Trang

11/04/2017

Mộng Ảo

Vì sao Phật nói: Mọi thứ trên thế gian này chỉ giống như bóng trăng trên mặt nước?
Phật gia giảng rằng: nhân sinh như mộng, đời người là ảo vọng, hết thảy mọi thứ nơi thế gian cũng chỉ giống như bóng trăng trên mặt nước.
Vì sao lại như vậy? Hãy cùng đến với hai câu chuyện ngắn dưới đây:

Câu chuyện thứ nhất
Alexander Đại đế là một vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sỹ quan của mình: “Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi cần phải thực hiện những gì ta bảo”. Các vị tướng tuân lệnh trong dòng nước mắt.
“Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái hòm rỗng của ta về một mình”. Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp: “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho tàng của ta trên suốt dọc đường đến nấm mồ khi các ngươi mang quan tài của ta ra nghĩa địa”. Sau khi quấn mình trong chiếc áo khoác và nghỉ một lúc, ông nói tiếp: “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay của ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.
Mọi người xung quanh ông tất cả đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi: “Thưa đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?
Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời: “Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được.
Ta để cho người thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình là để người ta nhận ra rằng một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng phải trân quý cuộc sống của họ.
Mong ước thứ hai của ta là để nhắn nhủ mọi người rằng không nên giống như ta, theo đuổi giấc mộng giàu sang. Ta đã tiêu tốn cả đời để chạy theo sự giàu có, nhưng cuối cùng, ta nhận ra rằng mình đã lãng phí hầu hết thời gian của đời người.
Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng”, nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng.

