Trang

11/12/2023

Vùng Chợ Quán

  Cụ Vương Hồng Sển viết trong Sài Gòn năm xưa: “Sở dĩ có tên gọi là Chợ Quán vì khi xưa người dân họp chợ dưới những gốc cây me, làm thành những hàng quán lốc cốc để buôn bán nên gọi là Chợ Quán”. Và từ đó, tên chợ trở thành địa danh của một vùng đất khá rộng bên rạch Bến Nghé.

Khu vực Chợ Quán bên kênh Bến Nghé nhìn từ không ảnh vào thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)  

Nhà thương Chợ Quán

Ngày nay nói đến Chợ Quán, nhiều người nghĩ ngay tới cái nhà thương điên trước tiên. Ðiều này cũng đúng. Thứ nhất, đây là một trong những công trình xây dựng đầu tiên của người Pháp sau khi chiếm Sài Gòn (xây năm 1862). Thứ hai, đây là nhà thương trị bệnh điên đầu tiên ở Sài Gòn. Thật ra, nhà thương điên Chợ Quán chỉ là một phần sau này, khi nhà thương mở thêm khoa bệnh tâm thần. Trước đó, nhà thương tiếp nhận trị các bệnh hoa liễu và giang mai. Sau đó, người Pháp mở rộng xây thêm các khoa bệnh truyền nhiễm, và cả khoa sản.

Mãi đến giữa thập niên đầu thế kỷ 20 mới có khu điều trị tâm thần và nhà thương Chợ Quán trở thành Trung tâm Huấn luyện Y khoa. Khi Trường Y Khoa Ðông Dương được thành lập tại Hà Nội năm 1908, bệnh viện ngưng công tác huấn luyện và trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần. Ðến năm 1915 thì mới có Dưỡng trí viện Biên Hoà chuyên khoa tâm thần nên có người làm câu thơ vui “Chưa đi chưa biết Biên Hòa / Ði rồi mới biết có nhà thương điên”. 

Một thời gian ngắn sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, bệnh viện được quân đội quản lý chuyên trị bệnh lao cho binh lính nên gọi là Viện bài lao Ngô Quyền. Năm 1957, bệnh viện trả lại cho dân sự quản lý với các khoa trị bệnh như trước. Do vậy, gặp người tưng tửng, người ta thường hỏi: “Hắn ở đâu ra? Chợ Quán hay Biên Hoà”.

Bệnh viện được xây lại hiện đại vào năm 1972 với sự giúp đỡ tài chánh của Hàn quốc, với tên gọi Trung tâm Y khoa Hàn-Việt (nay là Bệnh viện Nhiệt đới).

Nhà thương Chợ Quán được Hàn Quốc tài trợ xây dựng mới vào năm 1972 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nhà đèn Chợ Quán

Hỏi người Sài Gòn: Nhà đèn Chợ Quán ở đâu thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời, nó ở kế bên nhà thương Chợ Quán. Hỏi tiếp, vậy chớ nhà thương Chợ Quán ở đâu, thì nghe: cứ kêu taxi hay xe ôm chạy tới vùng Chợ Quán hỏi thì ai cũng biết! Hóa ra hai cái “nhà” này nằm kế nhau trên đường bến Hàm Tử (cũ), nơi giáp ranh quận Một và quận Năm, quay mặt ra kênh Bến Nghé.

Vậy tại sao không gọi Nhà đèn Chợ Quán là Nhà máy điện Chợ Quán? Có lẽ phải quay về lịch sử chiếu sáng đô thị Sài Gòn. Từ năm 1867 ở Sài Gòn, chủ yếu là khu trung tâm quận Nhất hiện nay, đã có đèn thắp sáng đường phố bằng dầu dừa, nhưng chỉ gần 3 năm sau, 1870, đã có đèn thắp sáng bằng dầu lửa. Đèn dầu lửa sử dụng liên tục mấy chục năm. Đến đầu thế kỷ 20, Công ty CEE Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon (Công ty Điện nước Sài Gòn), nằm trên đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng ngay phía sau Nhà hát Thành phố) bắt đầu cung cấp điện và nước cho vùng Sài Gòn rồi mở rộng sang vùng Chợ Lớn. Tuy vậy, người ta vẫn gọi nhà máy điện là “nhà đèn” do quen miệng.

