Bạn có ghen
không? Nếu có thì mức độ như thế nào? Riêng tôi sẽ “thành thật khai báo” sau
khi điểm qua vài câu chuyện xưa và nay về đề tài này.
Hầu như ai cũng
ghen - Ghen với người yêu, người phối ngẫu, ganh với người chung quanh, tức tối
với các việc xảy ra trong cuộc sống: Trâu buộc ghét trâu ăn, Thua trời một vạn,
không bằng thua bạn một ly. Nhiều trận tranh hùng trong thiên nhiên đã được
thâu hình lại, chứng tỏ cầm thú cũng biết ghen và thi thố sức mạnh. Đứng về mặt
tích cực, ganh đua là động cơ giúp ta làm việc để thăng tiến hơn. Ghen là gia vị
giúp tình yêu thêm thi vị đậm đà, như tô bún bò Huế phải có chút ớt cay. Vấn đề
là ghen trong trường hợp nào và như thế nào để “dừa đủ xài”.
Chuyện xưa kể rằng
Hoàng Hậu Viên Thị thời Nam Bắc Triều rất hay ghen. Khi biết Văn Đế cho một thứ
phi 30 ngàn đồng vàng và sủng ái hết lòng, Viên Thị ghen chết được nên bắt đầu
“tịnh khẩu” để chống đối. Đến giờ lâm chung, vua nắm tay hỏi muốn gì, bà vẫn
quay mặt không thèm nhìn. Hoàng tử Lưu Thiện khi lên ngôi đã giết chết Văn Đế lẫn
thứ phi này để trả thù cho mẹ. Nếu trước khi chết Viên Thị bớt ghen nói vài lời,
có lẽ đã không mất đi hai mạng người.
Lý Hoàng Hậu vợ
vua Tống Quang Tông còn ghen cả với bậc tỳ nữ. Khi một nữ tỳ bưng nước cho vua
rửa tay, vua thích thú khen bàn tay trắng trẻo quá đẹp, hoàng hậu liền chặt tay
cô này gói làm quà tặng vua để dằn mặt. Vua khiếp vía rụt rè hơn trong việc qua
lại với các cung phi, để hoàng hậu độc chiếm hoàng đế. Nhưng không phải chỉ đàn
bà mới ghen ác như thế, đàn ông thời xưa cũng đâu kém. Công nương nước Tàu khi
thấy trong cung có thêm vị tướng trẻ liền quay sang hỏi vua ai mà oai phong thế.
Vua chẳng trả lời, lát sau cho quân sĩ dâng lên công nương cái mâm đựng đầu vị
tướng trẻ này. Chỉ mới khen, chưa có tà ý hành động gì mà kết quả như thế, quý
bạn nên cẩn thận khi khen người khác trước mặt vợ hay chồng mình nhé.
Lưu Bang là người
sáng lập ra nhà Hán, có vợ từ thuở hàn vi tên là Lã Trí. Khi lên ngôi Lưu Bang
lại sủng ái Thích phu nhân, Lã hoàng hậu ghen tức nhưng chẳng làm gì được. Chờ
khi Lưu Bang băng hà, Lã Trí cho người cột họ Thích vào trục đá lớn của cối
xay, bắt kéo cối đá cho tới chết. Đòn ghen của Lã Trí làm con trai là Huệ Đế bất
bình, ngày đêm cờ rượu chơi bời đến sinh bệnh chết khi mới 22 tuổi.
Có người ghen
như bão tố, la hét bù lu bù loa, có người ghen nhưng rất thâm trầm cao tay.
Trong chuyện Vua Ngụy tặng mỹ nữ cho vua Kinh, vì thấy vua Kinh yêu quý tân
giai nhân này quá sức, phu nhân là Trịnh Tụ mới giả làm thân với cô gái, to nhỏ
rằng Vua thích hết mọi thứ trên người cô chỉ trừ cái sống mũi, khuyên cô khi gặp
vua nên che mũi lại. Cô gái ngây thơ này tin lời. Trịnh Tụ mặt khác lại bẩm với
vua: Mỹ nữ chê vua nặng mùi hôi phải bịt mũi lại, quả nhiên vua nổi giận cho xẻo
mũi tân nương.
