀN

Truyện ngụ ngôn này gần gũi với con người cả về những con người vật và bài học sống mà truyện muốn nhắc nhở.

Ai cũng có một gia đình, chung nhà ở và chung bàn ăn mà sao lại tranh giành quyền lợi? Không nhường nhịn là ÍCH KỶ và THAM LAM, đối nghịch với hai nhân đức cần thiết là KHIÊM NHƯỜNG và BÁC ÁI – nghĩa là đối nghịch với Thiên Chúa. Từ gia đình cho tới xã hội và Giáo Hội, ai cũng tự nhận mình hơn người và giành phần lợi cho mình, chắc chắn KHÔNG BAO GIỜ có hòa bình đích thực vì không có công lý. Chỉ vì mưu mô, tham tàn mà xã hội ngày nay đang tự hủy hoại.

Thiết tưởng cũng nên lưu ý: Ngụ ngôn không là dụ ngôn, nhưng dụ ngôn cũng có thể là ngụ ngôn. Hai danh từ này có nghĩa tương đương nhưng cũng có nghĩa khác nhau.

Ngụ ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn có bài học luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.

Dụ ngôn (parable, parabole) cũng là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, nhưng khác là mang tính bí ẩn, mang tính tục ngữ, đặc biệt là mang chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu dùng thể loại này, tức là Ngài dùng thể loại “dụ ngôn” chứ không dùng “ngụ ngôn”. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn, không dùng ngụ ngôn, để minh họa chân lý với các hình ảnh dưới thế nhưng mang ý nghĩa trên trời.

Trầm Thiên Thu  Sưu tầm

Lục Súc Tranh Công - KÊ (Gà)


Gà nghe nói, nóng gan, nóng phổi,
Liền nhảy ra, chớp cánh, giương đầu.
Này này, gà ngũ đức thẳm sâu:
Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.
Trên đầu đội văn quan một mũ;
Dưới chân đeo hai cựa thần thương.
Đã ghe phen đến chốn chiến trường.
Lập công trận vang tai, lói óc,
Thủa (thuở) Tây Lũng tam canh trống thúc;
Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya,
Một tiếng rằng: thiên nhật tác thì;
Hai tiếng rằng: quốc tộ tác xương,
Ba tiếng rằng: nhân gian tác lạc,
Đã cứu nạn Mạnh thường đặng thoát;
Lại khuyên người Tấn sĩ năm canh.
Hễ ai toan cải dữ về lành,
Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp.
Coi giò gà xét biết thịnh suy.
Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y,
Cất tiếng gáy, toại lòng người đãi đán,
Cứ mấy điều mà đoán,
Đã tỏ việc phải chăng?
Giận anh dê cứ nói việc ăn,
Khéo kiếm chác những điều xoi tệ.
Dê biết lễ gà cũng biết lễ,
Dê phong Chủ bộ, gà chức Tư thần.

Nói vài điều đã biết xứng cân,
Huống gà có ngoại khoa biết mấy?
Chưa biết ai hay rầy, hay khuấy,
Chưa biết ai ngủ sớm ngủ mê.
Gà không người chăn giữ đi về,
Nên gà mới lỗi lầm bươi móc.
Dê lầm thế không ai xem sóc,
Việc phá dê bằng chín bằng mười.
Bữa ăn gà tốn kém mấy hơi?
Nói những chuyện so chày buộc chặt.
Kể ít chuyện cho dê biết mặt,
Kẻ rằng gà vô thú trong đời.
Chẳng nhớ xưa đêm sáng, tốt trời,
Xui kẻ nhớ vợ hiền thêm chạnh.
Thức vua Thính làm lành giấc tỉnh.
Gà thua dê một hàm râu nịnh,
Nghĩ lại coi không ích lợi chi.
Gà dễ đâu có dám phân bì,
Nói điều phải mà nghe cho đặng?

