Các giá trị được định nghĩa lại: Từ những câu nói không nghiêm túc, vô thưởng vô phạt, tưởng chừng như đùa giỡn, dần dần nó hình thành nên cách nghĩ, cách làm lệch chuẩn nơi người trẻ, xem như đó là cách định nghĩa lại, xem xét lại, xác định lại các vấn đề mà trước đây là những giá trị cần phải tuân giữ. Những câu nói nhan nhản trên các diễn đàn, trên câu nói cửa miệng của các công dân mạng như: “Không bao giờ bán đứng bạn của mình trừ khi được giá”, “Một con ngựa đau, cả tàu được ăn thêm cỏ”, “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn”, “Yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối”... Rõ ràng, khi nghe, khi thấy những lời lẽ như vậy, lúc đầu người ta nghĩ là người trẻ nhất thời đùa giỡn nhưng những diễn tiến trong lối sống của giới trẻ đã minh chứng rằng những giá trị truyền thống đã bị thay đổi đúng theo cách như vậy.
Các giá trị vật chất “lên ngôi”: Tất cả những giá trị trong đời sống con người như tình yêu, sự trung thực, sự chân thành, sự khiêm nhường,… dường như bị các vấn đề vật chất lấn át, và điều này có thể dẫn đến sự suy thoái con người. Nó đã diễn ra gần như trên toàn thế giới, tuy Việt Nam đi sau Phương Tây vài chục năm nhưng vẫn không rút ra kinh nghiệm, vẫn thấy nó mới mẻ và hấp dẫn.
Chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ: Hành vi tiêu dùng của con người trở thành mục tiêu cho các nhà tâm lý học tiêu dùng nghiên cứu, nhằm mục đích tìm cách làm cho con người tiêu dùng nhiều hơn.
Chủ nghĩa cá nhân được đề cao quá mức, dễ khiến người ta chỉ biết sống cho riêng mình: Văn hóa Á Châu là nền văn hóa cộng đồng nên khi xảy ra điều này, xem như nó mang tính chất trầm trọng hơn so với xã hội Phương Tây. Một ví dụ điển hình là các nhân viên làm việc trong các công ty, thường chọn cách là việc mạnh ai người ấy làm, chuyện của người khác không cần bận tâm.
Chủ nghĩa độc thân: Ngoại trừ chọn đời sống độc thân vì một lý tưởng nào đó (như đi tu, hy sinh sống độc thân để nuôi cha mẹ, người thân) hay có khó khăn về tâm lý, khiếm khuyết về thể lý, thì sống độc thân vì những lý do khác đều là ích kỷ.
Cô đơn trong xã hội, bàng quan với tha nhân: Hiện nay, trung bình thời gian các bậc cha mẹ dành cho con cái chỉ khoảng 1,5 giờ, giới trẻ ngày càng thấy mình cô đơn trong gia đình. Còn xã hội ngày nay dường như có rất nhiều thứ phục vụ cho con người, nhưng con người lại không có thời gian để đến với nhau, và từ đó cảm thấy cô đơn và bàng quan với tha nhân.
Không còn thời gian chăm sóc tinh thần: Người ta dành quá nhiều thời gian cho việc lao động kiếm tiền và tiêu thụ, nên chẳng còn thời gian chăm sóc cho đời sống tinh thần.
Sống thật trong thế giới ảo: Xu hướng này đang diễn ra tại Việt Nam và trên toàn thế giới, nó có thể dẫn đến các vấn đề về bệnh lý trong tâm lý học, vì trên xa lộ thông tin họ cũng yêu đương, trao đổi tâm tình, cảm xúc… nhưng không xuất phát từ con người thật của mình.
Đời sống hôn nhân trở nên dễ đổ vỡ hoặc phải chấp nhận sự phản bội theo kiểu “mắt nhắm mắt mở”: Hôn nhân rạn nứt nhưng nếu làm lớn chuyện thì sẽ đổ vỡ nên người ta phớt lờ, ngậm ngùi cho qua chuyện. Thậm chí có người còn đặt lại vấn đề là liệu người vợ, người chồng ngoại tình bên ngoài có còn đáng là vấn đề đạo đức phải lên tiếng hay không?
Các giá trị tâm linh biến thành “mốt”: Người ta tham gia vào các nghi thức tôn giáo, lễ hội theo thời trang mà không có sự biến đổi nội tâm, không là đời sống thực của con người.
Với những thực trạng nêu trên, chưa bàn đến chuyện tốt hay xấu, rõ ràng đây quả là một vấn đề cần phải xem xét khi phải sống trong một bối cảnh như thế. Giới trẻ phải làm cách nào để tồn tại, làm cách nào để yêu thương, và làm sao để duy trì được một tình yêu chân thành, bền vững. Đó là cả một vấn đề lớn.
Sau khi nêu lên thực trạng môi trường sống của thời đại ngày nay, nhà tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy đã đặt ra một số câu hỏi và đề nghị khán giả dừng lại và suy nghĩ để đưa ra ý kiến trao đổi về các vấn đề sau: Tình yêu của người trẻ trong thời hiện đại có điều gì khác với các thế hệ trước? Thời nay, có một tình yêu hoàn hảo không? Làm sao để có thể tin tưởng tuyệt đối vào một người khác trong tình yêu?
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.