Trang

31/12/2023

NHỮNG VÌ SAO (1) “Les Étoiles”

( Lời thuật chuyện của một gã chăn cừu xứ Provence) 

Trong thời gian tôi chăn cừu trên miền núi Luberon (2), có khi suốt mấy tuần lễ liên tiếp tôi không trông thấy một bóng người, chỉ một mình tôi trên cánh đồng cỏ với chú chó Labri và đàn cừu của tôi. Thỉnh thoảng có vị tu sĩ sống ẩn dật ở núi Ure đi ngang qua đây để tìm kiếm dược thảo, hoặc là tôi trông thấy bộ mặt lọ lem dính đầy bụi than của người phu mỏ xứ Piémont; nhưng họ là những người chất phác, khuôn mặt lầm lì vì quen sống lâu ngày trong cảnh cô đơn, không còn hứng thú trò chuyện và chẳng biết gì về những chuyện trong làng ngoài tỉnh mà người ta đang bàn tán ở dưới đó.

Vì thế, cứ khoảng mười lăm ngày, khi tôi nghe tiếng lục lạc từ con đường mòn dưới núi đi lên của con la ở nông trại mang lương thực nửa tháng cho tôi, rồi tôi thấy xuất hiện dần dần trên sườn dốc bộ mặt tươi vui của thằng bé miarro (thằng nhỏ giúp việc ở trại) hay chiếc khăn trùm đầu màu hung đỏ của thím già Norade, là tôi cảm thấy trong lòng thật sung sướng vô cùng. Tôi yêu cầu kể cho nghe những chuyện xảy ra ở dưới đồng bằng, những buổi lễ rửa tội, những đám cưới hỏi… Nhưng điều mà tôi chú ý và thích nghe hơn cả là biết tin tức về cô con gái cưng của ông bà chủ trại, vị tiểu thư Stéphanette, thiếu nữ xinh đẹp nhất trong toàn vùng.

Cố làm ra vẻ như không mấy quan tâm, tôi hỏi thăm xem nàng có hay đi dự nhiều lễ hội hay dạ tiệc không, có nhiều chàng trai ngấp nghé tán tỉnh không; và nếu có ai hỏi tôi muốn biết những chuyện ấy có ích lợi gì cho cái thân phận nghèo hèn của một tên chăn cừu miền núi như tôi, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đang ở tuổi hai mươi và đối với tôi nàng Stéphanette là người thiếu nữ xinh đẹp nhất trần gian.

Thế rồi, một hôm chủ nhật nọ, tôi cũng chờ đợi chuyến tiếp tế lương thực cho nửa tháng, nhưng sao lần này nó tới muộn quá. Từ buổi sáng, tôi nghĩ bụng: “Có lẽ vì lễ lớn ở nhà thờ đây thôi.” Rồi đến trưa, một trận mưa giông lớn đổ xuống, tôi lại cho rằng vì đường trơn ướt lầy lội, con la chưa thể lên đường được. Mãi cho đến khoảng ba giờ chiều, trời quang mây tạnh, sườn núi lấp lánh nước mưa và ánh sáng mặt trời, tôi bỗng nghe được, giữa tiếng nước nhỏ giọt róc rách trên cành lá và tiếng suối reo do nước lũ dâng trào, tiếng lục lạc leng keng của con la, nghe thật là vui tươi rộn ràng chẳng khác gì tiếng chuông nhà thờ đổ hồi trong ngày lễ Phục sinh. Nhưng không phải thằng nhỏ ở nông trại, cũng chẳng phải thím già Norade ngồi trên lưng lừa như mọi khi. Mà là… xin bạn thử đoán xem là ai ? Chính là vị tiểu thư trại nhà, bạn ạ ! Đúng vậy, vị tiểu thư Stéphanette đích thân đến. Nàng ngồi ngay ngắn trên mình la giữa những chiếc giỏ mây, đôi má ửng hồng vì khí trời của núi và làn gió mát sau trận mưa giông vừa qua.

“Thằng nhỏ bị bệnh, còn thím già Norade thì xin nghỉ phép về thăm con.” Nàng Stéphanette xinh đẹp vừa từ trên mình la tụt xuống vừa nói cho tôi biết như vậy. Nàng còn nói thêm vì lạc đường cho nên đã đến muộn. Nhưng trông nàng ăn mặc đẹp đẽ như thế kia, trên đầu kết băng hoa và vận chiếc váy lộng lẫy có thêu đăng ten, tôi thấy cô nàng có vẻ như đã nấn ná ham vui trong một cuộc khiêu vũ nào đó hơn là đã dò dẫm tìm đường trong các bụi rậm.

Ôi, người đâu mà xinh đẹp lạ thường ! Tôi say đắm nhìn nàng mà không muốn rời mắt. Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ có dịp được ngắm nhìn nàng ở gần như thế. Về mùa đông, sau khi đã lùa đàn cừu xuống đồng bằng, tôi về nông trại để dùng cơm tối, thỉnh thoảng tôi thấy nàng đi thoăn thoắt ngang qua phòng ăn của chúng tôi, nhưng chẳng mấy khi nàng nói chuyện với kẻ ăn người ở, luôn luôn trang điểm đẹp đẽ và có vẻ hơi kiêu kỳ một chút… Thế mà bây giờ tôi lại có được cái diễm phúc là nàng đứng ngay trước mặt tôi, và chỉ có mình tôi thôi, như vậy thì bảo làm sao tôi không bối rối cho được ?

Sau khi lấy hết lương thực từ trong các giỏ ra, cô nàng bắt đầu tò mò đưa mắt nhìn chung quanh. Nàng vén nhẹ chiếc váy đẹp cho khỏi lấm, bước vào phía bên trong lán, muốn xem chỗ tôi ngủ, chiếc ổ rơm có phủ tấm da cừu, cái áo choàng rộng treo trên vách, chiếc gậy, cây súng đá… Tất cả những thứ đó có vẻ làm cho nàng thích thú.

– Thì ra anh ngủ ở đây à, anh mục đồng tội nghiệp của tôi ! Sống một mình như thế này thì chắc là buồn lắm nhỉ ? Hàng ngày anh làm gì ? Anh nghĩ gì ?

Tôi rất muốn trả lời: “Nghĩ đến cô, cô chủ ạ.” Phải nói như thế mới trung thực với lòng mình, nhưng vì bối rối quá nên tôi không nghĩ ra được một lời nào. Tôi tin rằng nàng cũng nhận thấy sự bối rối của tôi, nhưng cô nàng tinh nghịch lại lấy đó làm thích thú và cố tình trêu chọc để làm cho tôi càng thêm bối rối :

– Mục đồng ơi, thế cô bạn gái thân thiết của anh có thỉnh thoảng lên đây thăm anh không ? Cô ấy chắc hẳn là nàng dê có bộ lông vàng hay nàng tiên Estérelle chỉ quen nhảy nhót trên các đỉnh núi thôi nhỉ ?

