Trang

19/04/2022

Mục tiêu của Nga ở Ukraine là gì?

                     Nước Nga của Putin được mô tả là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, muốn lấy lại quyền lực và uy tín trước đây của mình. Gerard Toal, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Virginia Tech, viết trong cuốn sách Near Abroad:

“Mục tiêu của Putin luôn là khôi phục nước Nga trở thành một cường quốc ở phía bắc Á-Âu. Mục tiêu cuối cùng không phải là tái tạo Liên Xô mà là làm cho nước Nga vĩ đại trở lại.”

Gerard Toal

Bằng cách chiếm Crimea vào năm 2014, Nga đã củng cố quyền kiểm soát của họ tại một vị trí chiến lược trên Biển Đen. Với sự hiện diện quân sự lớn hơn và tinh vi hơn ở đó, Nga có thể phóng chiếu sức mạnh sâu hơn vào Địa Trung Hải, Trung Đông và Bắc Phi, những nơi mà họ đã chỉ có ảnh hưởng hạn chế. Một số trong giới phân tích cho rằng các cường quốc phương Tây đã thất bại trong việc áp đặt cái giá đích đáng với Nga để trả cho việc Nga sáp nhập Crimea, điều mà họ cho rằng chỉ làm tăng việc có thể khiến  Putin sẵn sàng dùng vũ lực để theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình. Cho đến khi bị xâm lăng vào năm 2022, thắng lợi về chiến lược của Nga ở Donbas còn mong manh hơn. Việc ủng hộ phe ly khai, ít nhất là tạm thời, đã làm tăng khả năng thương lượng của họ đối với Ukraine.

Vào tháng 7 năm 2021, Putin đã viết một bài báo mà nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại phương Tây coi là đáng ngại giải thích những quan điểm gây tranh cãi của ông về lịch sử chung giữa Nga và Ukraine. Trong số các nhận xét khác, ông Putin mô tả người Nga và người Ukraine là “một dân tộc” đã chia sẻ “cùng một không gian lịch sử và tâm linh một cách hiệu quả.”

Trong suốt năm 2021, Nga đã đưa hàng chục ngàn binh sĩ đến dọc biên giới với Ukraine và sau đó là vào đất của đồng minh Belarus dưới danh nghĩa của các cuộc tập trận. Vào tháng 2 năm 2022, Putin đã ra lệnh mở một cuộc xâm lăng toàn diện, đưa một lực lượng khoảng 200 ngàn quân vào lãnh thổ Ukraine từ phía nam (Crimea), phía đông (Nga) và phía bắc (Belarus), nhằm chiếm giữ các thành phố lớn, gồm cả thủ đô Kyiv, và truất phế chính phủ. Putin nói rằng các mục tiêu rộng lớn là “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa” Ukraine.

Tuy nhiên, trong những tuần đầu của cuộc xâm lăng, các lực lượng Ukraine đã huy động một cuộc phản kháng kiên cường đã thành công trong việc làm sa lầy quân đội Nga ở nhiều khu vực, kể cả Kyiv. Nhiều người trong giới phân tích quốc phòng cho rằng các lực lượng Nga đã sa sút vì tinh thần kém, hậu cần kém và một chiến lược quân sự sai lầm khi cho rằng Ukraine sẽ thất thủ nhanh chóng và dễ dàng.

Vào tháng 3, một số người quan sát phương Tây cho rằng, với những thất bại bất ngờ mà Nga phải gánh chịu trên chiến trường, Moscow có thể cắt giảm mục tiêu và cố gắng cắt phần của miền nam Ukraine, chẳng hạn như khu vực Kherson, giống như ở Donbas năm 2014. Nga có thể cố gắng dùng những lãnh thổ mới bị chiếm đóng này làm con bài thương lượng trong các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, có thể kể cả những quy định về triển vọng của Kyiv trở thành thành viên trong EU và NATO. Những người khác cảnh cáo rằng các cuộc tấn công tiếp tục nhằm vào Kyiv lật tẩy bất kỳ tuyên bố nào của Moscow về việc chuyển các hoạt động quân sự ra khỏi thủ đô của Ukraine.

Ưu tiên của Hoa Kỳ ở Ukraine là những gì?

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, ưu tiên của Washington là thúc đẩy Ukraine — cùng với Belarus và Kazakhstan — bỏ kho vũ khí hạch tâm của mình để chỉ có Nga giữ lại vũ khí của Liên bang Sô viết cũ. Đồng thời, Hoa Kỳ gấp rút củng cố nền dân chủ đang lung lay ở Nga. Một số người quan sát nổi tiếng vào thời điểm đó cảm thấy rằng Hoa Kỳ đã đi quá sớm trong việc tán tỉnh Nga, và đáng lẽ Mỹ phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy  đa nguyên địa chính trị ở phần còn lại của Liên Xô cũ.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Zbigniew Brzezinski, trong tạp chí Foreign Affairs vào đầu năm 1994, đã mô tả một Ukraine lành mạnh và ổn định là một đối trọng quan trọng đối với Nga và cốt lõi của những gì ông chủ trương phải là một đại chiến lược mới của Mỹ sau Chiến tranh lạnh. Ông viết:

“Không thể nhấn mạnh đủ rằng nếu không có Ukraine, Nga sẽ không còn là một đế chế, nhưng với việc Ukraine bị mua chuộc và bị lệ thuộc, Nga sẽ tự động trở thành một đế chế.”

Zbigniew Brzezinski

Trong những tháng sau khi bài báo của Brzezinski được xuất bản, Hoa Kỳ, Anh và Nga đã cam kết thông qua Trưng cầu dân ý ở Budapest sẽ tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine để đổi lại việc nước này trở thành một quốc gia phi hạch tâm.

