Khóc là nhỏ lệ trước một hoàn
cảnh khốn cùng, đau đớn hoặc buồn rầu. Vĩnh biệt người bạn trăm năm, phải xa quê hương hoặc bị hành hạ tù đầy khiến nhiều người khóc thầm dai dẳng.
Cũng có người khóc vì quá xúc động trước một hạnh phúc tân hôn.
Trong động tác khóc. miệng mếu máo đôi khi phát ra thành tiếng nức nở, nước mắt tuôn rơi. Đây là một diễn tiến liên tục do hệ thần kinh tự chủ điều khiển. Tuy nhiên đôi khi có người cũng có thể giả vờ sụt sịt với một mục đích nào đó.
Phàm là người thì ai cũng có lúc khóc nhưng văn hóa mỗi quốc gia hoặc truyền thống mỗi gia đình có những luật bất thành văn khác nhau về khóc: khóc khi nào và khóc làm sao để được chấp nhận.
Theo Tom Lutz, tác giả sách Crying: The Natural and Cultural History of Tears: “Các nền văn hóa trên thế giới coi khóc là hành động để biểu lộ một tình cảm khi đau đớn thương tiếc. Mỗi văn hóa xác định khóc ở đâu và khi nào thì được chấp nhận”.
Có nhiều kiểu khóc khác nhau.
Nếu có khóc âm thầm, khóc lén, khóc nỉ non tỉ tê thì cũng có khóc ròng, khóc bù lu bù loa to tiếng, mũi dãi lòng thòng, khóc như mưa, khóc như cha chết, khóc đứng khóc ngồi, khóc dai, khóc tới liệt hơi khản tiếng, bất tỉnh
nhân sự, ngất đi …
Bé mới sinh thì khóc tu oa, khóc dạ đề cả mấy tháng, khóc oe oe đói bụng đòi ăn, khóc vòi vĩnh điếc cả tai.
Cũng có người kịch tính, sụt sùi khóc mướn khóc thuê cho tang chủ, lâu lâu lại khóc rống lên với mục đích cho bàn dân thiên hạ hay là người quá cố được đông con nhiều cháu thương tiếc, tiễn đưa…
Có tiếng khóc đau đớn “Giọt châu lã chã khôn cầm” của Thúy Kiều
khi bị Hoạn Thư đánh ghen hành hạ, thì cũng có tiếng khóc vì hoàn cảnh bần cùng
của Trần Thế Xương “Vay nợ lắm khi trào nước mắt”; khóc khí khái “Nước mắt anh hùng lau
chẳng ráo” của Tôn Thọ Tường;
Hoặc tiếng khóc đa tình của người thiếu phụ trong thơ của Trương Tịch
“Trả chàng đôi ngọc, đôi hàng lệ;
Hận chẳng gặp nhau lúc chưa chồng,”
Lại còn những tiếng khóc thâm độc, giả nhân giả nghĩa của Tào Tháo giết người rồi khóc rống, tỏ vẻ tiếc thương…
Hoặc tiếng khóc vui buồn khó hiểu của thiếu nữ vào ngày vu quy, khi bái biệt cha mẹ ruột để về với tân lang và cha mẹ chồng:
“Khấp như thiếu nữ vu quy nhật”.
Nhưng có lẽ tiếng khóc của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi vĩnh viễn của bạn hiền Dương Khuê mới não nề tình cảm làm sao:
“Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”.
Như vậy thì khóc thường là đi đôi với nước mắt giọt ngắn, giọt dài tuôn rơi. (Còn tiếp)
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.