Vở ca vũ kịch Les Miserables sẽ trở lại với Broadway Dallas trong mùa Giáng Sinh, từ ngày 20 đến 31 tháng 12. Thật là một dịp hy hữu để một lần nữa được đắm mình trong những nhạc khúc nay đã trở thành kinh điển, đến từ quyển tiểu thuyết bất hủ của Victor Hugo mà có lẽ người Việt nào cũng biết qua truyện Ngọn Cỏ Gió Đùa do nhà văn Nam Bộ Hồ Biểu Chánh phóng tác cách đây gần một thế kỷ (1926).
Do
you hear the people sing? (Broadway Dallas)
Trong truyện của Hồ Biểu Chánh, nhân vật chính Jean Valjean được đặt cho một cái tên hết sức dân dã là Lê Văn Đó — một anh nông dân nghèo nhưng thương người, thấy chị vợ và cháu đói quá bèn liều lĩnh ăn cắp nồi cháo để rồi bị bắt và bỏ tù 5 năm. Cái hay của Hồ Biểu Chánh là ông đã chuyển tất cả mọi thứ từ một nước Pháp vào thế kỷ 19 sang xã hội miền Nam thời nhà Nguyễn, mà vẫn giữ nguyên cốt truyện của Victor Hugo. Đọc Ngọn Cỏ Gió Đùa, nếu không được ai mách thì ta khó mà biết là nó đến từ một nhà văn người Pháp vì câu chuyện rất ư là Việt Nam.
Nick
Cartell trong vai Jean Valjean (Broadway Dallas)
Đối đầu với Đó trong suốt câu chuyện là Phạm Kỳ, một người lính gác nhà tù lúc nào cũng truy lùng Đó sau khi anh ta trốn thoát rồi về sau trở thành một nhà điền chủ giàu có nhờ biết cách làm ăn. Phạm Kỳ, tức Javert trong truyện của Hugo, là một người luôn tuân thủ luật pháp và làm việc đúng theo phép tắc triều đình. Sự tương phản giữa hai người là đầu mối cho mọi bi kịch trong câu chuyện. Les Miserables cốt lõi phô bày cuộc đấu đá không ngừng giữa cái Thiện và Ác mà lắm lúc ta cũng không biết bên nào là bên nào.
Preston
Boyd trong vai Javert (Broadway Dallas)
Fantine là một phụ nữ thuộc thành phần lao động, vì bị mất việc mà phải bán thân nuôi đứa con gái tên Cosette. Trong Ngọn Cỏ Gió Đùa, nhân vật này tên là Lý Ánh Nguyệt, vì cha mất nên cô mắc nợ phải đi ở đợ cho chủ nợ là vợ chồng Đỗ Cẩm. Trước khi Les Miserables được dựng thành nhạc kịch này, nó đã được chuyển thể sang hàng trăm vở kịch cũng như bộ phim khác nhau trên khắp thế giới. Tại Việt Nam Ngọn Cỏ Gió Đùa cũng đã được soạn thành tuồng cải lương. Tuy nhiên cải lương của ta khác xa nhạc kịch của Âu Tây vì không có vũ múa hay đồng ca hợp xướng. Ước gì một ngày nào đó vở nhạc kịch này sẽ được diễn bằng tiếng Việt!
Haley
Dortch trong vai Fantine (Broadway Dallas)
Một trong những màn múa đẹp mắt nhất của vở nhạc kịch này là buổi tiệc tại nhà hai vợ chồng Thénardiers (Đỗ Cẩm trong truyện Hồ Biểu Chánh). Monsieur Thénardier của Hugo là một tên bất lương, bất tài, háo danh, ham lợi, thích khoe khoang mặc dù hai vợ chồng thực sự không có gì đáng kể ngoài cô con gái tên Eponine. Cô thuộc thế hệ trẻ cấp tiến, về sau tham gia cuộc cách mạng đòi dân chủ và bãi bỏ chế độ phong kiến. Cải lương của ta dẫu “mùi” cách mấy vẫn không thể nào cạnh tranh với những màn múa công phu cỡ này.
Nguồn
ảnh: Broadway Dallas.
Les Miserables là một tuyệt tác văn chương của nhân loại phần vì nó có đủ mọi yếu tố của xã hội con người –đẹp/xấu, thiện/ác, hay/dở, can đảm/hèn yếu … Claude-Michel Schönberg, nhà soạn nhạc cho Les Miserables (và Miss Saigon sau này) đã rất thành công trong việc đem những cảm xúc con người ấy vào âm nhạc, vẽ nên một bức tranh xã hội bằng những ca khúc ngày nay đã trở thành kinh điển. Cảnh những sinh viên trẻ tụ họp để bàn mưu tính kế, hay cảnh họ thương tiếc những người bạn vong thân trong cuộc nổi dậy đều được diễn tả thật cảm động. Khó quên nhất có lẽ là bài “Empty chairs, empty tables” tả cảnh bàn ghế giờ vắng bóng những người mới đó còn cùng ta nâng ly.
“Red
and Black” (Broadway Dallas)
Trường kỳ tiểu thuyết nào cũng phải lồng trong đó một chuyện tình thì mới ăn khách. Trong Les Miz thì đó là mối tình giữa Eponine, con gái vợ chồng ma giáo Thénadiers, và Marius, thủ lãnh nhóm sinh viên cách mạng. Và để cho câu chuyện thêm lâm li bi đát, Victor Hugo đã cho người đẹp của chúng ta xả thân vì đại nghĩa dưới lằn đạn của quân binh Pháp. Xem ra công thức này tuy cũ nhưng lúc nào cũng lấy được nước mắt khán giả, nhờ vậy mà Les Miserables cho đến nay vẫn là một trong những nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử. Phần nữa là nhờ những nhạc phẩm bất hủ như bài “Do You Hear The People Sing” dưới đây.
Eponine
(Christine Heesun Hwang) và Marius (Gregory Rodriguez). Broadway Dallas.
… Hỡi nhân loài nghe chăng tiếng hát,
tiếng chân ai lưu lạc trong đêm trường?
Giống như âm điệu của một giống dân tộc xưa
tìm đi về nguồn ánh sáng.
Cõi dương trần dù cho u tối
thấp thoáng đâu đây ngọn đuốc soi đời.
Dẫu cho đêm dài lòng ta vẫn tin
bình minh đến ngày mai!
Vì tự do mà ta sẽ đấu tranh,
vì quốc dân ta nguyện chung bước.
Cuộc chiến chinh đã xa khuất;
không còn súng gươm, chỉ còn non nước.
Ruộng đất vẫn còn đây,
hãy cùng nhau ta về xây lại quê hương!
Christine
Heesun Hwang trong vai Eponine (Broadway Dallas)
ianbui
dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.