Bánh mì “Lý Toét” tại Sài Gòn trước
1975.
Không biết ai nghĩ ra chuyện kẹp nhân vào
trong bánh mì nhưng ngay từ đầu thập niên 1950, bánh mì kẹp nhân đã có mặt tại
Hà Nội. Ngày đó, quanh bờ Hồ, đã có những trẻ em bán bánh mì kẹp jambon.
Tôi đã nhiều lần thưởng thức thứ bánh này. Chiếc bánh rất nhỏ được các em ủ vào
trong các bao tải để giữ nóng. Khi có khách mua, chú bé lấy bánh ra, dọc một đường
rãnh, đặt vào một miếng thịt nguội mà gió nhẹ cũng có thể thổi bay. Rắc thêm tí
muối tiêu là xong. Ổ bánh mì đơn sơ, rẻ tiền như vậy nhưng sao mà ngon. Muốn
ngon hơn thì tới trước cửa trường Dũng Lạc, bên hông Nhà Thờ Lớn, ăn bánh mì của
Lý Toét. Anh chàng bán bánh mì này tên Lý. Lý Toét là biệt danh mà lũ học sinh
chúng tôi ngày đó thân ái đặt cho. Lý Toét rất vui tính, vừa bán vừa pha trò
khiến chúng tôi vui vẻ chung tiền cho chàng. Bánh mì của Lý Toét được kẹp chả.
Chả do chính chàng làm nên rất thơm ngon. Tôi không còn nhớ bánh mì này rắc muối
tiêu hay xịt maggie nhưng ngon hết biết. Sau di cư, Lý Toét
vào Sài Gòn, tiếp tục bán bánh mì tại góc đường Hai Bà Trưng và Phan Thanh Giản.
Tác giả Đỗ Duy Ngọc viết về bánh mì “cụ Lý” như sau: “Cách đây hơn sáu chục
năm, sáng sáng ở vỉa hè sát tường rào khúc Hai Bà Trưng với Phan Thanh Giản bên
hông một biệt thự cổ có một người dựa chiếc xe, lúc đầu là xe đạp cổ lỗ sau đó
là chiếc Mobylette xanh có chiếc thúng tre đằng sau bán bánh mì chả. Người ta gọi
là Bánh mì Cụ Lý. Gọi là Cụ thế thôi chứ ông này lúc đấy chỉ trạc tứ tuần, giọng
Bắc Kỳ đặc sệt, đầu chải “bri dăng tin” (brillantine) láng mướt, vuốt
ra đằng sau để lộ một khuôn mặt lúc nào cũng đo đỏ như người uống rượu với chiếc
mũi khá to với mấy sợi râu lún phún. Nhìn ông ta chợt nhớ đến khuôn mặt của
nhân vật biếm họa Lý Toét đăng trên báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn
Đoàn. Hay là vì cái sự giống nhau này mà người ta gọi ông là Cụ Lý chăng? Bánh
mì Cụ Lý ngon mà giá bình dân. Chả đủ loại: Chả lụa, chả chiên, giò thủ, chả mỡ.
Chả nóng hổi, phảng phất mùi hương của thì là. Chả của Cụ Lý không cắt lát như
những xe bánh mì khác mà cụ cắt từng miếng lớn, lộn xộn để lung tung trên mẹt
lót lá chuối xanh dờn. Từ lúc dừng xe dựa vào hàng rào, cụ cắt không ngơi tay,
khách hỏi chuyện, cụ lại nhón miếng chả đưa khách ăn chơi. Xẻ ổ bánh mì, hồi
trước bánh mì nướng củi, vỏ bánh vàng, ruột bánh trắng phau chứ không như bánh
mì bây giờ, cụ nhét đại mấy miếng chả vào, bốc một nắm hành tây, rắc chút muối
tiêu, xì dầu hay nước mắm theo yêu cầu của khách, thế là xong một ổ bánh, không
patê, chẳng dưa chua, hành ngò chi cả. Khách chen nhau, lần lượt. Cầm ổ bánh mì
nóng, chả tràn trề, cắn một miếng, ngon nhức xương”. Ông Đỗ Duy Ngọc
thuộc thế hệ sau, chỉ biết chàng Lý ở Sài Gòn nên không biết biệt danh Lý Toét
đã được chúng tôi đặt từ ngày ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, tôi đã đi làm, có lần
đi ngang qua đường Hai Bà Trưng, ghé vào, kêu lớn: “Lý Toét”. Chàng Lý nhận ra
tôi, chú học sinh Dũng Lạc ở Hà Nội xưa, mừng tíu tít, cứ như gặp tri kỷ. Ổ
bánh mì cho tri kỷ không lý chi tới chuyện tiền bạc. Cũng là một thứ “tha hương
ngộ cố tri”!
Cùng với cuộc di tản và vượt biên những năm
sau 1975, bánh mì Việt Nam có mặt tại nhiều nước và được dân bản xứ hưởng ứng nồng
nhiệt. Bánh mì thịt tại Montreal hiện nay có nhiều thứ. Chắc cũng khoảng hai chục
loại. Từ thịt, chả, gà nướng, bò nướng tới nem chua, tàu hũ. Lung tung xòe tất
cả. Nơi nào có người Việt thì nơi đó có bánh mì kẹp thịt. Tại Montreal, cảnh
các anh chị tây đầm vừa đi vừa…thổi sáo bằng bánh mì là cảnh tôi bắt gặp thường
xuyên. Nhưng bánh mì xâm nhập đất Pháp để đọ sức với baguette mới
là chuyện đáng nói.