Trong lúc nói chuyện với tôi, chính cô nàng mới có dáng điệu giống như nàng tiên Estérelle, với nụ cười duyên dáng, đầu hơi ngả ra đàng sau và vẻ vội vàng muốn ra về, làm cho cuộc thăm viếng ngắn ngủi của nàng chẳng khác nào một sự xuất hiện bất ngờ.

– Thôi, chào tạm biệt mục đồng nhé.

– Xin chào tạm biệt cô chủ.

Thế là nàng đi mất, mang theo những chiếc giỏ không.

Khi nàng đã khuất dạng sau con đường dốc nhỏ, tôi tưởng chừng như những viên sỏi lăn lóc dưới móng chân la đang rơi từng viên một vào lòng tôi. Tôi còn nghe thấy trong lòng tiếng sỏi rơi như thế mãi cho đến lúc chiều tàn, không dám cử động, chỉ sợ làm tan vỡ giấc mơ đẹp của tôi. Chiều tối xuống dần, khi thung lũng bắt đầu ngả màu xanh lam và đàn súc vật kêu be be chen lấn nhau về chuồng, tôi bỗng nghe có tiếng ai gọi tôi từ phía dưới sườn núi, rồi tôi thấy vị tiểu thư của chúng ta xuất hiện, nhưng không còn vui tươi như lúc ban chiều mà run lập cập vì ướt lạnh và sợ hãi.

Có vẻ như là, khi xuống phía lưng chừng sườn núi, nàng đã gặp con suối Sorgue bị nước lũ tràn ngập sau trận mưa giông, và vì nàng muốn lội qua cho bằng được nên suýt bị chết đuối. Nghiệt một nỗi, đêm hôm tối tăm, vào giờ này không mong gì về nông trại được nữa; vì đi đường tắt thì nàng không thể một mình tìm ra lối về, còn tôi thì không thể bỏ đàn cừu mà đi được. Ý nghĩ phải ngủ lại qua đêm trên núi làm nàng rất băn khoăn và bối rối, vì sợ ở nhà bố mẹ lo lắng. Tôi cố lựa lời để nói cho nàng yên tâm :

– Trời tháng bảy, đêm ngắn thôi, cô chủ à… Không sao đâu, cô nên chịu khó một chút cho qua đêm thôi.

Tôi vội vàng nhóm một ngọn lửa lớn để nàng hơ chân và hong khô bộ áo bị ướt sũng khi lội qua suối. Rồi tôi mang sữa tươi và pho mát đến cho nàng, nhưng cô bé đáng thương chẳng thiết gì đến chuyện sưởi ấm hay ăn uống gì cả. Nhìn thấy nàng nước mắt lưng tròng, tôi cũng muốn khóc theo với nàng.

Rồi màn đêm cũng xuống hẳn. Chỉ còn một chút ít vầng dương còn vương lại trên đỉnh núi cao và một làn hơi ánh sáng mong manh ở phía mặt trời lặn. Tôi muốn để nữ chủ nhân của tôi vào nằm nghỉ bên trong lán. Sau khi trải một tấm da cừu đẹp và mới tinh xuống lớp ổ rơm mới, tôi chúc nàng ngủ ngon, rồi bước ra ngồi ngoài hiên cửa… Xin có trời chứng giám cho tôi, mặc dầu ngọn lửa tình hừng hực bốc cháy trong lòng, nhưng tôi không hề có một ý tưởng xấu xa nào, trong lòng tự cảm thấy rất hãnh diện khi nghĩ đến ở góc lán bên kia, ngay cạnh đàn cừu đang tò mò nhìn nàng ngủ, có cô con gái của ông bà chủ tôi – như một con cừu non quý báu nhất và trắng ngần nhất – đang nằm ngủ và được giao phó cho tôi canh gác. Chưa bao giờ tôi được nhìn ngắm bầu trời sâu thăm thẳm và các vì tinh tú rực sáng lấp lánh như đêm nay…

Bỗng tấm chấn song xịch mở và nàng Stéphanette xinh đẹp xuất hiện bước ra. Nàng không tài nào ngủ được vì đàn cừu cựa quậy khiến rơm rạ kêu sột soạt hoặc là chúng kêu be be trong lúc đang ngủ mê. Nàng thích ra ngồi cạnh đống lửa hơn. Thấy vậy, tôi liền khoác tấm da cừu của tôi lên vai nàng, khêu to ngọn lửa, rồi hai chúng tôi ngồi bên cạnh nhau, im lặng không nói năng gì.

Nếu bạn đã từng ngủ qua đêm ngoài trời dưới trăng sao, chắc bạn cũng biết rằng trong khi chúng ta đang ngủ thì cả một thế giới huyền bí đang bừng sống dậy trong thanh vắng và tĩnh mịch. Lúc ấy tiếng suối reo nghe như rõ hơn, những ao hồ thấy có những đốm lửa li ti nhen nhúm lên. Những thần linh của núi rừng đi lại tự do; và trong không gian có những tiếng sột soạt, những tiếng động rất khẻ, tưởng chừng như ta có thể nghe được một cành cây đang chuyển mình vươn dài ra và cỏ cây đang mọc thêm ra. Ban ngày là đời sống của các sinh vật, còn ban đêm là đời sống của các thực vật và sự vật. Nếu chưa quen với những tiếng động ban đêm, có khi làm cho ta sợ hãi…

Thế nên vị tiểu thư của chúng ta, cứ mỗi lần nghe thấy một tiếng động dù là rất nhỏ, nàng cũng đã run sợ và lại nép sát vào người tôi. Có một lần, từ phía mặt ao hồ lấp lánh dưới kia, bỗng vọng lên một tiếng hú kéo dài não nuột, ngân vang uốn lượn về phía chúng tôi. Cũng vừa lúc đó, một ngôi sao băng rực sáng xẹt qua trên đầu chúng tôi và bay về cùng một hướng, tựa như là tiếng than van mà chúng tôi vừa nghe thấy kia đã mang theo một luồng ánh sáng vậy.

– Cái gì thế ? nàng Stéphanette khe khẽ hỏi tôi.

– Thưa cô, đó là một linh hồn vừa được lên thiên đàng. Nói xong tôi làm dấu thánh giá.

Nàng cũng làm dấu như tôi và ngửa cổ nhìn lên trời như thế một hồi lâu, vẻ mặt trầm ngâm. Rồi nàng quay lại hỏi tôi:

– Này mục đồng, có phải các anh đều là phù thủy cả không ?