Nói tới chuyện
mũi tôi nhớ một tục lệ ở đảo Kiribati, gần vùng Thái Bình Dương. Tại đảo này,
ngoại tình sẽ bị người phối ngẫu cắn sứt một phần mũi theo đúng luật
nose-biting hay nasal imputation. Tại sao phạt mũi mà không trừng trị chỗ khác?
Theo người La Mã và người Anh thời xưa, mũi liên hệ mật thiết tới bộ phận sinh
dục, cái này dài ắt cái kia cũng dài luôn. Cắn mũi là làm giảm đi cái hấp dẫn,
dục tính của người kia. Điều này không chừng đúng, vì trên nguyên tắc người Tây
mũi lõ thường “mạnh” hơn dân Á Đông mũi tẹt.
Trở lại các điển
tích xưa về ghen, xin được kể chuyện “Bến Đò Ghen”: Đời nhà Tấn có cô Đoàn
Minh Quang là vợ của Liêu Bá Ngọc. Khi Bá Ngọc đọc bài phú của Tào Thực tả vẻ đẹp
nữ thần sông Lạc thì say sưa nói với vợ: “Nếu tôi lấy được người như vậy thật
không ân hận gì”. Minh Quang tức tối trả lời: “Sao chàng lại khen thủy thần mà
khinh ta, ta chết không thành thủy thần sao?” Nói xong nàng liền trầm mình tự tử.
Bá Ngọc sợ quá từ đó không dám qua sông. Bến đò nơi Minh Quang chết đuối, các
phụ nữ muốn qua sông phải ăn mặc lem luốc, giả ra xấu xí nếu không sẽ bị sóng
gió nguy hiểm, vì vậy nơi đây được gọi là “Bến Đò Ghen”. Quả là “ghen bóng,
ghen gió”, chỉ vì chuyện đẩu đâu mà bỏ mình không tiếc!
Rồi tới chuyện
xảy ra đời nhà Đường. Vua Thái Tôn muốn thưởng công cho Nhiệm Khôi nên đã tặng
ông hai cô thị tì, Nhiệm Khôi không dám nhận vì sợ vợ ghen. Vua cho gọi vợ Nhiệm
Khôi vào cung, ra điều kiện nếu không cho chồng nhận hai nàng hầu thì phải uống
rượu độc. Vợ Nhiệm Khôi nhắm thấy sống trong ghen tuông thà chết sướng hơn, nên
đã nhận chén rượu rồi trối trăn mọi việc. Cũng may đó chỉ là dấm chua nên bà
không chết. Về sau người ta dùng chữ “uống dấm” để chỉ người đàn bà ghen, trong
chuyện Kiều cũng có nhắc tới điển tích “dấm chua” này. Tôi đồng ý chuyện không
chung chồng, có điều tội gì mà phải chết. Từ từ kiếm người nào “quởn” sẽ góp gạo
nấu cơm chung, biết đâu rồi con tim sẽ vui trở lại!
Cổ tích Việt Nam
cũng có chuyện Sơn Tinh & Thủy Tinh. Vì ghen không lấy được Mỵ Nương nên Thủy
Tinh hằng năm vẫn làm bão lụt để hại Sơn Tinh, mong giành lại Công Chúa.
Trong Tiếu Ngạo
Giang Hồ của Kim Dung có nhân vật Á Bà Bà (bà già câm). Khi còn trẻ, Á Bà Bà là
một ni cô xinh đẹp, chàng đồ tể giết heo say mê vẻ đẹp đó nên cũng cạo đầu đi
tu với pháp danh Bất Giới Hòa Thượng rồi sanh ra Nghi Lâm. Bất Giới gặp vợ của
Nhạc Bất Quần quá đẹp nên không kịp giữ giới giữ lời, lên tiếng khen ngợi trửng
giỡn, Á Bà Bà nổi cơn ghen bỏ đi vào phái Hằng Sơn, giả làm mụ già câm điếc khiến
Bất Giới tìm muốn chết. Tôi cũng rất phục Á Bà Bà, vì nội công của tôi chỉ thâm
hậu tới mức 8 ngày không nói, không thể im lặng lâu hơn được.
