Trang

15/09/2021

Người Việt ở Úc kể chuyện ở nơi lockdown hơn... 200 ngày

        


 

Một gia đình vẫn tổ chức sinh nhật cho con với sự chúc mừng... trực tuyến của nội, ngoại - Ảnh: NVCC

Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrew, cũng được "khắc họa" là "nhân vật đọc lệnh lockdown nhiều nhất" với... 6 lần!

Khi được hỏi cảm nghĩ lockdown lần thứ 6, cô Thanh Hà cười nói: "Hồi mới lockdown lần đầu thì hoang mang, cũng đi gom mua hàng trữ. Còn giờ cứ lockdown lên xuống liên tục như tắt mở tivi, riết rồi quen như ăn cơm uống nước luôn rồi!".

Quen lockdown như ăn cơm

Khoảng đầu tháng 8, trước một ngày của đợt lockdown lần thứ sáu, người dân Melbourne còn đang hồ hởi với những ngày "Donut day" (Donut day là cách người dân Úc gọi những ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 nào, dựa theo hình dạng chiếc bánh donut có hình vòng tròn như số 0).

Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, tin tức thông báo có 6 ca nhiễm mà trong đó có 3 ca chưa rõ nguồn lây. Chính phủ tiểu bang Victoria lập tức họp bàn, vừa thông báo lúc 4h chiều là 8h tối lockdown ngay lập tức. Cũng như những đợt trước, mọi người chỉ được ra khỏi nhà với năm lý do: đi làm những việc được cho phép, đến chăm sóc người không thể tự chăm sóc, đi chích ngừa COVID-19, đi chợ mua thức ăn cũng như vật dụng cần thiết và đi tập thể dục trong vòng bán kính 5km.

Việc lockdown quá gấp rút khiến một số người đã tập trung tại nhà ga trung tâm của Melbourne để biểu tình. Nhưng luật là luật, mọi người vẫn phải tuân thủ "luật lockdown 6.0" dự trù 7 ngày, nhưng do các ca nhiễm vẫn không giảm mà tiếp tục tăng 2 con số nên đợt lockdown 6.1 thêm 7 ngày nữa.

Rồi chỉ sau vài ngày chính phủ lại tiếp tục ra quyết định lockdown 6.2, dự định đến 2-9. Lần này còn thêm lệnh giới nghiêm từ 9h tối đến 5h sáng. Tuy nhiên, ca nhiễm vẫn không giảm mà từ 6 ca ban đầu đã tăng lên 200, 300, 400... nên đến tận giờ vẫn chưa có thông báo ngày nào sẽ kết thúc lockdown đợt thứ 6 này. Nhiều người đã ca cẩm chắc xứ mình bị "khóa cửa" lâu nhất thế giới?


Các trung tâm hiến máu có vẻ nhộn nhịp hơn trong những đợt lockdown - Ảnh: ANH ĐÀI

Buổi tiệc đính hôn đắt giá nhất mùa dịch

Hồi giữa tháng 8, một buổi tiệc đính hôn diễn ra trong mùa dịch được cho là "đắt giá" nhất Melbourne. Nhưng đắt giá không phải vì buổi tiệc được tổ chức sang trọng, mà vì số tiền bị phạt do tiệc tùng trong thời gian lockdown.

Chú rể vừa là giáo viên dạy bán thời gian, đồng thời là sinh viên trường luật đã đùa với mọi người trong buổi tiệc rằng: "Đây là buổi trị liệu theo nhóm nên nó hợp pháp mà!". Cảnh sát không bắt tại trận mà lần theo dấu vết từ đoạn clip ghi hình được mọi người gửi tin cho nhau sau buổi tiệc. Buổi tiệc có 69 người tham dự, theo cảnh sát Victoria thì mỗi người sẽ bị phạt 5.000 đôla Úc (hơn 80 triệu đồng VN) và tổng số tiền phạt có thể lên đến 350.000 đôla Úc (hơn 5 tỉ đồng VN).

Họ không chỉ phải "trả giá" bằng tiền cho việc tổ chức tiệc trái quy định mà còn chịu sự chỉ trích lớn từ cộng đồng người Úc. Gia đình cô dâu chú rể cho rằng họ đã bị "bắt nạt trên mạng" và cầu mong sự tha thứ từ mọi người, nhưng mọi người dường như vẫn tức giận và không muốn tha thứ cho họ.

Một người đã viết bình luận trên mạng rằng: "Thật hay là gia đình của buổi tiệc đính hôn đó có thể nói đùa rằng đây là buổi "trị liệu nhóm", trong khi tôi và nhiều người khác đã không thể nào được gặp trực tiếp bác sĩ tâm lý trong hơn một tháng". Người khác thì viết: "Chúng tôi đã hủy bỏ tiệc đính hôn của các con gái. Tôi không thể làm việc trong thời gian lockdown. Em gái tôi đang trong những tuần cuối trước khi chết vì bệnh ung thư và bị cách ly, nhưng mọi người đang tụ tập và phớt lờ các quy định".

"Cưới chạy Cô-Vy"

Tuy nhiên, không phải người dân Melbourne hẹp lòng không muốn "bỏ qua" cho những người đã tham dự buổi tiệc đính hôn trên, mà bởi việc phải trải qua quá nhiều lần lockdown đằng đẵng đã khiến nhiều người mệt mỏi, nhất là khi có tới năm sáu ca lây nhiễm từ buổi tiệc này. Nếu như ai cũng cố tình vi phạm luật pháp thì biết đến bao giờ mới kết thúc lockdown?