– Thưa cô, không phải đâu ạ ! Nhưng vì ở đây chúng tôi sống gần trăng sao hơn những người dưới đồng bằng nên biết rõ hơn những sự việc xảy ra ở trên trời.

Nàng vẫn đưa mắt ngước lên nhìn bầu trời, đầu tựa vào lòng bàn tay, vai khoác tấm da cừu, trông cô nàng giống như một mục đồng của nhà trời vậy.

– Ồ, nhiều sao quá ! Thật là tuyệt vời ! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều tinh tú như thế này. Mục đồng ơi, thế anh có biết tên của những vì sao không ?

– Biết chứ ạ, thưa cô chủ. Này nhé, ngay trên đầu chúng ta, kìa là Con đường của thánh Jacques (la Voie lactée) (3). Nó chạy thẳng một mạch từ nước Pháp sang nước Tây Ban Nha, do chính thánh Jacques de Galice (4) đã vạch ra để chỉ đường cho Charlemagne dũng cảm tiến quân đánh giặc Sarrasins (5). Xa hơn một chút nữa là Chiếc xe chở linh hồn (la Grande Ourse) với bốn trục xe sáng ngời. Ba ngôi sao đi phía trước là Ba con vật kéo xe (les Trois Bêtes), và ngôi sao nhỏ nhất ở sát ngay cạnh ngôi sao thứ ba là Người đánh xe (le Charretier). Cô có thấy chung quanh có một chùm sao rơi rụng như mưa sa không ? Đấy là những linh hồn mà Thượng Đế không muốn chúng ở cạnh Ngài… Rồi ở phía dưới một chút là sao Bừa cào (le Râteau), còn gọi là Ba Ông Vua (Orion). Đó là chiếc đồng hồ của mục đồng chúng tôi để biết được giờ giấc. Chỉ cần nhìn chúng là tôi biết bây giờ đã quá nửa đêm rồi. Phía dưới một chút nữa, vẫn theo hướng Nam, là ngôi sao Jean de Milan (6) sáng ngời, ngọn đuốc của các vì tinh tú (Sirius). Về ngôi sao đó, mục đồng chúng tôi thường kể chuyện như sau: Vào một đêm nọ, Jean de Milan cùng Ba Ông Vua và sao Rua (La Poussinière) (7) được mời đến dự lễ cưới của một ngôi sao bạn. Theo lời người ta kể, sao Rua vội vã đi trước, theo con đường ở phía trên. Cô nhìn xem kìa, ngôi sao ấy ở chỗ cao tít, tận cuối chân trời… Ba Ông Vua đi đường tắt phía dưới nên đuổi kịp. Riêng anh chàng Jean de Milan, vì lười biếng ngủ quên nên bị bỏ lại đằng sau; anh ta bực mình liền quăng ngay chiếc gậy để cản đường họ. Bởi thế nên người ta còn gọi chòm sao Ba Ông Vua là Chiếc gậy của Jean de Milan… Nhưng cô chủ ạ, ngôi sao đẹp nhất trong tất cả những vì sao lại là ngôi sao của chúng tôi, đó là sao Mục đồng (l’Étoile du Berger), nó soi đường cho chúng tôi lùa đàn súc vật ra bãi lúc bình minh và xua chúng về chuồng lúc hoàng hôn. Chúng tôi còn gọi ngôi sao ấy là Maguelonne, nàng Maguelonne xinh đẹp chạy theo chàng Pierre de Provence (Saturne) và cứ bảy năm một lần lại kết hôn với chàng.

– Thế vậy hả ? Lại có chuyện các vì sao cưới hỏi nhau nữa cơ à ?

– Có chứ ạ, thưa cô chủ.

Và trong khi tôi đang cố giải thích cho nàng thế nào là những hôn lễ của các vì sao, thì tôi cảm thấy như có vật gì tươi mát và mịn màng đè nhẹ lên vai tôi. Thì ra đầu nàng, nặng trĩu vì buồn ngủ, đã tựa vào vai tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng ten và mái tóc gợn sóng của nàng. Nàng ngồi yên không nhúc nhích như thế cho đến khi những vì sao bắt đầu lu mờ dần và nhoà đi trong những tia nắng sáng đầu tiên của buổi ban mai. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, trong đáy lòng hơi xao xuyến một chút, nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết của tâm hồn, vì đêm sao sáng như thế kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp. Chung quanh chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình thầm lặng, ngoan ngoãn như một đàn cừu vĩ đại; và đôi lúc tôi có cảm tưởng như một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, sáng ngời nhất, vì lạc mất đường đã đến tựa vào vai tôi và ngủ giấc yên lành…

Tác giả : Alphonse Daudet
Biên dịch : Trúc Huy       

______________________________________

(1) - Dịch từ nguyên tác Pháp ngữ “Les Étoiles”, trích từ tác phẩm “Lettres de mon moulin” (Thư viết từ chiếc cối xay của tôi) của Alphonse Daudet (1840-1897).

(2) - Luberon: một vùng miền núi không cao, ở gần dãy núi Alpes thuộc nước Pháp.

(3) - Chemin de saint Jacques: dải Ngân Hà (la Voie lactée).

(4) - Galice: tên một thành phố của Tây Ban Nha.

(5) - Sarrasins: tên gọi quân A-rập, thời trung cổ, đã xâm lược châu Âu và châu Phi.

(6) - Jean de Milan: sao Sirius (Thiên Lang).

(7) - La Poussinière (còn gọi là La Pléiade): sao Rua (Kim Ngưu) tên một chòm sao nhỏ ở bắc bán cầu.

 

30/12/2023

Nghe chăng Tiếng Hát

 Vở ca vũ kịch Les Miserables sẽ trở lại với Broadway Dallas trong mùa Giáng Sinh, từ ngày 20 đến 31 tháng 12. Thật là một dịp hy hữu để một lần nữa được đắm mình trong những nhạc khúc nay đã trở thành kinh điển, đến từ quyển tiểu thuyết bất hủ của Victor Hugo mà có lẽ người Việt nào cũng biết qua truyện Ngọn Cỏ Gió Đùa do nhà văn Nam Bộ Hồ Biểu Chánh phóng tác cách đây gần một thế kỷ (1926).

Do you hear the people sing? (Broadway Dallas)       

Trong truyện của Hồ Biểu Chánh, nhân vật chính Jean Valjean được đặt cho một cái tên hết sức dân dã là Lê Văn Đó — một anh nông dân nghèo nhưng thương người, thấy chị vợ và cháu đói quá bèn liều lĩnh ăn cắp nồi cháo để rồi bị bắt và bỏ tù 5 năm. Cái hay của Hồ Biểu Chánh là ông đã chuyển tất cả mọi thứ từ một nước Pháp vào thế kỷ 19 sang xã hội miền Nam thời nhà Nguyễn, mà vẫn giữ nguyên cốt truyện của Victor Hugo. Đọc Ngọn Cỏ Gió Đùa, nếu không được ai mách thì ta khó mà biết là nó đến từ một nhà văn người Pháp vì câu chuyện rất ư là Việt Nam.

