Đô trưởng Paris, ứng
cử viên Đảng Xã Hội, đi bỏ phiếu tại Paris ngày 10/04/2022. AP - Lewis
Joly
Kết quả vòng một bầu cử tổng thống
Pháp hôm qua, 10/04/2022, đã đúng với dự báo qua các cuộc thăm dò ý định cử
tri: lọt vào vòng hai là tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron và ứng cử viên của
đảng cực hữu Tập Hợp Dân tộc Marine Le Pen. Như vậy kịch bản của bầu cử tổng thống
năm 2017 tái diễn, nhưng đáng chú ý là tỷ lệ phiếu mà hai ứng cử viên này thu được đều
cao hơn kết quả của họ ở vòng một cách đây 5 năm.
Ngoài ra, vòng một bầu cử tổng thống
2022 sẽ đi vào lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, vì nó đánh dấu sự sụp đổ của
các đảng truyền thống cả bên cánh tả lẫn cánh hữu, nhất là Đảng Xã hội và đảng
Những Người Cộng Hòa.
Trong vòng một bầu cử tổng thống hôm qua, đô
trưởng Paris Anne Hidalgo, ứng cử viên của Đảng Xã Hội, chỉ thu được chưa tới
2% số phiếu, gần đúng với dự báo qua các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu của cử
tri. Tỷ lệ phiếu này chỉ bằng một phần ba tỷ lệ phiếu của ứng cử viên Benoit
Hamon năm 2017, vốn đã rất thấp ( 6,34% ). Đô trưởng Paris còn thua cả ứng cử
viên Cộng Sản Fabien Roussel, thậm chí thua cả hai ứng viên vốn chẳng có ảnh hưởng
gì nhiều là Jean Lasalle và Nicolas Dupont-Aignan. Số phiếu mà bà Hidalgo
thu được hôm qua là kết quả bầu cử tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử của Đảng
Xã Hội, một đảng kể từ nay có nguy cơ bị “xóa sổ” bên phía cánh tả.
Bên phía đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa,
kết quả vòng một cũng thảm hại không kém, vì ứng cử viên Valérie Pécresse hôm
qua chỉ thu được chưa tới 5% số phiếu, thấp hơn cả mức được dự báo trước đó là
khoảng 9%. Tuy mọi người đều thấy là bà Pécresse không thể nào lọt được
vào vòng hai, nhưng không ai ngờ là kết quả là xuống đến mức thấp như thế,
trong khi vào năm 2017, ứng cử viên François Fillon tuy không lọt được vào vòng
hai nhưng cũng đã thu được đến 20% số phiếu.
Ấy là chưa kể lần này ứng cử viên cánh hữu
còn thua cả nhà báo cực hữu Eric Zemmour, trong khi trước vòng một nhóm của bà
Pécresse đã hy vọng sẽ qua mặt ông Zemmour để cứu vớt thể diện cho đảng Những
Người Cộng Hòa.
Đây là lần thứ hai mà đảng chủ chốt của cánh
hữu không lọt được vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Chưa biết tương lai của
đảng Những Người Cộng Hòa như thế nào, trước mắt, với tỷ lệ phiếu dưới ngưỡng
5%, đảng này sẽ không được Nhà nước hoàn trả chi phí tranh cử (7 triệu euro) và
đây sẽ là một vố rất đau đối với họ.
Trả lời phỏng vấn RFI Pháp ngữ tối
10/04/2022, ông Erwan Lestrohan, giám đốc nghiên cứu của Viện thăm dò Odoxa, nhận
định về kết quả thảm hại của hai đảng truyền thống cánh tả và cánh hữu:
“Quả là một điều gây ấn tượng mạnh.
Đây là một cuộc bầu cử xác nhận sự sắp xếp lại bàn cờ chính trị mà chúng ta đã
thấy vào năm 2017. Hôm qua, ứng cử viên Valérie Pécresse chỉ thu được phiếu của
một phần ba số cử tri đã bầu cho ông François Fillon năm 2017, và chưa tới phân
nửa số phiếu của những cảm tình viên đảng Những Người Cộng Hòa. Hidalgo cũng vậy.
Bà chỉ thu được khoảng phân nửa số phiếu của các cảm tình viên đảng Xã hội, một
mức rất thấp.
