25/12/2012
Du Hành Vào Tình Yêu (TT)
Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Đời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng bị thiệt thòi. Người thật thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu". Tình Yêu Là Gì ? Cho Hay Nhận? Tình yêu là sự kết hợp với "phân nửa" của mình để giữ toàn vẹn được mình. Là sức mạnh hoạt động của con người, làm cho con người chiến thắng được cảm thức cô đơn. Có thể nói yêu là điều kiện để thực hiện việc nghịch lý: "Mình với ta tuy hai mà một", "Ta với mình tuy một mà hai". Ta sẽ nghĩ thế nào trước mệnh đề "Tình yêu là hiến tặng"? Thông thường hiến tặng ai một cái gì, có nghĩa là mất đi, là một sự hy sinh. Trong ý nghĩa ấy, sẽ có lập luận cho rằng bản chất của tình yêu và vô điều kiện. Nghĩa là yêu không cần đáp trả. Nhưng yêu không cần đáp trả chỉ là một hình thức của tình cảm đơn phương. Trong trường hợp này, tình yêu chỉ mới thực hiện được có một nửa. Bởi vì bản chất của tình yêu phải là sự cộng hưởng. Khi ta nói yêu nhau, tức là yêu cầu cả hai người và về cả hai phía. Do đó, hiện tượng yêu không cần đáp trả là sự biến dạng của tình yêu chứ không phải là tình yêu trọn vẹn. Điều đó, chứng tỏ rằng khởi điểm của tình yêu là cho, là hiến tặng. Mà điều tối quan trọng của cho không phải chủ yếu thuộc về vật chất. Sự kết hợp nào, tình yêu nào đặt cơ sở trên vật chất sẽ không tồn tại. Vậy thì cho cái gì? Đó là mạng sống, con người, tâm hồn, cái gì quý giá nhất của chính mình. Tóm lại tặng hiến của tình yêu quý giá nhất là cái gì thuộc về phạm vi nhân bản, là niềm vui, sự hiểu biết, sở thích, óc hài hước, sự buồn khổ và tất cả những gì làm cho người yêu "giàu" hơn lên, sống động hơn lên, làm sản sinh ra một đời sống mới, một thế giới mới. Như vậy, "cho", tự bản chất là một niềm khoái lạc. Và chỉ có người thật sự làm chủ, thật sự "giàu" mới có khả năng cho và muốn cho. Từ đó, ta sẽ hiểu yêu là một sức mạnh, một năng lực tuyệt đỉnh sản sinh ra hạnh phúc, niềm vui, khoái lạc. Cho nên ý nghĩa cao cả của tình yêu không phải là yêu không cần được đáp trả mà là đem tới cho người kia niềm vui, sở thích... nghĩa là "cho" cái gì quý giá nhất của mình đồng thời từ đó mở ra hướng để "kẻ cho lẫn người nhận đều có cái thú là mình đã cho ra đời một cái gì mới". Đó chính là tình yêu đích thực, trọn vẹn, tự do và tự nguyện.
Khởi sinh của tình yêu là hiến tặng, là cho. Đi từ cái cho thuộc về tình cảm, thuộc về tâm hồn chuyển hóa thành của cải cho có tính cách vật chất, tình yêu bao gồm trong bản thân nó trái tim và thân xác, tinh thần và vật chất. Có ai đó đã từng nói: "Tình yêu là sự kích thích, đồng thời là một ý niệm chịu tác động ở phía bên ngoài. Nếu quả thật như vậy thì khi nào bạn thiếu thốn tình yêu, có nghĩa là bên ngoài không còn tác động gì đối với bạn, và chính bạn, bạn đã không còn khả năng kích thích phía bên ngoài. Đó là một hiện tượng "nghèo nàn không thể ban tặng gì cho ai và mất hiệu lực hòa nhập với con người. Cho nên, trong suốt cuộc tình của mình, không phải yêu một lần là đủ, cho một lần là xong. Muốn giữ cho tình yêu bền chặt, hạnh phúc lứa đôi không vơi cạn, mỗi người phải "cho" không ngừng để làm sản sinh ra tình yêu. Người nào chỉ thích thú khi "nhận" mà không cảm thấy thích khi "cho", người đó sẽ không có tình yêu. Theo như một nhà tâm lý học đã viết: Tình yêu tuổi thơ đi theo nguyên tắc: "Tôi yêu vì tôi được yêu". Tình yêu trưởng thành thì ngược lại: "Tôi được yêu, vì tôi yêu". Tình yêu chưa đủ trưởng thành thì: "Tôi yêu bởi vì tôi cần em (anh)". Tình yêu đã trưởng thành thì: "Tôi cần em (anh) vì tôi yêu em (anh)". Như vậy, bản chất của tình yêu là Cho hay Nhận? Và có phải tình yêu phát sinh bằng cách yêu (cho) thì "hay đẹp, tốt" hơn là bị lệ thuộc (vì nhận) tình yêu ? Giải quyết được điều này sẽ giúp chúng ta dù đang ở trong bất cứ giai đoạn nào của tình yêu: Nếu chưa có tình yêu, vẫn còn cô đơn ta sẽ có thể tìm gặp được đối tượng và tìm thấy tình yêu. Nếu đang yêu, sẽ giữ được tình yêu và người yêu. Nếu đã là bạn đời với nhau, ta sẽ củng cố được hạnh phúc gia đình, làm cho cuộc sống lứa đôi mãi mãi có hương vị quyến rũ như thuở nào.
Tình yêu là con dao, có thể cắt nát con tim hay có thể khắc sâu vào tim ta những vết khắc diệu kỳ và sẽ theo ta đến cuối đời. Tình yêu là một tặng phẩm tuyệt vời mà tạo hóa dành cho con người, có thể đem đến cho ta niềm hạnh phúc và sức mạnh. Nhưng cũng có thể đem đến cho ta nỗi đau, có nhiều tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có người không dám yêu nữa. Cũng như sống là đương đầu, rủi ro với cái chết. Hy vọng là liều lĩnh với sự thất bại. Yêu là mạo hiểm vì có thể bị từ chối. Nhưng không mạo hiểm thì đã là thất bại rồi vì trong cuộc sống điều nguy hiểm nhất là không thử thách điều gì. Để đạt được cái kế tiếp, bạn phải dám mạo hiểm với những gì liên quan. Bộc lộ cảm xúc là chính bạn đang nói lên sự thật. Thử thách trong tình yêu chính là bạn yêu mà có thể không được đáp trả. Làm thế nào để định nghĩa tình yêu như: Vấp ngã nhưng không suy sụp, kiên định nhưng không cố chấp, chia sẻ và công bằng, đồng cảm và không đòi hỏi, tổn thương nhưng đừng bao giờ giữ lại nỗi đau.
Như người ta thường nói : "Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ".
Cho nên tôi, có lẽ dù có khổ thì cũng " yêu". Còn bạn thì thế nào?
Lý Lạc Long
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.