Nick Cartell trong vai Jean Valjean (Broadway Dallas)

Đối đầu với Đó trong suốt câu chuyện là Phạm Kỳ, một người lính gác nhà tù lúc nào cũng truy lùng Đó sau khi anh ta trốn thoát rồi về sau trở thành một nhà điền chủ giàu có nhờ biết cách làm ăn. Phạm Kỳ, tức Javert trong truyện của Hugo, là một người luôn tuân thủ luật pháp và làm việc đúng theo phép tắc triều đình. Sự tương phản giữa hai người là đầu mối cho mọi bi kịch trong câu chuyện. Les Miserables cốt lõi phô bày cuộc đấu đá không ngừng giữa cái Thiện và Ác mà lắm lúc ta cũng không biết bên nào là bên nào.

Preston Boyd trong vai Javert (Broadway Dallas)

Fantine là một phụ nữ thuộc thành phần lao động, vì bị mất việc mà phải bán thân nuôi đứa con gái tên Cosette. Trong Ngọn Cỏ Gió Đùa, nhân vật này tên là Lý Ánh Nguyệt, vì cha mất nên cô mắc nợ phải đi ở đợ cho chủ nợ là vợ chồng Đỗ Cẩm. Trước khi Les Miserables được dựng thành nhạc kịch này, nó đã được chuyển thể sang hàng trăm vở kịch cũng như bộ phim khác nhau trên khắp thế giới. Tại Việt Nam Ngọn Cỏ Gió Đùa cũng đã được soạn thành tuồng cải lương. Tuy nhiên cải lương của ta khác xa nhạc kịch của Âu Tây vì không có vũ múa hay đồng ca hợp xướng. Ước gì một ngày nào đó vở nhạc kịch này sẽ được diễn bằng tiếng Việt!

Haley Dortch trong vai Fantine (Broadway Dallas)

Một trong những màn múa đẹp mắt nhất của vở nhạc kịch này là buổi tiệc tại nhà hai vợ chồng Thénardiers (Đỗ Cẩm trong truyện Hồ Biểu Chánh). Monsieur Thénardier của Hugo là một tên bất lương, bất tài, háo danh, ham lợi, thích khoe khoang mặc dù hai vợ chồng thực sự không có gì đáng kể ngoài cô con gái tên Eponine. Cô thuộc thế hệ trẻ cấp tiến, về sau tham gia cuộc cách mạng đòi dân chủ và bãi bỏ chế độ phong kiến. Cải lương của ta dẫu “mùi” cách mấy vẫn không thể nào cạnh tranh với những màn múa công phu cỡ này.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas.

Les Miserables là một tuyệt tác văn chương của nhân loại phần vì nó có đủ mọi yếu tố của xã hội con người –đẹp/xấu, thiện/ác, hay/dở, can đảm/hèn yếu … Claude-Michel Schönberg, nhà soạn nhạc cho Les Miserables (và Miss Saigon sau này) đã rất thành công trong việc đem những cảm xúc con người ấy vào âm nhạc, vẽ nên một bức tranh xã hội bằng những ca khúc ngày nay đã trở thành kinh điển. Cảnh những sinh viên trẻ tụ họp để bàn mưu tính kế, hay cảnh họ thương tiếc những người bạn vong thân trong cuộc nổi dậy đều được diễn tả thật cảm động. Khó quên nhất có lẽ là bài “Empty chairs, empty tables” tả cảnh bàn ghế giờ vắng bóng những người mới đó còn cùng ta nâng ly.

“Red and Black” (Broadway Dallas)

Trường kỳ tiểu thuyết nào cũng phải lồng trong đó một chuyện tình thì mới ăn khách. Trong Les Miz thì đó là mối tình giữa Eponine, con gái vợ chồng ma giáo Thénadiers, và Marius, thủ lãnh nhóm sinh viên cách mạng. Và để cho câu chuyện thêm lâm li bi đát, Victor Hugo đã cho người đẹp của chúng ta xả thân vì đại nghĩa dưới lằn đạn của quân binh Pháp. Xem ra công thức này tuy cũ nhưng lúc nào cũng lấy được nước mắt khán giả, nhờ vậy mà Les Miserables cho đến nay vẫn là một trong những nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử. Phần nữa là nhờ những nhạc phẩm bất hủ như bài “Do You Hear The People Sing” dưới đây.

Eponine (Christine Heesun Hwang) và Marius (Gregory Rodriguez). Broadway Dallas.

… Hỡi nhân loài nghe chăng tiếng hát,

tiếng chân ai lưu lạc trong đêm trường?

Giống như âm điệu của một giống dân tộc xưa

tìm đi về nguồn ánh sáng.

Cõi dương trần dù cho u tối

thấp thoáng đâu đây ngọn đuốc soi đời.

Dẫu cho đêm dài lòng ta vẫn tin

bình minh đến ngày mai!

Vì tự do mà ta sẽ đấu tranh,

vì quốc dân ta nguyện chung bước.

Cuộc chiến chinh đã xa khuất;

không còn súng gươm, chỉ còn non nước.

Ruộng đất vẫn còn đây,

hãy cùng nhau ta về xây lại quê hương!

Christine Heesun Hwang trong vai Eponine (Broadway Dallas)

ianbui dịch

29/12/2023

Cây mùa Noel

Có rất nhiều cách để trang trí cho căn nhà của bạn vào lễ Giáng Sinh. Dùng cây xanh để trang trí là cách đơn giản mà không kém phần hiệu quả. Nếu bạn đã có sẵn cây trồng indoor, một số cách đơn giản dưới đây sẽ biến chúng thành món đồ trang trí đẹp mắt cho ngày Lễ.

Trước tiên, cần sắp lại bộ sưu tập cây trồng trong nhà của bạn. Cắt tỉa bớt cành lá già, héo úa, lau sạch bụi dơ trên lá, chậu cây. Có thể dùng chậu hay các phụ kiện trang trí có màu đỏ, xanh lá cây để tạo điểm nhấn và mang đến sự mới lạ cho những chậu cây quen thuộc của bạn.

 

Nguồn Centre de Jardin Floreal de Lava    

Dùng các món đồ trang trí cây thông cho các chậu cây indoor. Bạn sẽ nhanh chóng tạo ra một hay nhiều cây Noel quen mà lạ. Đây là cách nhanh gọn và dễ dàng nhất để trang trí cho ngày Lễ từ những món đồ sẵn có.

