Không lâu sau khi Nga sáp nhập bán
đảo Crimea năm 2014, Viện thiết kế Luch của Ukraine lần đầu công bố mẫu tên lửa
diệt hạm mang tên R-360 Neptune tại một triển lãm quốc phòng ở thủ đô Kiev. Loại
vũ khí này không được quan tâm nhiều khi đó, nhưng giờ đã trở thành tâm điểm
chú ý của thế giới.
Maksym Marchenko, thị trưởng thành phố cảng Odessa ở miền
nam Ukraine, hôm
13/4 cho biết hai tên lửa diệt hạm Neptune đã gây thiệt hại nặng cho tàu tuần
dương Moskva, khiến soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga.
Bộ Quốc phòng Nga thì cho rằng tàu Moskva bị nổ kho đạn sau
một vụ cháy, nhưng không nói rõ nguyên nhân gây ra cháy. Tuy nhiên, một quan chức
quốc phòng cấp cao Mỹ hôm 15/4 đánh giá rằng tên lửa của Ukraine đã đánh trúng
tàu Moskva và khiến nó bị chìm sau đó.
Dự án phát triển tên lửa diệt hạm Neptune đã được Ukraine
công bố từ trước năm 2014, nhưng sự kiện Nga sáp nhập Crimea đã đẩy nhanh quá
trình hoàn thiện loại vũ khí này.
Tên lửa Neptune trong đợt bắn thử năm 2019. Video: Bộ Quốc phòng Ukraine.
R-360 Neptune được Ukraine phát triển trên nền tảng tên lửa
diệt hạm cận âm 3M24 Uran, vốn ra đời từ thời Liên Xô và được biên chế trong hải
quân nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Nhà sản xuất cho biết Neptune được
cải tiến đáng kể về tầm bắn và hệ thống điện tử, được thiết kế để tiêu diệt tàu
mặt nước có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn.
Quả đạn Neptune dài hơn 5 m, trang bị 4 cánh ổn định giữa
thân, có tổng khối lượng 870 kg, trong đó đầu đạn nặng khoảng 150 kg. Tên lửa
có tầm bắn khoảng 300 km và đạt tốc độ cận âm. Quả đạn được đẩy khỏi ống phóng
bằng tầng đẩy sơ tốc dùng nhiên liệu rắn, trước khi động cơ phản lực turbine
MS-400 được kích hoạt.
Tổ hợp phòng thủ bờ biển Neptune gồm xe chở đạn kiêm bệ
phóng USPU-360 mang được 4 tên lửa, xe chở và nạp đạn TZM-360, xe chỉ huy
RCP-360 và xe radar dẫn bắn Mineral-U.
Dự án Neptune có sự tham gia của nhiều tập đoàn quốc phòng
hàng đầu Ukraine. Nguyên mẫu bay thử đầu tiên được chế tạo vào giữa năm 2016,
trong khi chuyến bay thử thành công đầu tiên diễn ra đầu năm 2018.
Ngày 17/8/2018, tên lửa Neptune đánh trúng mục tiêu ở khoảng
cách 100 km trong đợt thử nghiệm tại tỉnh Odessa.
Ukraine ký biên bản ghi nhớ về thực hiện hợp đồng cung cấp
tên lửa Neptune cho Indonesia vào tháng 12/2020, khiến Indonesia có thể trở
thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua loại tên lửa này. Ba tháng sau, hải
quân Ukraine tiếp nhận các tổ hợp RK-360MC Neptune đầu tiên để đưa vào biên chế.
Thông tin soái hạm Moskva bị chìm bởi tên lửa Neptune được
coi là thắng lợi lớn cho Ukraine cả về mặt chiến thuật và phát triển công nghiệp
quốc phòng nội địa, giữa lúc Kiev đang trông chờ vào nguồn cung vũ khí từ
phương Tây.
"Nếu tên lửa Neptune thực sự đánh chìm tàu tuần dương
Moskva, đây là sẽ niềm tự hào với người Ukraine và thể hiện khả năng uy hiếp hạm
đội áp đảo của đối phương", Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm
Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Tên lửa Neptune khai hỏa trong đợt thử nghiệm năm 2019. Ảnh: BQP Ukraine.
Giới chức Ukraine cho biết ngoài Indonesia, có ít nhất ba
quốc gia tỏ ý sẵn sàng mua tên lửa Neptune. Dù vậy, có những lo ngại rằng
Ukraine không có đủ vũ khí để dùng trong nước, chưa nói đến đáp ứng nhu cầu xuất
khẩu.
Giám đốc Viện thiết kế Luch Oleg Korostelov hồi năm ngoái
thừa nhận doanh nghiệp này đang thiếu ngân sách trầm trọng, chỉ đủ khả năng
cung cấp 800 tên lửa trong tổng số 2.000 quả được quân đội Ukraine đặt hàng.
Thách thức càng trầm trọng hơn khi quân đội Nga hôm 15/4
tuyên bố đã phóng tên lửa hành trình Kalibr phá hủy Nhà máy chế tạo máy Vizar, nơi
sản xuất và sửa chữa tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa, cũng như tên lửa
chống hạm cho quân đội Ukraine.
Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukraine Ukroboronprom
xác nhận nhà máy Vizar có đóng góp không nhỏ trong quá trình chế tạo tên lửa diệt
hạm Neptune và rocket dẫn đường Alder.
Vũ Anh (Theo Washington
Post)
mẫu này hoành tráng đó
Trả lờiXóa