Tôi nghĩ là các đảng này đang gặp
những khó khăn do đây là những chính đảng đã quá cũ, không thể phản ánh được
ảnh hưởng chính trị của họ so với những đảng mới hơn như đảng Nước Pháp Bất Khuất,
đảng Cộng Hòa Tiến Bước, hay thậm chí đảng Châu Âu Sinh Thái. Những đảng
này đề ra những chương trình hành động mà các cử tri dễ cảm nhận hơn.
Như chúng ta thấy đối với đảng Những
Người Cộng Hòa và qua tỷ lệ phiếu của bà Valérie Pécresse, cử tri của họ dường
như bị thu hút bởi ông Emmanuel Macron, người đã thu được tỷ lệ phiếu cao
rất cao trong số những người lớn tuổi nhất và những người khá giả nhất,
cũng như nơi những người thuộc hàng ngũ cán bộ điều hành, vốn là những thành phần
cử tri nòng cốt của đảng Những Người Cộng Hòa.”
Trả lời RFI Pháp ngữ hôm nay, nhà chính trị học
Bruno Cautrès cũng có cùng giải thích về kết quả thảm hại của đảng Những Người
Cộng Hòa:
“Các cử tri của đảng Những Người
Cộng Hòa hầu hết đã ngả theo tổng thống Emmanuel Macron. Đó vừa là những lá phiếu
“thực dụng”, vừa là những lá phiếu do tác động của một số nhân vật quan trọng
trong đảng Những Người Cộng Hòa trước cuộc bầu cử. Quan điểm của những nhân vật
này: phải chăng hợp lý nhất là thừa nhận rằng ngày nay thế lực ông Macron
đang bao trùm sân khấu chính trị và chúng ta nên liên minh với ông ấy? Đó là lập
trường của ông Christian Estrosi, thị trưởng thành phố Nice, của ông Renaud
Muselier, chủ tịch vùng PACA và của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, vốn đã
không ủng hộ ứng cử viên Valérie Pécresse. Ông Sarkozy chắc là sẽ có phát biểu
theo hướng này trước vòng hai bầu cử tổng thống.
Cử tri của cánh hữu coi như đã bỏ
phiếu với suy nghĩ: thôi thì ngay bây giờ cứ lên ngồi chung xe với ông Macron,
cho dù mình sẽ không phải là tài xế, nhưng với hy vọng là đến năm 2027 sẽ có một
ứng cử viên tổng thống tốt hơn. Chúng ta thấy rõ là đảng Những Người Cộng Hòa
đang đối diện với một chiến lược mang tính sống còn đối với họ.”
Về phần Đảng Xã Hội, chỉ cách đây không lâu,
năm 2012, đảng này còn nắm toàn bộ ba định chế chính trị cao nhất của nước
Pháp: tổng thống, Hạ Viện và Thượng Viện. Nay đảng cánh tả này giống như là một
chiếc xe lao xuống dốc không phanh, thậm chí có nguy cơ bị khai tử, nếu không
có những thay đổi căn bản, theo lời nhà chính trị học Bruno Cautrès:
“Đảng Xã Hội rõ ràng là đang
trong một tình thế rất tồi tệ, vì đây là lần thứ hai liên tiếp họ thu được kết
quả thảm hại trong một cuộc bầu cử tổng thống. Đảng Xã Hội không thể nào xuống
thấp hơn nữa trong một cuộc bầu cử tổng thống. Họ cũng có những vấn đề giống
như đảng Những Người Cộng Hòa: Một Đảng Xã Hội tiếp tục tồn tại ở cấp địa
phương, trong các hội đồng thành phố, thị xã, hội đồng cấp vùng, cấp tỉnh, cũng
còn nhiều đảng viên cấp cơ sở, tuy không nhiều bằng cách đây 20 năm.
Giống như đảng Những Người Cộng
Hòa, Đảng Xã Hội cũng đang đối diện với vấn đề sống còn và trong những ngày tới
chắc chắn phải bày tỏ lập trường. Có thể là các lãnh đạo Đảng Xã Hội, cựu tổng
thống Xã Hội François Hollande phải cân nhắc nội dung các thông điệp mà họ
gởi đến đảng của họ. Chắc chắn sẽ có những thay đổi quan trọng bên phía Đảng Xã
Hội, vì đảng này không thể giữ nguyên trạng, không thể bảo với các đảng viên là
sẽ không có gì thay đổi trong cơ cấu của đảng. Họ phải buộc có một sáng kiến lớn,
nếu không muốn bị biến mất hoàn toàn.”
