Trang

28/12/2023

Giáng Sinh màu mỡ

Catalonia nguồn: Getty image

Lạ lùng, trẻ con trong nhà mỗi lần bị đố thủ đô Tây Ban Nha là gì cứ trả lời ngon lành: «Barcelona!» Barcelona không những không hề là thủ đô Tây Ban Nha mà cũng không thuộc Tây Ban Nha. Thành phố đặc biệt này là thủ phủ xứ Catalonia. Vậy Catalonia nằm đâu? Nằm ở đông bắc nước Tây Ban Nha chớ đâu. Ủa, vậy là sao?

Là đồng sàng dị mộng! Dân Catalan không thích nhận mình là người Tây Ban Nha. Họ có quốc kỳ riêng (nhìn giống cờ Quẻ Ly nhưng có 4 sọc thay vì 3), quốc ca riêng, tiếng nói riêng và luôn rập rình ra riêng chứ không thèm «Đoàn kết-Vĩ đại-Tự do» (Una Grande Y Libre – dòng chữ in trên dải lụa trên quốc kỳ cũ của Tây Ban Nha). Lịch sử dài dòng, chính trị nhức đầu, Giáng Sinh đi chơi, không nên nói chuyện dễ xa nhau, chỉ cần hiểu đi Barcelona có nghĩa là đến Tây Ban Nha nhưng không thăm Tây Ban Nha mà thăm Catalonia. Thế Catalonia có gì lạ?

Đầu tiên phải kể những công trình kiến trúc có một không hai của Antoni Gaudí. Nổi tiếng nhất là Nhà thờ Thánh Gia (Sagrada Familia), có dễ là nơi được thăm viếng nhiều nhất Barcelona. 18 toà tháp ngất ngưởng chụm lại làm nên ngôi nhà thờ đồ sộ, mỗi tòa mỗi vẻ, tân cổ giao duyên, đẹp và quái. Khởi công xây dựng từ 1882, đến nay vẫn chưa xong vì … thiếu tiền. Đã vậy, cha đẻ ra đứa con không giống ai này lại bị tàu điện cán chết khi đang từ nhà thờ băng qua đường (1926), có lẽ do lơ đễnh, vừa đi vừa vẽ trong đầu, không nhìn thấy gì khác … Đột ngột lìa đời, ông bỏ mơ ước lại cho thế nhân tiếp tục theo được tới đâu thì theo. 144 năm sau, dân Catalan vẫn tích cóp tiền bạc thâu được từ du khách thập phương, cố gắng đưa trí tưởng tượng và lòng yêu kính trời cao, đất dày, thiêng liêng và thiên nhiên của Gaudí đến nơi hoàn mỹ.



Nhà thờ Thánh Gia – ảnh HQ

Thứ đến là những món ăn quốc hồn quốc túy. Đầu bảng, chính là Paella. Paella tiếng Tây Ban Nha vốn có nghĩa là cái chảo. Ăn Paella là ăn cơm thẳng trong chảo chứ không cần bát đĩa, mà phải có lớp cơm cháy giòn giòn nơi đáy chảo mới được. Ở Barcelona, gần như phố nào cũng có quán Paella, nhưng là Paella đen, Arròs Negre. Màu đen tự nhiên lấy từ mực của con mực.


Paella - ảnh Internet


Arròs Negre – ảnh Internet

Suquet De Peix – ảnh Internet

Sau Arròs Negre phải kể Suquet De Peix. Không được du khách biết đến nhiều bằng Paella đen nhưng món ra-gu cá này lại là niềm hoài cảm của nhiều người Catalan ly hương. Xứ biển, làm sao tránh khỏi chuyện tôm, cá, mực, sò hò nhau vô xoong.

Riêng cho lễ Giáng Sinh, dân Catalan thường dọn món Escudella. Một mình nó làm nên bữa ăn. Đây là một trong những món súp có tuổi đời lâu nhất Châu Âu, được hầm với thịt và những thứ rau củ dễ kiếm vào mùa đông như bắp cải, cà rốt, hành, tỏi tây, đậu trắng, đậu gà (chick pea). Một âu Escudella cho 4 người ăn cần một phần tư con gà, xương bò, xương bê, đuôi bê, chân giò bê, xương heo, tai heo, mỡ heo, dồi trắng, dồi đen … tức là rinh nguyên cái trang trại vô nồi mà hầm! Dân bản địa có thói quen ăn nui (đặc biệt chỉ dùng nui hình vỏ ốc) chan nước dùng trước rồi mới đụng đến thịt thà, rau củ. Thực ra, đây là món ăn mùa đông phổ biến ở Catalonia. Chỉ là, Giáng Sinh đặc biệt, cho thêm nhiều thịt và  rau, nhất là dồi Butifarra và thịt viên Pilota, nhồi với tỏi và ngò tây.