Cái ghen của bậc
nữ lưu quý tộc còn ghê gớm hơn. Trong “Thiên Long Bát Bộ”, vợ của Đoàn Chính
Thuần - vương phi của nước Đại Lý - giận chồng lăng nhăng nên đem tấm thân ngàn
vàng ra “cho không, biếu không” một gã ăn mày thấp hèn, sinh ra Đoàn Dự. Bà còn
hận đến nỗi bất cứ ai họ Đoàn đến sơn trang, bà đều cho giết để làm phân bón trồng
hoa.
Cái ghen đã được
Kim Dung nâng lên thành những thủ đoạn cao cường như chuyện nàng Chu Chỉ Nhược.
Chỉ Nhược ganh ghét với Triệu Minh nên đánh thuốc mê mọi người, tự rạch mặt để
đổ tội cho Triệu Minh hầu được làm vợ Trương Vô Kỵ, độc chiếm Đồ Long Đao,
nhưng cuối cùng sự thật đã bị phanh phui. Vô Kỵ tuy biết chuyện mà vẫn ra tay cứu
nàng Chu, khiến cô tỉnh ngộ và tìm lại con người hiền lương của mình khi xưa.
Trong thơ văn,
Shakespear có viết chuyện chàng Othello. Othello bị Iago gài bẫy nên lên cơn
ghen ra tay giết vợ, dù Desdemone là người hiền lành không hề phản bội. Ethello
sau cùng đã tự sát vì hối hận.
Trong chuyện Kiều,
thi hào Nguyễn Du đã viết: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Ông Trời mà
còn ghen, thì nói làm chi đến Hoạn Thư, vì bà chỉ là “chút phận đàn bà, ghen
tương thì cũng người ta thường tình”. Bài thơ “Ghen” của Nguyễn Bính cũng nổi
tiếng vì ông ghen với cả hoa bướm, với mùi thơm nước hoa mà chỉ một mình ông được
ngửi, không chịu “share”!
Vài thập niên
trước, có chuyện kể hai vợ chồng đem máy hát ra thưởng thức cho vui tuổi hạc.
Khi nghe bài Tỳ Bà do cô Bốn Khâm Thiên hát, ông cụ gật gù khen hay, tấm tắc
người hát chắc phải đẹp. Bà cụ đứng ngay dậy đập bể cái máy hát quý giá đó. Điều
oan ức là ông cụ chưa hề bước chân “xuống xóm”, không biết chị em cô Bốn, cô
Năm già trẻ ra sao. Nghe nói khi xem Nhật Trường và Thanh Lan tình tứ trong nhạc
cảnh “Anh Không Chết Đâu Anh”, vợ Nhật Trường ở nhà cũng đập bể TV, chẳng biết
chuyện này có thật hay không!? Báo chí cũng đăng chuyện một nhà thầu khoán lén
đưa người tình đi chơi bằng chiếc xe hơi mới. Bà vợ biết được đổ xăng thiêu rụi
chiếc xe, mặc dầu nó là nửa gia tài của ông bà. Rõ phí của nhưng khi ghen thì
làm sao mà sáng suốt, đốt chồng còn được, nói gì tới đốt xe!
Chuyện tình của
vũ nữ Lý Lệ Hà và cựu hoàng Bảo Đại liên tục xuất hiện trên báo vào những năm
1940, rồi tới thứ phi Mộng Điệp và bao bóng hồng nữa, làm Hoàng hậu Nam Phương ở
Huế phải chịu cảnh ngậm đắng nuốt cay.
Lại cũng nghe
nói Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có chút liên hệ tình cảm với Ca sĩ Kim Loan,
phu nhân Mai Anh rất tức giận, nhưng vốn khôn ngoan muốn giữ chiếc ghế Tổng thống
của chồng, nên đã sắp xếp cho Kim Loan bỏ xứ đi Tây Đức.
CÒN TIẾP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.