Cùng với sự sụp đổ của hai đảng truyền thống
tả hữu, theo ông Erwan Lestrohan, giám đốc nghiên cứu của Viện thăm dò Odoxa,
là sự sắp xếp lại bàn cờ chính trị của nước Pháp thành ba cực chính:
“ Thật sự là có một bộ phận dân
Pháp không bị tác động của các khủng hoảng đã bỏ phiếu cho ông Macron, với tỷ lệ
phiếu rất cao trong số những người từ 65 tuổi trở lên, những cư dân thành thị,
những người khá giả nhất, những người về hưu, những người thuộc hàng ngũ cán bộ
điều hành.
Bên cạnh đó là bộ phận dân Pháp dễ
bị tổn thương đã bầu cho bà Le Pen. Đó là những người trong độ tuổi 25-64, những
người làm công ăn lương, những người sống ở nông thôn, ở các thành phố nhỏ, những
hộ gia đình có thu nhập thấp, những người thất nghiệp, tức là thành phần dễ bị
tác động của khủng hoảng kinh tế.
Bộ phận thứ ba là những người đã
bầu cho ông Jean-Luc Mélenchon trong vòng một. Đó là những người theo cánh tả,
bao gồm thành phần cử tri trẻ: 36% những người trong độ tuổi 18-24 đã bầu cho
ông Mélenchon, 26,4% nhân viên trong các cơ quan công quyền đã bỏ phiếu cho ông
Mélenchon. Cánh tả nói chung đã dồn phiếu cho ông Mélenchon và đây là một điều
bất ngờ : 36% cảm tình viên của Đảng Xã Hội đã bỏ phiếu cho ông Mélenchon, cũng
như 25% cảm tình viên của Châu Âu Sinh Thái. Rõ ràng đó là những lá phiếu “thực
dụng”, phản ánh sự ủng hộ của cánh tả đối với ứng cử viên đảng Nước Pháp Bất
Khuất”
Như vậy là thời kỳ mà Đảng Xã Hội và đảng
cánh hữu Những Người Cộng Hòa, trước đây là đảng Tập Hợp Vì Nền Cộng Hòa, thay
phiên nhau nắm giữ chiếc ghế tổng thống Pháp đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ.
Sự sụp đổ của hai đảng truyền thống cánh tả
và cánh hữu khiến cho kết quả vòng hai bầu cử tổng thống năm nay càng có khó mà
dự báo. Vào năm 2002, khi ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen, bố của bà Le
Pen, bất ngờ lọt vào vòng hai cùng với tổng thống mãn nhiệm Jacques Chirac, các
đảng cánh tả và cánh hữu đã đồng loạt dồn phiếu cho ông Chirac để chặn đường
phe cực hữu vào điện Elysée. Nhưng lần này bức tường thành đó liệu có sẽ đủ
vững chắc để ngăn chận khả năng lần đầu tiên nước Pháp có một tổng thống cực hữu?
Trong những ngày tới, ông Macron và bà Le Pen đều sẽ phải nỗ lực thuyết phục những
cử tri bị phân tán bên cánh hữu lẫn cánh tả dồn phiếu cho họ.
Thanh Phương - RFI
Nếu bà Marine Le Pen thắng cử TT Pháp lần này,không chỉ Pháp,châu Âu mà cả thế giới sẽ có những giàng co khó để dung hòa như hiện nay.."Cực Hữu" chắc chắn từ tưởng đến thái dộ sẽ khá cứng rắn...
Trả lờiXóaChúc Fa an vui.
Thông cảm vì trả lời chậm. Không biết vì sao mà Blog cứ chặn không cho bình luận. Mấy ngày nay cũng hơi bận vì lễ lạc. Chúc anh tuần mới nhiều niềm vui.
Xóahttps://i0.wp.com/ravemotionpictures.com/wp-content/uploads/2022/04/Happy-Easter-Gif.gif?
bài rất hay
Trả lờiXóa