Trang

25/12/2012

TÌNH YÊU


Tình yêu là một đề tài được khai thác triền miên qua mọi thời. Kẻ nói trên lãnh vực này, người nói trên lãnh vực kia.
Ai mà chẳng thích tình yêu. Và nhất là muốn trở thành đối tượng được yêu của người khác. Ngược lại, ai cũng không thích bị người khác ghen ghét. Chính vì cái điều tự nhiên và logíc ấy mà nó trở thành phổ thông và tồn tại muôn đời.
Khát vọng sâu xa trong con người là tình yêu. Chẳng ai sống mà không cần yêu. Chẳng ai yêu mà lại thấy đời không đáng sống. Càng suy đi nghĩ lại càng thấy đúng và rất thực tế. 
Ở bất cứ lãnh vực nào, nếu người ta không đưa yếu tố tình yêu vào thì nó sẽ tan rã, không tồn tại được. Tình yêu là chất liệu cơ bản để giữ gìn đối tượng ấy. Tình yêu tự bản chất thì vô hình. Thế mà rất nhiều khi người ta chỉ lo xây dựng những cái hình dạng bề ngoài mà thôi, còn cái cốt lõi thì không có hoặc có mà rất mong manh yếu ớt. Đó là tình trạng thiếu tình yêu. Phải đưa tình yêu vào như một mồi lửa cho đống củi cháy lên để trở thành than. Chắc chắn nếu không có lửa thì chỉ vẫn là củi, không biến thành than được.
Tất cả mọi cộng đồng lớn nhỏ trong nhân loại, mọi phương diện trong cuộc sống đều cần đến tình yêu để nuôi dưỡng. Cần đến tình yêu để nó trở thành có nghĩa. Cuộc hôn nhân không có tình yêu là sự kết hợp vô nghĩa giữa nam và nữ. Tan rã. Buồn. Bất hạnh.
Nhìn vào cuộc sống xã hội thấy như một trận chiến đấu. Sự bát nháo và điên đảo nơi xã hội ấy đang minh chứng cho một tình trạng thiếu tình yêu hoặc tình yêu bị vơi dần rồi. Chất liệu nối kết trong xã hội loài người không còn độ dính nữa vì nó khô khan quá, không đủ sức hút giữa cái này với cái kia. Hậu quả là rời rạc, chia rẽ. Xa hơn nữa là tự do, chết chóc.
Yếu tố nền tảng mất đi là rất nguy hiểm.
Trong bối cảnh ấy của xã hội hôm nay, ta thấy xuất hiện nhiều loại tiếng kêu gào. Kêu gào cho một tình yêu đã mất. Kêu gào vì tình yêu đã xa. Kêu gào cho một thực tại. Tiếng kêu gào của thiên nhiên, của con người. Thiên nhiên kêu gào trả lại tình yêu cho nó. Không thể coi nó như một thứ vô tri vô giác hoàn toàn. Con người kêu gào trả lại cho nó mãnh liệt hơn, vì họ là loài có hồn. Nó sẽ phản ứng bằng những điều tinh vi và khoa học để đòi tình yêu. Con người sẵn sàng đòi bất cứ tình yêu của ai, dù là Thượng Đế đi nữa. Thực tế, khi tiếng kêu gào đòi tình yêu của con người trần thế không đạt được thì họ phải kêu lên Thượng Đế. Cuối cùng thì Thượng Đế bị kêu nhiều nhất. Vì chỉ có Ngài mới giải quyết hết được. Ngài là tình yêu mà. Ngài là tình yêu chứ không như ta là kẻ chỉ có tình yêu.
Ngay từ bé, con người đã được giáo dục để biết yêu. Yêu ông bà,cha mẹ, anh chị, thầy cô, bạn bè…Đây là tình yêu tự nhiên. Yêu quê hương, yêu tổ quốc, yêu thiên nhiên. Đây là tình yêu  mang tính sở hữu thực tế. Nếu được trừu tượng hơn thì sẽ biến thành tình yêu của người nghệ sĩ được diễn tả trong bài thơ, bài hát, bức tranh….Yêu người khác phái. Đây là tình yêu thuộc bản năng sinh tồn. Yêu thần linh, yêu Thượng Đế. Đây là tình yêu thuộc lãnh vực tâm linh, tôn giáo. Nếu ta đánh mất hoặc làm sứt mẻ trong các mối tương quan ấy làm cho tính tự  nhiên không còn đúng bản chất của nó nữa thì cũng mất luôn tình yêu. Nếu không giáo dục những tình yêu này thì tự nhiên người ta cũng biết nhưng nhiều khi không đúng và không hiệu quả bao nhiêu. Vì thế mới có các loại tình yêu. Nhất là trong lãnh vực tình yêu nam nữ có yêu vội vàng, yêu nửa chừng, yêu vì ghen, yêu vì tiền, yêu vì sắc….Nó có cái sai và cái không sai nhưng không đạt được hiệu quả lâu dài.
Người ta thích một tình yêu chân thành và chung thuỷ. Tình yêu ấy phải được giáo dục, được rèn luyện và được thử thách. Càng thử thách nhiều thì càng gạn được tình yêu trong sáng, mạnh mẽ. Cho nên “không ở đâu vấn đề sống chết may rủi lại nghiệt ngã và tàn nhẫn cho bằng trong tình yêu” (V.Hugo).Thứ tình yêu như đã đi qua lửa. Thứ tình yêu như trong một cuộc tình bị phản bội mới thấy đau đớn, nghiệt ngã làm sao.
Bùi Trọng Khẩn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.