Nhiều người, cả tôi nữa, vẫn cho rằng Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện sớm nhất Sài Gòn, có khi sớm nhất nước, nhất Đông Dương. Nhưng hóa ra không phải! Sài Gòn có nhà máy điện đầu tiên vào khoảng năm 1897 nhưng nó ở vị trí Công ty Điện lực trên đường Hai Bà Trưng phía sau Nhà Hát Lớn bây giờ. Sau đó có thêm một vài nhà máy điện nhỏ khác nhưng chỉ cung cấp điện cho từng khu vực. Nhà đèn Chợ Quán xây dựng vào năm 1912 với công suất đủ cho nhu cầu của Sài Gòn – Chợ Lớn và một số thị trấn phụ cận như Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, đồng thời từ lúc này hầu hết các đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều được chiếu sáng bằng điện của Nhà đèn Chợ Quán.

Có một chuyện thú vị về Nhà đèn Chợ Quán. Rất nhiều công nhân làm việc ở Nhà đèn Chợ Quán là người sống ở làng Thuận Bài thuộc tỉnh Quảng Bình. Chuyện bắt đầu bằng chuyến di cư vào Nam hồi năm 1897 của ông Trần Văn Mâu kiếm sống ở Sài Gòn. Khi ấy ở trung tâm thành phố chỉ có một ít nhà hàng có đèn điện chiếu sáng. Sẵn đầu óc yêu chuộng cái mới, ông mày mò học hỏi nghề điện rồi trở thành công nhân chính thức cho Nhà đèn Chợ Quán. Thấy Sài Gòn là nơi dễ sống, dễ có công ăn việc làm, ông viết thư về quê nhà kêu gọi đồng hương di cư vào Nam làm thợ điện. Sau đó, những người Thuận Bài lũ lượt kéo nhau vào Nam đều được ông Mâu xin vào làm ở Nhà đèn Chợ Quán. Người đi trước dẫn dắt người đi sau, nghề thợ điện trở thành kế sinh nhai của nhiều thế hệ con cháu làng Thuận Bài. Công nhân thợ điện làng Thuận Bài siêng năng cần mẫn nên không ít công nhân lành nghề được ban giám đốc CEE cất nhắc giữ những chức vụ quan trọng của nhà đèn Công ty Điện Nước Đông Dương.

Công nhân làng Thuận Bài trước 1945 có đến mấy trăm người. Họ sống tập trung, thành lập nên làng mới giữa đất Sài Gòn, gọi là xóm nhà đèn (nhưng ở vùng Tân Định giáp Bình Hoà (Bình Thạnh ngày nay), lập cả Hội tương tế để giúp đỡ lẫn nhau và dạy nghề điện cho những người mới đến.

Nhà đèn Chợ Quán thập niên 1920, cấp điện cho Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng phụ cận (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nhà thờ Chợ Quán

Chợ Quán nguyên là tên một xứ đạo hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 18. Nhà thờ Chợ Quán xây dựng từ 1887 đến 1896 – một trong những nhà thờ xây dựng sớm nhất và đẹp nhất tại Sài Gòn. Dần dần khu vực này phát triển thành một phần của đô thị Sài Gòn mở rộng hồi cuối thế kỷ 19.

Học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng những người lập nên họ đạo là lưu dân thuộc phường Ðúc ở Huế. Ðến năm 1725, giáo xứ đã có khoảng 300 bổn đạo. Từ năm 1674 đã có ngôi nhà nguyện tại làng Tân Kiểng. Chợ Quán sau này trở thành trung tâm đón tiếp lưu dân từ miền Trung vào. Trong buổi đầu hình thành, giáo xứ Chợ Quán trải qua nhiều thử thách và cộng đoàn phải chịu cảnh phân tán. Theo tài liệu của giáo xứ ghi: “Các Cha Thừa sai gặp nhiều khó khăn gian khổ khi truyền giáo. Gian nan nhất là Cha José Garcia: vừa đối phó với hành động chống lại đạo Chúa, vừa bị bão cuốn đi tất cả công trình xây dựng, lại sợ quân Chân Lạp tấn công. Chưa hết, Cha José còn bị quân của Võ Vương bắt giải ra Huế, rồi trục xuất về Philippines. Sau này Cha hoạt động ở Hà Tiên và qua đời tại đây. Ðiều đó nói lên sự dũng cảm đáng khâm phục của các Cha Thừa sai khi truyền giáo trên đất Việt.

Năm 1882, linh mục chánh xứ Nicolai Hamm (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này kéo dài suốt 14 năm, trải qua 6 đời chánh xứ đến năm 1896 thì hoàn tất. Ngôi nhà thờ mới khánh thành vào năm 1896 và tồn tại đến nay. Ðây là một ngôi giáo đường tuy nhỏ nhưng kiến trúc rất đẹp và thanh nhã.

Nhà thờ Chợ Quán, một trong những nhà thờ xưa nhất Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflickr)

 

Nhà Thờ Chợ Quán hiện nay

TN                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.