Dê nghe nói công lênh nhẹ nặng,
Mới biết suy hơn thiệt mọi điều:
Thôi, thôi, nói ít biết nhiều,
Dê xin chịu lập tờ tự thuận.
Gà còn hãy chưa nguôi cơn giận,
Bèn phát ngôn thưa chủ một lời:
Như chúng gà vốn đạo làm tôi,
Giữ một tiết thức khuya dậy sớm.
Thủa ấu thơ người còn tríu trớn;
Đến lớn khôn đều có riêng quan.
Ai siêng bươi, siêng móc thì no,
Bằng biếng lặt, biếng tìm thì đói.
Gà gẫm lại thân gà thêm tủi,
Làm tôi người không đặng nhờ chi.
Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì,
Giả ngây dại, biết gì việc chủ.
Ngắm diện mạo, dị hình, dị thú,
Xem dung nhan khác thế lạ đời.
Như nuôi chơi, chẳng phải giống chơi,
Chạy rau cám, như tiền nội án.
No đú mỡ, nhảy quanh, nhảy quất,
Đói xép hông, cắn máng, cắn chuồng.
Mỗi một ngày ba bữa ròng ròng,
Đã chẳng thấy bữa nào sai chạy,
Bán bối gì mà người yêu vậy?
Mù quáng chi mà phải báo cô?

Trầm Thiên Thu  Sưu tầm

“Lục Súc Tranh Công” DƯƠNG (Dê)



DÊ nghe ngựa nói dê quá tệ,
Liền chạy ra vác mặt, vênh râu;
Dê nói rằng: Ta đọ với nhau,
Thử anh lớn hay là tôi lớn.
Anh đã từng vào dinh, ra trấn,
Sá chi tôi tiểu thú quê mùa?
Mạnh thì lo việc nước, việc vua.
Song chớ khá cậy tài, cậy tướng,
Ai có tài, chủ ban chủ thưởng,
Ai không công, tay làm hàm nhai,
Chẳng dám ăn lúa má, môn khoai;
Không hề phạm đậu mè, hoa quả.
Khuyên khuyên chớ nói ngang nói ngửa,
Bớt bớt, đừng ỷ thế, cậy tài,
Ai chẳng biết đuôi ngựa thì dài,
Dài thì để xua mòng, đuổi muỗi;
Vốn như đây đuôi tuy vắn vỏi,
Đây cũng không mượn ngựa nối thêm,
Ngàn dặm trường, mặt ngựa khoe êm,
Ba gò sỏi, dê đà xong việc.
Việc dê thì dê biết,
Việc ngựa thì ngựa hay,
Bừa cày, có thú bừa cày,
Kiệu tế, có muông kiệu tế,
Dê vốn thật thuộc về việc lễ,
Để hòng khi về hạng tư văn;
Để dành khi tế thánh, tế thần,
Lại có thủa kỳ yên, kỳ phước.
Hễ có việc, lấy dê làm trước,
Dê dâng vào người mới lạy sau.
Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao,
Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa?
Dầu đến việc làm đình, làm chợ,
Cũng lấy dê trảm thảo, bồi cơ;
Nhẫn đến ngày mạng tướng xuất sư,
Cũng lấy dê khấn cầu tổ đạo.
Lễ cốc sóc thánh nhân còn bảo:
Tử Cống sao dê sống bỏ đi ?
Ngựa nói ngang mà chẳng biết suy,
Dê nào có thiếu chi công trạng?
Nói cho xứng đáng,
Há dễ cơ cầu!

Dê tuy rằng vô vĩ, vô đầu,
Quan phong Trường tu chủ bộ.
Hèn như dê mà dám đọ,
Tiện như dê, quí bất khả ngôn.
Ngựa rằng: Ngựa ở chốn quyền môn,
Phong cho ngựa chức chi nói thử?
Thưa chủ nghiệm việc dê với ngựa,
Cân mà coi, ai trọng, ai khinh?

Ngựa nghe qua tỏ đặng sự tình,
Dê rằng: Bé, ai hay chức lớn?
Dê nói lại tài dê cũng rắn,
Ngựa thưa qua, sức ngựa thêm rồng:
Chủ phê cho lưỡng bạn tương đồng,
Chắp sự giả các tư kỳ sự.

Lời tự thuận hai đàng xong xả,
Dê phát ngôn, bèn trở nại gà:
Nuôi chúng tôi lợi nước lợi nhà,
Nuôi giống gà thật vô ơn ngãi.
Thấy chủ vãi đám ngò, vạc cải
Túc nhau bươi chếch gốc, trốc cây.
Thấy người trồng đám đậu, vồng khoai,
Rủ nhau vầy nát bông, nát lá.
Rất đến đỗi thấy nhà lợp rạ,
Kéo nhau lên vậy vã tâng bầng.
Cho ăn rồi quẹt mỏ sấp lưng
Trời chưa tối, đà lo việc ngủ.
Ba cái rác nằm không yên chỗ,
Mấy bụi rau nào để bén dây,
Cả ngày thôi những khuấy, những rầy,
Nuôi giống ấy làm chi vô lối?

Trầm Thiên Thu  Sưu tầm