 

Nguồn Pinterest.

Lắp thêm dây đèn quanh các chậu cây. Một mẹo khác để biến những chậu cây indoor thành món trang trí đẹp mắt cho dịp Giáng Sinh là lắp thêm dây đèn. Ánh sáng đèn không chỉ giúp làm đẹp không gian mà còn giữ ấm, bổ sung nguồn sáng cho lá cây vào những ngày mùa Đông ít nắng.

 

Nguồn Pinterest.

Bạn có biết cây xương rồng (cactus) đã trở thành loại cây trang trí được yêu thích cho lễ Giáng Sinh, bên cạnh các giống cây truyền thống như hoa trạng nguyên và hoa loa kèn. Hãy thử đặt chúng cùng các món đồ trang trí khác cho căn nhà của bạn vào năm này, có thể kết quả sẽ khiến bạn hài lòng.

 

Nguồn House Beautiful.

Bọc chậu cây bằng giấy gói quà là cách để biến chậu cây thành món trang trí bắt mắt. Có thể dùng để trang trí cho bàn tiệc, cửa sổ, bàn trà … lớp giấy gói quà không chỉ giúp làm đẹp chậu cây mà còn ngăn nước và đất làm dơ nơi đặt chậu.

 

Nguồn Delineate Your Dwelling.

Ngay cả khi không có chậu cây trồng indoor nào, bạn vẫn có thể mang màu sắc thiên nhiên vào nhà trong những ngày Lễ cuối năm bằng cách dùng cành, lá cây sẵn có trong vườn. Chỉ với chút thời gian sắp đặt, bạn sẽ tạo ra một không gian sinh động và ấm cúng.

 

Nguồn Centre de Jardin Floreal de Laval.

Thiên Hương

28/12/2023

Giáng Sinh màu mỡ

Catalonia nguồn: Getty image

Lạ lùng, trẻ con trong nhà mỗi lần bị đố thủ đô Tây Ban Nha là gì cứ trả lời ngon lành: «Barcelona!» Barcelona không những không hề là thủ đô Tây Ban Nha mà cũng không thuộc Tây Ban Nha. Thành phố đặc biệt này là thủ phủ xứ Catalonia. Vậy Catalonia nằm đâu? Nằm ở đông bắc nước Tây Ban Nha chớ đâu. Ủa, vậy là sao?

Là đồng sàng dị mộng! Dân Catalan không thích nhận mình là người Tây Ban Nha. Họ có quốc kỳ riêng (nhìn giống cờ Quẻ Ly nhưng có 4 sọc thay vì 3), quốc ca riêng, tiếng nói riêng và luôn rập rình ra riêng chứ không thèm «Đoàn kết-Vĩ đại-Tự do» (Una Grande Y Libre – dòng chữ in trên dải lụa trên quốc kỳ cũ của Tây Ban Nha). Lịch sử dài dòng, chính trị nhức đầu, Giáng Sinh đi chơi, không nên nói chuyện dễ xa nhau, chỉ cần hiểu đi Barcelona có nghĩa là đến Tây Ban Nha nhưng không thăm Tây Ban Nha mà thăm Catalonia. Thế Catalonia có gì lạ?

Đầu tiên phải kể những công trình kiến trúc có một không hai của Antoni Gaudí. Nổi tiếng nhất là Nhà thờ Thánh Gia (Sagrada Familia), có dễ là nơi được thăm viếng nhiều nhất Barcelona. 18 toà tháp ngất ngưởng chụm lại làm nên ngôi nhà thờ đồ sộ, mỗi tòa mỗi vẻ, tân cổ giao duyên, đẹp và quái. Khởi công xây dựng từ 1882, đến nay vẫn chưa xong vì … thiếu tiền. Đã vậy, cha đẻ ra đứa con không giống ai này lại bị tàu điện cán chết khi đang từ nhà thờ băng qua đường (1926), có lẽ do lơ đễnh, vừa đi vừa vẽ trong đầu, không nhìn thấy gì khác … Đột ngột lìa đời, ông bỏ mơ ước lại cho thế nhân tiếp tục theo được tới đâu thì theo. 144 năm sau, dân Catalan vẫn tích cóp tiền bạc thâu được từ du khách thập phương, cố gắng đưa trí tưởng tượng và lòng yêu kính trời cao, đất dày, thiêng liêng và thiên nhiên của Gaudí đến nơi hoàn mỹ.



Nhà thờ Thánh Gia – ảnh HQ

Thứ đến là những món ăn quốc hồn quốc túy. Đầu bảng, chính là Paella. Paella tiếng Tây Ban Nha vốn có nghĩa là cái chảo. Ăn Paella là ăn cơm thẳng trong chảo chứ không cần bát đĩa, mà phải có lớp cơm cháy giòn giòn nơi đáy chảo mới được. Ở Barcelona, gần như phố nào cũng có quán Paella, nhưng là Paella đen, Arròs Negre. Màu đen tự nhiên lấy từ mực của con mực.


Paella - ảnh Internet


Arròs Negre – ảnh Internet

Suquet De Peix – ảnh Internet

Sau Arròs Negre phải kể Suquet De Peix. Không được du khách biết đến nhiều bằng Paella đen nhưng món ra-gu cá này lại là niềm hoài cảm của nhiều người Catalan ly hương. Xứ biển, làm sao tránh khỏi chuyện tôm, cá, mực, sò hò nhau vô xoong.

Riêng cho lễ Giáng Sinh, dân Catalan thường dọn món Escudella. Một mình nó làm nên bữa ăn. Đây là một trong những món súp có tuổi đời lâu nhất Châu Âu, được hầm với thịt và những thứ rau củ dễ kiếm vào mùa đông như bắp cải, cà rốt, hành, tỏi tây, đậu trắng, đậu gà (chick pea). Một âu Escudella cho 4 người ăn cần một phần tư con gà, xương bò, xương bê, đuôi bê, chân giò bê, xương heo, tai heo, mỡ heo, dồi trắng, dồi đen … tức là rinh nguyên cái trang trại vô nồi mà hầm! Dân bản địa có thói quen ăn nui (đặc biệt chỉ dùng nui hình vỏ ốc) chan nước dùng trước rồi mới đụng đến thịt thà, rau củ. Thực ra, đây là món ăn mùa đông phổ biến ở Catalonia. Chỉ là, Giáng Sinh đặc biệt, cho thêm nhiều thịt và  rau, nhất là dồi Butifarra và thịt viên Pilota, nhồi với tỏi và ngò tây.