Cái khác của bánh mì tại quê hương của bánh
tây là bánh mì dùng ngay bánh tây dài ngoằng chứ không phải những ổ bánh ngắn
nhồi nhân như các nơi khác. Không ai có thể ăn được hết 80 phân bánh nhồi thịt
nên nhà hàng cắt làm ba. Đây là một cuộc hôn nhân thuận lợi. Bánh baguette
Parisiennegiòn và thơm nức mũi đi với nhân Việt gồm cả ngò, đồ chua, ớt,
tiêu cay chua đủ mùi đời thì đẹp đôi là cái chắc. Muốn có ổ bánh mì thịt để gặm
thì phải tới hai khu nhiều người Việt là Quận 13 và Quận 20. Tiệm bánh mì của
người Việt đầu tiên tại Quận 13 là tiệm Khai Trí. Cái tên Khai Trí hình như đã
dính liền với sách vở tại Sài Gòn. Đúng vậy, Khai Trí bán bánh mì và sách! Hai
thứ văn hóa, một phục vụ tinh thần, một phục vụ cuộc sống thường ngày, đã quyện
vào nhau. Nhưng đó chỉ là thời gian đầu khi tiệm khai trương vào năm 1984. Sau
đó bánh mì nghỉ chơi với sách, một mình hùng cứ trong tiệm. Nhưng cái tên Khai
Trí vẫn còn đó với những cuốn sách còn sót lại nằm dọc trên tường như một chứng
tích của bên…thua cuộc.
Khách của Khai Trí dĩ nhiên là người Việt
nhưng tây đầm cũng rất chịu khó gặm bánh mì. Cô chủ tiệm Khai Trí thổ lộ về thứ
bánh mì rất đắt khách của tiệm: “Mình không làm theo lối kỹ nghệ, hàng ngày
mình làm nên đồ nó tươi! Một ngày mình nghĩ bán bao nhiêu thì làm bấy nhiêu
thôi. Mình muốn làm cho khách hàng ăn rồi trở lại chứ không phải ăn rồi đi
luôn. Có nhiều nơi họ mua bánh mì industrielle (kỹ nghệ) thì rất
rẻ. Em đặt bánh mì đặc biệt thành ra ổ bánh mì lúc nào cũng ngon. Đặc biệt của
tụi em ở đây là có gà, có chả, có thịt, nhưng cái ngon nhất của em là gà chà
bông, gà ruốc của em làm rất đặc biệt. Em chỉ có 3 thứ thịt thôi: Thịt heo, gà
ruốc và chả lụa. Tổng cộng ba cái lại người ta gọi là bánh mì đặc biệt. Bữa nào
em hết gà là người ta hơi thất vọng.”
Một boulangerie
Tại Quận 20, còn gọi là khu Belleville, có tới
ba tiệm bánh mì do người Việt làm chủ. Mỗi tiệm cũng có những thứ đặc biệt. Chị
Huỳnh, chủ tiệm Hòa Hưng có từ 21 năm nay, cho biết: “Bánh mì tự nướng để nó
ngon, nó nóng. Thịt đùi, chả lụa với gà chà bông. Đó là bánh mì đặc biệt, bánh
mì gà thì gà ướp sả, vệ sinh hơn mà ở ngoài thì cũng không có bán”. Khách hàng
buổi sáng là người Việt, buổi trưa là người Pháp. Được hỏi về sự khác nhau giữa
bánh mì Việt Nam và bánh tây kẹp thịt của Pháp, ông Jean Pierre, một khách hẩu
của bánh mì Việt nói : “Sự khác nhau? Đó là món Á Châu, nó đầy đủ hơn,
nóng. Tôi ở khu này không lâu lắm, món bánh mì ngon, và làm thay đổi khẩu vị…
Món bánh mì nào của Pháp ngon nhất đối với tôi? Tôi không biết! Có lẽ là món
bánh mì Vendôme với paté, rất, rất ngon! Nhưng không ngon như bánh
mì (Việt Nam). Với bánh mì, chúng tôi khám phá thêm được một món ăn Việt Nam, rất
ngon!”. Một ông người bản xứ khác ví von : “Bánh mì Pháp là một cuộc gặp gỡ
tuyệt vời giữa hai nền văn hóa Pháp-Việt về khẩu vị và mùi vị. Đó là một cuộc
hôn nhân hoàn hảo”.
Cuộc hôn nhân hoàn hảo, tuy hai mà một, nhưng
vẫn là hai. Bánh mì Việt Nam đã là một thực thể riêng biệt. Ngày 28/3/2011, tự
điển danh tiếng Oxford đã ghi từ “bánh mì” với định nghĩa như sau: “Bánh
mì là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt, paté và rau củ
như cà rốt, dưa leo, ngò…và kèm gia vị như ớt, tiêu”. Vậy là sau hai từ “áo
dài” và “phở”, “bánh mì” đã leo được vào từ điển Oxford.
Bánh tây qua Việt Nam đã bị Việt Nam hóa và mang trở lại Tây với một vị trí độc lập được ghi nhận chính thức với tên “bánh mì”, chẳng là một hãnh diện cho dân Việt ta sao?
Song Thao 05/2021
rất hấp dẫn
Trả lờiXóa