Escudella – ảnh Internet

Là một thành phố du lịch nổi tiếng và có hằng hà sa số quán ăn nhưng nhiều nhà hàng ở Barcelona đang bị dân chúng kiện vì dạo gần đây giở chứng, chỉ tiếp khách đi theo đoàn. Các thực khách đi mình ên bị từ chối. Lý do là vì tiếp đoàn có lợi hơn. Tiếp một người chiếm nguyên cái bàn, thời buổi kiếm người bưng bê khó khăn này, chẳng hơi đâu! Khổ nỗi, đời sống đô thị phương Tây chuộng tính cá nhân, đi ăn một mình là chuyện bình thường và hằng có.


Mùa Giáng Sinh, lang thang các hang cùng ngõ kiệt ở Barcelona, mới đầu Hai Quê nghĩ dân Tây Ban Nha giễu dở, trên đời có bao nhiêu hình ảnh dễ thương, thơ mộng, thánh thiện không khai thác, lại để đầu óc nơi … cái khoái thứ tư, say mê đúc tượng một anh chàng trong tư thế khom lưng chồm hổm, nhìn xa 3 thước cũng hiểu đang làm gì. Loại tượng này được bày bán nhan nhản khắp nơi trong khu chợ Giáng Sinh khiến Hai Quê vừa thất kinh vừa buồn cười vì nhớ thơ Bút Tre khi xưa nịnh Nguyễn Chí Thanh, thời ngài đại tướng được bổ làm trưởng ban nông nghiệp trung ương : Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh, anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng.

Càng đi càng thấy phân bắc, phân xanh đầy đường! Một số cửa hiệu vừa lớn vừa khang trang, lịch sự nhưng chỉ bày bán duy nhất tượng anh chàng đội chiếc mũ Barreta đỏ, hình dạng như chiếc vớ quá khổ, đang chăm chú «sản xuất» này. Có tượng nhỏ vừa đủ treo cây thông hay trang trí hang đá, lại có tượng to hơn cả người thật.

Tío de Nadal – ảnh Internet


Bạn đọc hẳn đang nhăn mặt, phiền lòng, thật là bất kính, ai lại đi đặt hình nhân thô bỉ này vào hang đá! Thưa không, anh chàng ngồi chồm hổm, tên gọi Caganer này chính là biểu tượng của lòng mong cầu thịnh vượng cho năm mới của người dân nơi đây. Caganer tiếng Catalan có nghĩa là Chàng Ị. Dân Catalan tôn vinh Chàng Ị vì họ cho rằng vàng dẻo rất quý giá, nó giúp bón thúc ruộng đồng, khiến đất đai màu mỡ, đem lại cho nông dân mùa gặt mới trù phú và nhờ vậy mà dân chúng được no ấm suốt năm sau. Cho nên, Chàng Ị có thể được treo lủng lẳng trên cây thông, cũng có thể được đặt vào một góc trong hang đá, như một ước nguyện. Cái thú của bọn trẻ con là bước đến hang đá vừa được người lớn sắp đặt, trang trí để tìm xem Chàng Ị ngồi chỗ nào, chỉ trỏ «A, kia kìa!» rồi cười ré với nhau. Thấy chàng rồi thì mới yên tâm. Năm hết, Tết đến, làm gì làm, trong nhà phải sắm cho bằng được ít nhất một chàng. Không có, xui !

Chàng Ị – Ảnh HQ

Bước vào một cửa hiệu chuyên bán Chàng Ị, bạn có thể bắt gặp đủ mặt bá quan văn võ trên đời, từ ông hoàng bà chúa, lãnh tụ tôn giáo, tổng thống, chính khách, tài tử, nhạc sĩ, ca sĩ, cầu thủ  bóng đá nổi tiếng  v.v. Ừ thì, cái khoái thứ tư sau khoái ăn, khoái ngủ và khoái «ngả nghiêng loan phụng» (*) này, đã làm người, mấy ai không khoái.

Chấm ai, bạn chỉ việc nhấc tượng người ấy khỏi quầy, móc túi trả năm, mười euros hoặc hơn nữa nếu chọn tượng lớn.

Theo sát Chàng Ị là Tío de Nadal. Anh bạn này cũng được dân Catalan yêu thích vô cùng. Như dân quê nuôi gà chờ Tết, người ta sắm hoặc tự đẽo Tío (thường bằng gỗ, có 4 chân và  gương mặt tươi vui) để trong nhà, đắp mền cho ấm, ngày ngày giở mền ra thăm chừng, và còn đặt đồ ăn thức uống trước mặt y như cúng ông Địa. Đêm Giáng Sinh hoặc sáng 25, hè nhau lôi Tío ra giữa nhà, vừa dùng gậy đập, vừa hát để bắt Tío … ị. Lời bài hát đại khái: «Ị đi, ị giỏi đi nào, ị ra ngọt ngào thì khỏi ăn roi!» Và, phía sau cái poop log này, người ta đặt nhiều kẹo bánh kiểu thèo lèo cứt chuột, ngụ ý cầu mong ấm no, thịnh vượng.

(*) Cơm Phiếu Mẫu, Gối Trần Đoàn, ngả nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương long: thơ Phan Văn Trị, vịnh tứ khoái trần gian, trong đó “nhẹ nhàng nương long” chỉ cái khoái của những lúc buồn buồn thì tót ra đồng, khom lưng chồm hổm cho lòng nhẹ tênh.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.