Escudella – ảnh Internet

Là một thành phố du lịch nổi tiếng và có hằng hà sa số quán ăn nhưng nhiều nhà hàng ở Barcelona đang bị dân chúng kiện vì dạo gần đây giở chứng, chỉ tiếp khách đi theo đoàn. Các thực khách đi mình ên bị từ chối. Lý do là vì tiếp đoàn có lợi hơn. Tiếp một người chiếm nguyên cái bàn, thời buổi kiếm người bưng bê khó khăn này, chẳng hơi đâu! Khổ nỗi, đời sống đô thị phương Tây chuộng tính cá nhân, đi ăn một mình là chuyện bình thường và hằng có.


Mùa Giáng Sinh, lang thang các hang cùng ngõ kiệt ở Barcelona, mới đầu Hai Quê nghĩ dân Tây Ban Nha giễu dở, trên đời có bao nhiêu hình ảnh dễ thương, thơ mộng, thánh thiện không khai thác, lại để đầu óc nơi … cái khoái thứ tư, say mê đúc tượng một anh chàng trong tư thế khom lưng chồm hổm, nhìn xa 3 thước cũng hiểu đang làm gì. Loại tượng này được bày bán nhan nhản khắp nơi trong khu chợ Giáng Sinh khiến Hai Quê vừa thất kinh vừa buồn cười vì nhớ thơ Bút Tre khi xưa nịnh Nguyễn Chí Thanh, thời ngài đại tướng được bổ làm trưởng ban nông nghiệp trung ương : Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh, anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng.

Càng đi càng thấy phân bắc, phân xanh đầy đường! Một số cửa hiệu vừa lớn vừa khang trang, lịch sự nhưng chỉ bày bán duy nhất tượng anh chàng đội chiếc mũ Barreta đỏ, hình dạng như chiếc vớ quá khổ, đang chăm chú «sản xuất» này. Có tượng nhỏ vừa đủ treo cây thông hay trang trí hang đá, lại có tượng to hơn cả người thật.

Tío de Nadal – ảnh Internet


Bạn đọc hẳn đang nhăn mặt, phiền lòng, thật là bất kính, ai lại đi đặt hình nhân thô bỉ này vào hang đá! Thưa không, anh chàng ngồi chồm hổm, tên gọi Caganer này chính là biểu tượng của lòng mong cầu thịnh vượng cho năm mới của người dân nơi đây. Caganer tiếng Catalan có nghĩa là Chàng Ị. Dân Catalan tôn vinh Chàng Ị vì họ cho rằng vàng dẻo rất quý giá, nó giúp bón thúc ruộng đồng, khiến đất đai màu mỡ, đem lại cho nông dân mùa gặt mới trù phú và nhờ vậy mà dân chúng được no ấm suốt năm sau. Cho nên, Chàng Ị có thể được treo lủng lẳng trên cây thông, cũng có thể được đặt vào một góc trong hang đá, như một ước nguyện. Cái thú của bọn trẻ con là bước đến hang đá vừa được người lớn sắp đặt, trang trí để tìm xem Chàng Ị ngồi chỗ nào, chỉ trỏ «A, kia kìa!» rồi cười ré với nhau. Thấy chàng rồi thì mới yên tâm. Năm hết, Tết đến, làm gì làm, trong nhà phải sắm cho bằng được ít nhất một chàng. Không có, xui !

Chàng Ị – Ảnh HQ

Bước vào một cửa hiệu chuyên bán Chàng Ị, bạn có thể bắt gặp đủ mặt bá quan văn võ trên đời, từ ông hoàng bà chúa, lãnh tụ tôn giáo, tổng thống, chính khách, tài tử, nhạc sĩ, ca sĩ, cầu thủ  bóng đá nổi tiếng  v.v. Ừ thì, cái khoái thứ tư sau khoái ăn, khoái ngủ và khoái «ngả nghiêng loan phụng» (*) này, đã làm người, mấy ai không khoái.

Chấm ai, bạn chỉ việc nhấc tượng người ấy khỏi quầy, móc túi trả năm, mười euros hoặc hơn nữa nếu chọn tượng lớn.

Theo sát Chàng Ị là Tío de Nadal. Anh bạn này cũng được dân Catalan yêu thích vô cùng. Như dân quê nuôi gà chờ Tết, người ta sắm hoặc tự đẽo Tío (thường bằng gỗ, có 4 chân và  gương mặt tươi vui) để trong nhà, đắp mền cho ấm, ngày ngày giở mền ra thăm chừng, và còn đặt đồ ăn thức uống trước mặt y như cúng ông Địa. Đêm Giáng Sinh hoặc sáng 25, hè nhau lôi Tío ra giữa nhà, vừa dùng gậy đập, vừa hát để bắt Tío … ị. Lời bài hát đại khái: «Ị đi, ị giỏi đi nào, ị ra ngọt ngào thì khỏi ăn roi!» Và, phía sau cái poop log này, người ta đặt nhiều kẹo bánh kiểu thèo lèo cứt chuột, ngụ ý cầu mong ấm no, thịnh vượng.

(*) Cơm Phiếu Mẫu, Gối Trần Đoàn, ngả nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương long: thơ Phan Văn Trị, vịnh tứ khoái trần gian, trong đó “nhẹ nhàng nương long” chỉ cái khoái của những lúc buồn buồn thì tót ra đồng, khom lưng chồm hổm cho lòng nhẹ tênh.

Sưu tầm

26/12/2023

Những phim Hollywood bị khán giả chê cười vì CGI quá xấu

 Hollywood lúc nào cũng có nhiều kỹ xảo điện ảnh tân tiến hớp hồn khán giả, nhất là các kỹ xảo làm từ máy điện toán (CGI). Tuy nhiên, vẫn có nhiều phim dùng kỹ xảo CGI quá xấu, bị khán giả chê hay chế giễu trong nhiều năm.

Will Smith trong vai Genie của “Aladdin.” (Hình: Facebook Aladdin)

Những kỹ xảo CGI đó có thể là một nhân vật được tạo hình bằng máy điện toán hay bộ trang phục, và thậm chí được dùng để thay đổi diện mạo của một diễn viên.

Aladdin

Phim người đóng gần nhất của Disney bị khán giả chê kỹ xảo CGI là “Aladdin” công chiếu năm 2019, có tài tử Will Smith trong vai Genie.

Tài tử Smith tuy được khán giả khen ngợi vì diễn xuất trong vai Genie, nhưng hầu hết những lời khen đó là cho những cảnh vị thần đèn hóa thân thành người thường để trò chuyện và ca hát. Nếu không biến thành người thường, ông là một vị thần đèn màu xanh dương được tạo hình bằng máy điện toán.

