Trang

26/01/2019

TẾT LÌ XÌ XUÂN


TẾT NGAY KHI LÚC XUÂN VỀ
CẦU MONG AI CŨNG HOAN CA TƯƠI CƯỜI
HỒNG BAO MÀU ĐỎ THẮM TƯƠI
NÊN NGƯỜI ĐƯỢC NHẬN RẠNG NGỜI MỪNG VUI
KẺ NGHÈO KHỔ PHẢI NGẬM NGÙI
HÊN ĐÂU CHẲNG THẤY MÀ XUI LÌ XÌ

Tết về gần, Xuân đang đứng đầu ngõ. Dù vậy, vẫn có người vui, kẻ buồn, đó là chuyện dĩ nhiên của đời thường. Một trong các vấn đề khiến người ta phải “đắn đo” trong ngày Tết là chuyện lì xì.

Theo thói quen, tiền lì xì thường được bỏ vào “bao giấy đỏ” – gọi là “hồng bao”. Việt ngữ kỳ lạ: Hồng Bao có “dính líu” Hầu Bao, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán. Xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó vui, nhờ vui mà chúng ăn ngon và chóng lớn ấy mà. Thế nhưng cũng lắm thứ rắc rối với chiếc hồng bao đó. Hệ lụy của chiếc hồng bao có tính chất đa chiều và đa dạng, đồng thời cũng nhiêu khê lắm!

Những người từ tuổi trung niên trở lên, chắc hẳn không mấy ai lại không biết (và còn nhớ) một câu đối Tết rất phổ biến của chí sĩ Nguyễn Công Trứ:

Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa;
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phú vào nhà.

Câu đối rất bình dân nhưng cũng rất thâm thúy. Cái “giằng co” xảy ra giữa khoảng giao thừa ấy khiến người ta như hóa ngông cuồng hoặc điên dại. Việt ngữ cũng thật độc đáo: Chỉ vì “bần hàn” (nghèo khổ) mà bị gọi là “thằng”, và nhờ bởi “phú quý” (giàu có) nên được gọi là “ông”. Cũng vậy, vì nghèo nên bị gọi là “kẻ nghèo”, mà “nghèo” thì đi với “hèn”; còn nhờ giàu mà được gọi là “người giàu”, mà “giàu” thì đi với “sang”. Chữ “kẻ” và chữ “người” để chỉ một con người, nhưng “số phận” lại khác xa nhau. Than ôi!

Cũng là con người – với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, thế mà ai nghèo thì bị gọi là KẺ, còn ai giàu được gọi là NGƯỜI. Về “thể” trong khi dùng động từ thể thụ động cũng vậy, chữ “bị” dùng cho kẻ nghèo, còn chữ “được” dùng cho người giàu. Ngoại ngữ không diễn tả được như Việt ngữ. Kể ra Việt ngữ thâm thúy thật, thế nhưng cũng thật “đau khổ” cho kẻ nghèo hèn.

Chỉ là đại từ chỉ ngôi thứ hai số ít, nhưng lại mang ý nghĩa cách biệt một trời một vực! Còn cái “phú quý” thì thường được hiểu theo nghĩa “vật chất” và “tiền bạc”, chứ ít người nghĩ tới cái “phú quý” theo nghĩa tinh thần!

Ngày Tết, ngày Xuân, hai tiếng “lì xì” rất thường được nhắc tới, và người ta nghĩ ngay tới bao giấy nhỏ màu đỏ, bên trong có một hoặc vài tờ tiền mới. Những năm gần đây, người ta “kiểu cách” hơn còn chuộng tờ 2 USD để lì xì cho “ra vẻ”. Đúng là chỉ trọng “bề ngoài”, mà trọng bề ngoài thì chứng tỏ “yếu kém” nội tâm. Sao không lì xì hai ba chục ngàn cho tiện, lì xì 2 USD chỉ thêm khó khăn cho người được lì xì, vì họ lại phải đi đổi ra tiền Việt. Thật là “rách việc” và phiền toái quá!

Theo nhà nghiên cứu Cao Sơn, “lì xì” có tiếng chữ là “lợi thị”, đọc theo âm Quảng Đông, Triều Châu thành “lê-i-xị”, ám chỉ số tiền được cho (tặng, biếu) trong các dịp đầu năm, khai trương và cả trong lễ thành hôn nữa – chứ không chỉ bó hẹp trong dịp Tết Nguyên Đán. Ở Việt Nam, “lì xì” được hiểu một cách đơn giản là “tiền mừng tuổi”. Tiền này KHÔNG NHẰM ĐỂ CẤT CHO NẶNG HẦU BAO, mà ngụ ý CẦU CHÚC NGƯỜI NHẬN QUANH NĂM SUNG MÃN, MAY MẮN, PHÁT ĐẠT. Như vậy, ý nghĩa chính của “tiền lì xì” không nằm ở “tiền” mà ở “tình”, tức là ở lòng mong ước cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì “nặng” hay “nhẹ” (nhiều hay ít tiền) KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU ĐÁNG LƯU TÂM. Đó là một nét văn hóa. Nhưng ngày nay, “văn hóa lì xì” đang bị lạm dụng thái quá, bị “biến tướng” thiên hình vạn trạng và rất tinh vi. Do đó, người lì xì cảm thấy phải… “nghĩ ngợi” và “đau cái điền” (điên cái đầu) lắm thôi!

Về chuyện lì xì, có truyền thuyết này: “Ngày xưa, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên. Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho bố mẹ không dám ngủ, phải thức canh phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một đứa con trai kháu khỉnh. Tết năm đó, có 8 vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền hóa thành 8 đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực, khiến nó khiếp vía bỏ chạy”.

Nếu định nghĩa cho vui, theo kiểu “trào phúng thực tế” hoặc “tự điển tra ngược”, thì “lì xì” là vì người kia “lì” quá nên đành phải “xì” tiền ra thôi! Lì xì cũng có thể là “lì xì ngược” và “lì xì xuôi”.

Chuyện đời vốn dĩ nhiêu khê, phú quý sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa một chút cũng tốt, nhưng hễ điều gì “thái quá” thì cũng hóa “bất cập”, gây phiền toái cho nhau. Người ta thường nói: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Có tiền thì người ta nói ngang, nói dọc gì cũng không bị bắt bẻ. Người không có tiền không dám ăn, không dám nói – dù có thể “trình độ” người nghèo hơn hẳn người giàu, nhưng nói gì cũng không ai tin, nói đúng cũng bị cho là sai. Vì “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”. Quả thật, “miệng nhà quan có gang, có thép”. Còn miệng nhà nghèo thì thế nào? Chắc là “miệng nhà nghèo bép xép, lôi thôi”!


TRẦM THIÊN THU


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.