Hai mươi năm sau, khi quân đội Nga chiếm Crimea, khôi phục và củng cố chủ quyền của Ukraine được coi là  ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của nước Mỹ và EU. Sau cuộc xâm lăng năm 2022, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã tăng cường hỗ trợ quốc phòng, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine, cũng như tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, giới lãnh đạo phương Tây đã cẩn thận để tránh các hành động mà họ tin rằng sẽ lôi kéo quốc gia của họ vào cuộc chiến hoặc làm leo thang cuộc chiến, về mặt cực đoan, có thể gây ra mối đe dọa hạch tâm.

Chính sách của Hoa Kỳ và  EU là gì ở Ukraine?

Hoa Kỳ vẫn cam kết khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Nga ở Crimea hoặc các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk, và Mỹ cổ vũ một giải pháp ngoại giao chấm dứt cuộc chiến. Trước cuộc xâm lăng năm 2022, Hoa Kỳ đã hỗ trợ giải quyết xung đột Donbas bằng thỏa thuận Minsk [PDF].

Các cường quốc và đối tác phương Tây đã đi nhiều bước để tăng viện trợ cho Ukraine [PDF] và trừng phạt Nga kể từ khi nước này tiến hành cuộc xâm lăng năm 2022. Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 tỷ đô la viện trợ an ninh khẩn cấp vào đầu năm 2022 và sau đó thông qua đạo luật bổ sung gồm nhiều tỷ đô la viện trợ. Quân đội Mỹ đã tập luyện với quân đội Ukraine trong những năm gần đây và Mỹ đang cung cấp cho quân đội Ukraine nhiều quân cụ vũ khí khác nhau, kể cả súng bắn tỉa, súng phóng lựu, kính nhìn ban đêm, radar, hỏa tiễn chống xe tăng Javelin, hỏa tiễn phòng không Stinger, tàu tuần duyên, và hệ thống máy bay không người lái (drone). Một số đồng minh NATO đang viện trợ an ninh tương tự.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã mở rộng đáng kể, hiện gồm cả phần lớn các lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng và kỹ thuật của nước này và nhắm vào tài sản của những tài phiệt giàu có và các cá nhân khác. Mỹ và một số chính phủ châu Âu cũng cấm một số ngân hàng Nga tham gia Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, một hệ thống nhắn tin tài chính gọi là SWIFT; đặt ra những hạn chế đối với khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của Nga; và đưa ngân hàng trung ương của Nga vào danh sách đen. Hơn nữa, nhiều công ty có ảnh hưởng của phương Tây đã đóng cửa hoặc đình chỉ hoạt động ở Nga. Nhóm G8, hiện được gọi là Nhóm G7, đã treo tư cách thành viên của Nga vô thời hạn vào năm 2014.

Cuộc xâm lăng dường như cũng khiến Nga phải trả giá cho Nord Stream 2 đã chờ đợi từ lâu, sau khi Đức đình chỉ việc phê duyệt theo quy định. Nhiều người trong giới phê bình, kể cả các viên chức chính phủ Mỹ và Ukraine, phản đối đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, cho rằng nó sẽ đem lại cho Nga sức bẩy chính trị lớn hơn đối với Ukraine và thị trường khí đốt châu Âu.

Người Ukraine muốn gì?

Sự hung hăng của Nga trong những năm gần đây đã tạo nên sự ủng hộ của công chúng đối với thiên hướng phương Tây của Ukraine. Theo sau sự trỗi dậy của Euromaidan, Ukraine đã bầu  doanh nhân tỷ phú Petro Poroshenko, một người ủng hộ tích cực hội nhập EU và NATO, làm tổng thống. Vào năm 2019, Zelensky đã đánh bại Poroshenko, một dấu hiệu cho thấy sự bất mãn sâu sắc của công chúng đối với tổ chức chính trị và cuộc chiến chống tham nhũng và nền kinh tế tài phiệt đầu sỏ chính trị ngắc ngứ.

Trước cuộc xâm lăng năm 2022, các cuộc thăm dò cho thấy người Ukraine có quan điểm không đồng nhất về tư cách thành viên NATO và EU. Hơn một nửa số người được khảo sát (không kể cư dân của Crimea và các khu vực tranh chấp ở phía đông) ủng hộ tư cách thành viên EU, trong khi 40 đến 50% ủng hộ việc gia nhập NATO.

Trong những tuần sau cuộc xâm lăng, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Ukraine được thăm dò đã ủng hộ cuộc kháng chiến vũ trang chống lại Nga và bác bỏ các yêu sách của Nga đối với Crimea và sự hậu thuẫn của các nước cộng hòa ly khai ở Donbas. Hơn một nửa số người được thăm dò cho rằng Ukraine không nên bỏ việc gia nhập NATO trong tương lai để chấm dứt chiến tranh.


Tác giả | Jonathan Masters, Phó chủ biên Council on Foreign Relations (CFR). Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) là một tổ chức chuyên gia cố vấn và nhà xuất bản độc lập, phi đảng phái.
Ông là nhà báo và biên tập viên trưởng viết về nhiều chủ đề cho CFR.org. Masters cũng viết về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia và tác phẩm của ông đã xuất hiện trên tạp chí Foreign Affairs, the Atlantic, và Bloomberg. Ông tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Chính trị của Đại học Emory và Cao học Lý thuyết Xã hội của New School. Ông là thành viên nhiệm kỳ của CFR và là thành viên của Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại. Email: jmasters@cfr.org

© 2022 DCVOnline

 

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.