Từ khi Disney chiếu đoạn giới thiệu đầu tiên, khán giả chê bai kỹ xảo CGI của Genie rất nhiều. Tuy đội ngũ phụ trách kỹ xảo đã cố gắng chỉnh sửa lại cho phiên bản công chiếu, nhưng nhân vật Genie không hợp với phim người đóng.

Thêm vào đó là cảnh Genie hát ca khúc “Friend Like Me” sử dụng quá nhiều kỹ xảo CGI vì vị thần đèn đó làm nhiều thứ xuất hiện để làm Aladdin bất ngờ vì khả năng của mình.

Việc sử dụng kỹ xảo CGI quá nhiều làm khán giả choáng ngợp khi xem cảnh đó, và luôn so sánh với phiên bản phim hoạt họa của năm 1992

Mặt của Dwayne Johnson trên cơ thể người khác trong “Black Adam.” (Hình: Facebook Black Adam)

Black Adam

Một phim gần đây sử dụng kỹ xảo CGI bị khán giả chê cười là “Black Adam” chiếu năm 2022, có tài tử Dwayne Johnson đóng vai chính.

Phim nói về nguồn gốc của nhân vật Black Adam, một người có thân hình vạm vỡ và đầy sức mạnh về phép thuật. Tuy nhiên, trước khi biến thành nhân vật mạnh mẽ đó, Black Adam chỉ là một con người bình thường.

Trong một cảnh hồi tưởng, Black Adam là một người có thân hình bình thường, và đội ngũ sản xuất phải dùng kỹ xảo để thu nhỏ cơ thể cường tráng của tài tử Johnson lại. Họ làm điều đó bằng cách ghép mặt của ông lên cơ thể của một người bình thường, làm khán giả chê cười.

Tuy nhân vật Black Adam là một người bất tử và không thay đổi diện mạo trong cả ngàn năm, nhưng hãng phim có thể thuê một diễn viên khác để đóng vai nhân vật đó trước khi có sức mạnh. Phim “Captain America: The First Avenger” của năm 2011 thuê một diễn viên khác để đóng vai Steve Rogers lúc còn trẻ và thành thành công nhờ điều đó.

 

Các nhân vật người mèo bằng CGI của phim “Cats.” (Hình: Facebook Cats)

Cats

Sau sự thành công của “Les Misérables,” đạo diễn Tom Hooper muốn tạo ra một phim nhạc kịch mới và đưa vở kịch “Cats” lên màn ảnh lớn vào cuối năm 2019, nhưng chỉ tạo một tác phẩm làm khán giả ám ảnh vì kỹ xảo CGI quá xấu.

Đạo diễn Hooper không muốn làm một phim như Disney, có nhiều con mèo thật ca hát và nhảy múa. Vì vậy, ông quyết định biến mọi diễn viên thành người mèo và dùng kỹ xảo CGI để tạo hình mèo cho họ. Từ đoạn giới thiệu đầu tiên, khán giả đã chê bai rất nhiều và còn nói họ ám ảnh khi thấy những nhân vật người mèo trên màn ảnh.

Tuy có nhiều diễn viên hàng đầu xuất hiện, nhưng “Cats” có nội dung không rõ ràng và kỹ xảo CGI quá xấu, làm phim này thất bại nặng nề và ảnh hưởng rất nhiều đến danh tiếng của một đạo diễn có thể tranh giải Oscar như Tom Hooper.

Bộ trang phục hoàn toàn bằng CGI của Ryan Reynolds trong “Green Lantern.”

Green Lantern

Trong những năm gần đây, ai cũng biết tài tử Ryan Reynolds qua nhân vật anh hùng phản diện Deadpool. Nhưng vào năm 2011, ông xuất hiện trong phim siêu anh hùng “Green Lantern,” và bị khán giả chế giễu vì bộ trang phục được làm hoàn toàn bằng kỹ xảo CGI.

Gần như mọi thứ trong “Green Lantern” đều được tạo hình bằng máy điện toán như bộ trang phục của Ryan Reynolds, nhiều người ngoài hành tinh, sức mạnh của chiếc nhẫn vai chính đeo và cảnh nền được làm bằng màn hình xanh. Tuy vậy, không có cảnh nào có kỹ xảo tân tiến cả.

Điểm bị chê nhiều nhất là bộ trang phục của anh hùng Green Lantern, là bộ trang phục chiếu sáng màu xanh lá cây, không bám vào cổ và mặt của tài tử Reynolds trong những cảnh đánh nhau.

Không chỉ vậy, mọi kỹ xảo CGI của phim này chỉ được làm trong hai tháng cuối của giai đoạn sản xuất, dẫn đến sự thất bại của “Green Lantern.”

Mặt của Henry Cavill sau khi được xóa ria mép bằng máy điện toán trong “Justice League.” (Hình: Facebook Justice League)

Justice League

Một phim siêu anh hùng khác bị chê vì kỹ xảo CGI là “Justice League” chiếu năm 2017, dùng kỹ xảo để chỉnh sửa diện mạo của tài tử Henry Cavill.

Khi đang quay “Justice League,” tài tử Cavill phải để ria mép dày vì đang thực hiện một dự án khác là phim “Mission: Impossible – Fallout,” và không được cạo ria mép đó.

Vì không thể quay phim lại mọi cảnh, đội ngũ phụ trách kỹ xảo phải dùng CGI để xóa đi ria mép của tài tử Cavill sau khi quay phim xong và không có đủ thời gian, nên làm mặt anh bị biến dạng trong một số cảnh nhân vật Superman xuất hiện.

Vai chính Sonic của “Sonic the Hedgehog” trước khi được chỉnh sửa lại. (Hình: Facebook Sonic)

Sonic The Hedgehog

“Sonic The Hedgehog” là một trong những phim dựa theo trò chơi điện tử thành công nhất, một phần nhờ hãng phim lắng nghe yêu cầu của khán giả và sửa lại nhân vật chính được tạo hình bằng máy điện toán quá xấu.

Trong đoạn giới thiệu đầu tiên, hãng phim Paramount muốn tạo ra một nhân vật Sonic thực tế, nhưng làm nhiều khán giả khiếp sợ vì không hề có một nét nào giống như nhân vật mà khán giả quen thuộc qua nhiều trò chơi điện tử.

Sau đó, Paramount làm khán giả ngạc nhiên bằng cách dời ngày công chiếu của “Sonic The Hedgehog” lại để chỉnh sửa lại vai chính Sonic, mang đúng nhân vật được khán giả yêu quý trong nhiều năm lên màn ảnh lớn.

Nhờ quyết định đó, hai phần của dòng phim “Sonic” rất thành công, và phần thứ ba đang sản xuất có thể sẽ tiếp tục thành công.