Câu chuyện thứ hai:
Ngày xưa, ở Ấn Độ cổ có một người đàn ông vì chán ghét cõi hồng trần nên đã tìm đến cửa Phật.
Mặc dù vậy, nhưng ông vẫn còn nhiều ham muốn với thế gian. Ông thường tắm nước nóng và dùng dầu thơm để sát lên thân thể, khi đi xin ăn cũng lựa chọn những nhà giàu để xin, tâm hồn bị chôn vùi sâu trong vật chất, như bị dây mơ trói thân thể vậy, không lúc nào tự tại. Mặc dù trên hình thức ông đã xuất gia, thụ giới, nhưng về hành vi và cảnh giới thì vẫn là phàm phu tục tử, cách thánh đạo Niết Bàn còn xa lắm.
Một hôm, khi đang chuẩn bị đi ra ngoài khất thực, vị sư này thấy các tỳ kheo bàn tán sôi nổi về một Tôn giả có tên là Upagupta, một nhà sư nổi tiếng đạo hạnh cao thâm, đang trú ngụ tại nước Ma La. Vị tỳ kheo mới xuất gia này rất tò mò về tôn giả Upagupta nên quyết định tới diện kiến.
Vừa nhìn thấy vị tỳ kheo, Tôn giả Upagupta liền hỏi: “Ông không quản đường xá xa xôi tới đây làm chi?”
“Tôi mộ danh ngài mà tới. Mong được nghe Tôn giả từ bi khải thị yếu chỉ Phật Pháp.
Tôn giả Upagupta quan sát vị tỳ kheo một lúc, biết người này căn cơ thâm hậu, chẳng qua vẫn còn bị ái dục trói buộc nên mới thành ra như vậy, bèn hỏi: “Ông có thể hoàn toàn nghe theo lời giảng của ta, chấp nhận giáo huấn của ta, chiểu theo ý chỉ của ta mà làm hay không?”
“Tôi nhất định có thể, hết thảy đều chiểu theo lời dặn dò mà làm”, vị tỳ kheo dập đầu trả lời.
“Nếu ông có thể sinh tín tâm, trước tiên ta sẽ dạy ông thần thông, sau đó thuyết Pháp cho ông”, Tôn giả Upagupta cười nói.
“Học thần thông trước, tuyệt quá.” vị tỳ kheo sung sướng reo lên.
Sáng sớm hôm sau, tôn giả Upagupta dẫn vị tỳ kheo lên núi, trước tiên dạy ông học tập thiền định sau lại dặn ông phải tuyệt đối phục tùng mới có thể đắc chính quả. Sau khi thuyết giảng một hồi, Tôn giả Upagupta vận dụng lực thần thông, hóa ra một cây đại thụ, rồi bảo: “Ông cần phải trèo lên cái cây này.”
Vị tỳ kheo “dạ” một tiếng rồi nhanh chóng trèo lên cây đại thụ. Lên được nửa chừng, cảm thấy thấm mệt, vị tỳ kheo liền dừng lại, lấy vạt áo lau mồ hôi, bất giác nhìn xuống thì không khỏi giật mình khi thấy một cái hố lớn xuất hiện ở dưới đó từ khi nào, sâu không thấy đáy.
Tôn giả Upagupta ngồi đả tọa ngay cạnh miệng hố, cười bảo: “Giờ hãy thả hai chân của ông ra“. Vị tỳ kheo run cầm cập, không biết phải làm sao, đành cắn răng, buông thõng hai chân.
“Buông nốt hai tay của ông ra nữa”, Tôn giả Upagupta cất tiếng.
Vị tỳ kheo “dạ” một tiếng nhưng rồi cũng chỉ dám buông một tay.
“Ông hãy buông nốt cả tay kia ra.”
“Nếu lại bỏ tay ra, sẽ rơi xuống hố mà chết”, vị tỳ kheo sợ hãi.
“Ông đã có lời ước hẹn với ta, hết thảy tuân theo dạy bảo của ta, giờ lại hối hận rồi sao?”
Vị tỳ kheo không còn cách nào khác, đành buông tâm không nghĩ gì nữa, vừa buông tay kia ra liền rơi vào cái hố sâu, vừa sâu hoắm vừa đen ngòm. Lúc này ông hồn xiêu phách lạc, toàn thân lạnh ngắt, nhưng khi mở mắt ra nhìn thì thấy cái cây và chiếc hố đã biến đâu mất, chỉ thấy Tôn giả Upagupta đang ngồi trước mặt mình, nhìn ông một cách từ bi: “Giờ ta hỏi ông, khi ông rơi xuống cái hố đó, ông còn thấy thế gian có gì đáng để thích nữa không?”
“Tôn giả, đã tới bước ngoặt sinh tử, hết thảy đều không còn gì ưa thích nữa”.
Là như thế. Hết thảy mọi thứ thế gian đều là hư ảo hết. Khi sắc thân ảo diệt, ái dục cũng theo đó mà ảo diệt. Nếu ông có thể nhìn thấu sắc thân vô thường, thoát khỏi ái chấp trói buộc, thì sẽ giải thoát khỏi nó. Ưa thích là căn nguyên của phiền não sinh tử, hãy cẩn thận với nó, tinh tấn tu hành, chớ mất bản tâm, sẽ thành chính Đạo.”
Vị tỳ kheo lúc này đột nhiên tỉnh ngộ, từ đó tĩnh tâm suy ngẫm, chuyên cần tinh tấn, cuối cùng chứng đắc quả vị La Hán.
Suy ngẫm:
Thực ra, phú quý hay bần tiện trên thế gian cũng như một dòng nước chảy. Nó không ngừng thay đổi vào mỗi thời khắc. Đối diện với sinh-lão-bệnh-tử trong đời người, thì giàu hay nghèo của con người thế gian dường như vô lực. Thế nên đôi khi tôi cảm thấy rằng không có gì trong thế giới này có thể dựa vào, kể cả tiền bạc, quyền lực, tình cảm và thậm chí là cả sức khỏe. Tất cả mọi thứ giống như là bóng trăng trên mặt nước. Mặc dù chúng ta theo đuổi những điều này không biết mệt mỏi, chúng ta thấy rằng cuối cùng chúng chỉ là tạm thời. Không có gì trong những thứ này là điều quan trọng nhất trong đời người.
Cuối cùng xin kết thúc bằng một bài thơ có tên là “Tỉnh mộng” của tác giả Minh Tịnh:
Luân hồi chuyển thế mấy nghìn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi Trời.
Sinh mệnh vốn là Tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay.
Thị phi vốn là ân oán trước,
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương.
Phong Vân
 

4 nhận xét:

  1. Thăm Fa,được đọc 2 câu chuyện rất ý nghĩa cho nhân sinh quan.
    Chúc bạn an vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://i629.photobucket.com/albums/uu11/troimay/TAM%20LINH/13_zpsioptact6.png
      Chúc anh Quỳnh luôn có sức khỏe tốt.

      Xóa
  2. Hay quá.
    https://4.bp.blogspot.com/-ok34QwlJgrQ/VY-06Jbo-dI/AAAAAAAAH1U/lcagUA4Qw-E/s1600/143541490559586.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://i629.photobucket.com/albums/uu11/troimay/TAM%20LINH/15_zpsjf79wxar.jpg
      Chúc chị Thân tâm an lạc.

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.