Rất nhiều cặp đôi khác đã phải "chờ đợi" như là một trong những thử thách của đôi lứa yêu nhau mùa dịch. Có một số người đã phải làm "đám cưới chạy dịch" để đối phó với lệnh lockdown gấp rút của chính phủ tiểu bang. Vào lần lockdown trước, khi trước đó mọi thứ dường như "yên ổn" nên nhiều gia đình đã dự định tranh thủ tổ chức tiệc cưới vào cuối tuần.

Liền sau đó, ngày thứ năm, tiểu bang Victoria ra quyết định lockdown vào thứ bảy. Nhiều người không kịp trở tay, đành hủy tiệc cưới. Có nơi nếu nhà hàng thông cảm thì còn trả phân nửa tiền cọc, nhưng hầu hết vì sát ngày quá nên nhiều người phải chịu mất toàn bộ số tiền đặt cọc cho buổi tiệc.

Chị Kim Nhu, một chủ tiệm sửa áo cưới, kể khách hàng của chị dự định chiều thứ bảy đám cưới nên dặn chiều thứ sáu sẽ đến lấy áo cưới. Khi nghe lệnh lockdown vừa thông báo vào thứ năm, họ lập tức liên lạc khách mời và đề nghị nhà hàng dời buổi tiệc cưới sang chiều thứ sáu để kịp làm tiệc cưới trước 12h khuya thứ sáu, tức là trước khi bước sang thứ bảy là ngày có lệnh lockdown. Chị Kim Nhu cũng phải "chạy deadline" ráng sửa soạn áo cho nhanh trước thời gian đã hẹn để họ kịp có áo cưới mặc trong buổi tiệc "cưới chạy Cô-Vy"!

Cảnh tượng thiệt không khác gì cô bé Lọ Lem ráng chạy về cho kịp trước 12h đêm vậy.


Mọi người vẫn có thể đi tập thể dục ở công viên gần nhà, với điều kiện không được tụ tập đông - Ảnh: ANH ĐÀI

Ở hai đầu nỗi nhớ

Đó là những cặp đôi cùng tiểu bang thì còn có cơ hội "cưới chạy Cô-Vy". Còn có những cặp đôi ở những tiểu bang khác nhau, tuy ở cùng nước Úc nhưng biên giới các tiểu bang hết đóng lại mở và hết mở lại đóng, nên đành mỏi mòn chờ đợi. Có chàng đã đặt vé máy bay, canh vừa hết lockdown để bay qua thăm người yêu thì cùng ngày đó tiểu bang kia lại bùng dịch và chuẩn bị lockdown lại. Chàng biết nếu có đi thì về cũng phải bị cách ly 14 ngày, nên đành gạt lệ nhớ nhung mà hủy chuyến.

"Thì đành phải chịu thôi, chứ biết làm sao bây giờ - anh Quốc Anh cười trừ nói - Mình cũng đâu làm gì khác được. Nhưng cũng may là ở Úc họ vẫn cho đi tập thể dục trong vòng bán kính 5km. Mà gần nhà tôi thì có nhiều đồi núi ao hồ để khám phá lắm, khung cảnh thiên nhiên quanh đây rất đẹp nên cứ mỗi cuối tuần tôi cứ đi trải nghiệm một nơi, như vậy cũng khuây khỏa phần nào. Chứ nếu không chắc điên luôn. Hy vọng là mau hết dịch, để tôi và bạn gái sớm được gần nhau".

Ước mong của anh Quốc Anh chắc chắn không chỉ là của riêng anh mà còn là của bạn gái anh và của tất cả mọi người trên thế giới nữa. Đợt dịch COVID-19 này là thử thách của những cặp yêu xa. Đó cũng có thể là dịp để họ biết trân quý hơn giây phút bên cạnh nhau, để khi được gần nhau lại càng biết yêu thương nhau nhiều hơn.

Có ở hai đầu nỗi nhớ mới cảm hết câu nói của Bussy Rebutin: "Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn".

Số ca nhiễm ở Sydney cũng tăng dần đều từ vài trăm ca lên 1.000 rồi 1.500... khiến người dân Sydney cũng chịu cảnh lockdown tương tự Melbourne. Thủ đô Canberra của Úc vốn dĩ khá yên bình với chỉ một lần lockdown vài ngày trong đợt dịch 2020 thì năm nay cũng chịu cảnh lockdown dài ngày, suốt từ tháng 8 qua tháng 9, phát xuất từ một ca nhiễm duy nhất với biến thể Delta.

Nhiều nhà hàng khóc dở mếu dở khi lệnh lockdown đưa ra quá gấp rút, lại rơi vào cuối tuần. Vì mới sáng họ vừa nhập hàng về chuẩn bị cho lượt khách áng chừng sẽ rất đông sau đợt lockdown lần thứ năm vừa kết thúc trước đó chưa đầy chục ngày. Và trước đó một ngày còn không có ca nhiễm nào, vậy mà chỉ qua một đêm mọi sự đã thay đổi nhanh chóng!

ST

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.