Nhân vật Vua Bò Cạp của tài tử Dwayne Johnson trong “The Mummy Returns.” (Hình: Facebook The Mummy)

The Mummy Returns

Phim có kinh phí lớn đầu tiên trong sự nghiệp của tài tử Dwayne Johnson là “The Mummy Returns” chiếu năm 2001, và nhân vật của ông bị chê bai rất nhiều vì kỹ xảo điện ảnh quá xấu.

Ông đóng vai Vua Bò Cạp trong phim này, có nửa người trên là con người, và nửa người dưới là bò cạp. Khái niệm đó quá khó để thực hiện với công nghệ kỹ xảo lúc đó, thêm vào đó là nhiều khó khăn khi quay phim.

Lúc đó, tài tử Johnson vẫn còn là một võ sĩ đô vật, nên không đến quay phim được nhiều, và đội ngũ phụ trách kỹ xảo CGI không thể thu hình được mọi cử động của ông cho nhân vật Vua Bò Cạp. Họ phải tạo hình mọi cử động của nhân vật đó bằng máy điện toán.

Điều đó làm khán giả thất vọng khi xem cảnh cao trào khi nhân vật Vua Bò Cạp xuất hiện vì nhìn ông như một hình nộm, và đến nay vẫn được xem là một trong những cảnh có CGI xấu nhất mọi thời đại.

(Thiện Lê)

25/12/2023

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH

Trong niềm vui Mừng Chúa Giáng Sinh

Kính chúc anh chị và các bạn

Một mùa Giáng Sinh

Vui vẻ, Bình an, nhiều Hồng phúc

Năm mới An khang, Thịnh vượng









24/12/2023

CÁI CHUÔNG NHẠC (THE MUSICAL BELL)


 Ông Pappy là chủ một cửa tiệm bán đồ cổ. Ðã từ lâu, ông giữ kín một nỗi buồn riêng. Một hôm, trong lúc đang lau chùi cái đèn lồng để chuẩn bị giao cho khách hàng, bỗng ông nghe tiếng nhạc của cái chuông treo ở cửa tiệm.

Ông thích điệu nhạc của nó và muốn chia sẻ với khách hàng nên đã treo nó lên.


Có một mái tóc gợn sóng mềm mại nhô lên ở trước quầy hàng. Ðó là một cô bé xinh xắn dễ thương hãy còn nhỏ xíu.

-Ông giúp được gì cháu đây, hở cháu bé? ông Pappy cảm thấy lòng vui hẳn lên.

-Thưa ông, cô bé ngước cặp mắt màu nâu lên nhìn ông, Cháu muốn mua một món quà cho ông cháu.

-Vậy Ông cháu có thích đồng hồ bỏ túi không. Ông có một cái hãy còn mới, tốt lắm.

Cô bé không trả lời. Nó đi quanh phòng rồi tới bên cánh cửa đưa bàn tay nhỏ bé cầm lấy tay nắm. Nó lắc nhẹ cánh cửa để nghe tiếng nhạc vang lên. Mặt cô bé chợt bừng sáng, nó nói:

-Chính là cái này đây. Mẹ cháu nói ông cháu thích âm nhạc lắm.

Ông Pappy khựng lại. Ông không muốn làm cô bé thất vọng nhưng đành phải nói:

-Xin lỗi cháu! Ông không bán cái chuông này được. Hay cháu lấy cái hộp đồ chơi này cho ông cháu, chắc ông cháu thích vì nó cũng phát ra nhạc.

Cô bé nhìn cái hộp rồi lắc đầu.

-Chắc là không đâu ạ!", cô bé buồn bã trả lời.

Ðể cho cô bé hiểu và khỏi buồn, ông kể cho nó nghe là con gái của ông từng chơi cái chuông này và vì vậy ông không muốn bán. Cô bé tỏ vẻ xúc động, mắt rưng rưng và nói

-Cháu hiểu rồi, ông ạ. Cháu cảm ơn ông!

Trong giây lát ông Pappy chợt nghĩ tới gia đình mình. Vợ ông mất đã lâu. Con gái ông sau một lần giận gia đình đã bỏ đi nước ngoài sinh sống. Ðã mười năm trôi qua, ông không được tin tức gì của cô con gái. Rồi ông tự nhủ, con gái ông đã bỏ đi, vậy sao ông không để cái chuông cho người khác, một người có thể chia sẻ nó với những người mà họ thương yêu? ông kêu lên với cô bé lúc nó mở cửa và tiếng nhạc lại vang ngân.

-Khoan đã, cháu ạ! Ông bằng lòng bán cái chuông. Cháu đừng buồn nữa nha.

Cô bé vui mừng vỗ tay reo:

-Ôi, cháu cảm ơn ông!

-Ðược rồi!

Ông Pappy cũng cảm thấy vui vui trong lòng dù biết rồi đây mình sẽ nhớ cái chuông lắm.

-Nhưng ông bảo này, cháu phải hứa là giữ gìn cái chuông cẩn thận.

Rồi ông lấy cái chuông xuống, lau chùi sạch bụi và cho vào một cái túi giấy, trao vào tay cô bé.

-Cháu xin hứa!

Nhưng chợt nó nhìn ông Pappy, ánh mắt lo lắng.

-Nhưng ông ơi, giá của cái chuông này là bao nhiêu vậy?

-Vậy cháu có bao nhiêu tiền nào?", ông Pappy hỏi, với nụ cười tinh nghịch.

Cô bé chỉ có trong tay 2 đô la 47 xu. Nhìn thấy vậy, ông Pappy nói như reo:

-Chà chà, cháu thiệt là may mắn. Giá của cái chuông đó vừa đúng 2 đô la 47 xu.

Cô bé đi rồi, ông Pappy cứ ngẩn ngơ suốt buổi. Ông nhớ cái chuông và điệu nhạc của nó. Cho tới giờ chuẩn bị đóng cửa, bỗng ông lại nghe tiếng chuông ngân nga. Ông cho rằng mình tưởng tượng, nhưng nhìn ra cửa ông thấy cô bé lúc sáng lại xuất hiện. Cô bé đang cầm cái chuông lắc lắc, miệng mỉm cười.

-Gì thế này? Cháu đổi ý rồi sao? ông ngạc nhiên.

-Không ạ!, Mẹ cháu bảo cái chuông này là dành cho ông. cô bé vừa nói vừa cười.

Trước khi ông Pappy kịp nói thêm lời nào thì mẹ cô bé bước vào. Mắt cô đẫm lệ và cô nhìn ông nói:

-Con chào bố!

Còn cô bé thì kéo nhẹ gấu áo ông:

-Ông ơi, khăn tay đây, ông lau mắt đi...

Tác Giả: Bonnie