Trang

26/12/2023

Những phim Hollywood bị khán giả chê cười vì CGI quá xấu

 Hollywood lúc nào cũng có nhiều kỹ xảo điện ảnh tân tiến hớp hồn khán giả, nhất là các kỹ xảo làm từ máy điện toán (CGI). Tuy nhiên, vẫn có nhiều phim dùng kỹ xảo CGI quá xấu, bị khán giả chê hay chế giễu trong nhiều năm.

Will Smith trong vai Genie của “Aladdin.” (Hình: Facebook Aladdin)

Những kỹ xảo CGI đó có thể là một nhân vật được tạo hình bằng máy điện toán hay bộ trang phục, và thậm chí được dùng để thay đổi diện mạo của một diễn viên.

Aladdin

Phim người đóng gần nhất của Disney bị khán giả chê kỹ xảo CGI là “Aladdin” công chiếu năm 2019, có tài tử Will Smith trong vai Genie.

Tài tử Smith tuy được khán giả khen ngợi vì diễn xuất trong vai Genie, nhưng hầu hết những lời khen đó là cho những cảnh vị thần đèn hóa thân thành người thường để trò chuyện và ca hát. Nếu không biến thành người thường, ông là một vị thần đèn màu xanh dương được tạo hình bằng máy điện toán.

Từ khi Disney chiếu đoạn giới thiệu đầu tiên, khán giả chê bai kỹ xảo CGI của Genie rất nhiều. Tuy đội ngũ phụ trách kỹ xảo đã cố gắng chỉnh sửa lại cho phiên bản công chiếu, nhưng nhân vật Genie không hợp với phim người đóng.

Thêm vào đó là cảnh Genie hát ca khúc “Friend Like Me” sử dụng quá nhiều kỹ xảo CGI vì vị thần đèn đó làm nhiều thứ xuất hiện để làm Aladdin bất ngờ vì khả năng của mình.

Việc sử dụng kỹ xảo CGI quá nhiều làm khán giả choáng ngợp khi xem cảnh đó, và luôn so sánh với phiên bản phim hoạt họa của năm 1992

Mặt của Dwayne Johnson trên cơ thể người khác trong “Black Adam.” (Hình: Facebook Black Adam)

Black Adam

Một phim gần đây sử dụng kỹ xảo CGI bị khán giả chê cười là “Black Adam” chiếu năm 2022, có tài tử Dwayne Johnson đóng vai chính.

Phim nói về nguồn gốc của nhân vật Black Adam, một người có thân hình vạm vỡ và đầy sức mạnh về phép thuật. Tuy nhiên, trước khi biến thành nhân vật mạnh mẽ đó, Black Adam chỉ là một con người bình thường.

Trong một cảnh hồi tưởng, Black Adam là một người có thân hình bình thường, và đội ngũ sản xuất phải dùng kỹ xảo để thu nhỏ cơ thể cường tráng của tài tử Johnson lại. Họ làm điều đó bằng cách ghép mặt của ông lên cơ thể của một người bình thường, làm khán giả chê cười.

Tuy nhân vật Black Adam là một người bất tử và không thay đổi diện mạo trong cả ngàn năm, nhưng hãng phim có thể thuê một diễn viên khác để đóng vai nhân vật đó trước khi có sức mạnh. Phim “Captain America: The First Avenger” của năm 2011 thuê một diễn viên khác để đóng vai Steve Rogers lúc còn trẻ và thành thành công nhờ điều đó.

 

Các nhân vật người mèo bằng CGI của phim “Cats.” (Hình: Facebook Cats)

Cats

Sau sự thành công của “Les Misérables,” đạo diễn Tom Hooper muốn tạo ra một phim nhạc kịch mới và đưa vở kịch “Cats” lên màn ảnh lớn vào cuối năm 2019, nhưng chỉ tạo một tác phẩm làm khán giả ám ảnh vì kỹ xảo CGI quá xấu.

Đạo diễn Hooper không muốn làm một phim như Disney, có nhiều con mèo thật ca hát và nhảy múa. Vì vậy, ông quyết định biến mọi diễn viên thành người mèo và dùng kỹ xảo CGI để tạo hình mèo cho họ. Từ đoạn giới thiệu đầu tiên, khán giả đã chê bai rất nhiều và còn nói họ ám ảnh khi thấy những nhân vật người mèo trên màn ảnh.

Tuy có nhiều diễn viên hàng đầu xuất hiện, nhưng “Cats” có nội dung không rõ ràng và kỹ xảo CGI quá xấu, làm phim này thất bại nặng nề và ảnh hưởng rất nhiều đến danh tiếng của một đạo diễn có thể tranh giải Oscar như Tom Hooper.

Bộ trang phục hoàn toàn bằng CGI của Ryan Reynolds trong “Green Lantern.”

Green Lantern

Trong những năm gần đây, ai cũng biết tài tử Ryan Reynolds qua nhân vật anh hùng phản diện Deadpool. Nhưng vào năm 2011, ông xuất hiện trong phim siêu anh hùng “Green Lantern,” và bị khán giả chế giễu vì bộ trang phục được làm hoàn toàn bằng kỹ xảo CGI.

Gần như mọi thứ trong “Green Lantern” đều được tạo hình bằng máy điện toán như bộ trang phục của Ryan Reynolds, nhiều người ngoài hành tinh, sức mạnh của chiếc nhẫn vai chính đeo và cảnh nền được làm bằng màn hình xanh. Tuy vậy, không có cảnh nào có kỹ xảo tân tiến cả.

Điểm bị chê nhiều nhất là bộ trang phục của anh hùng Green Lantern, là bộ trang phục chiếu sáng màu xanh lá cây, không bám vào cổ và mặt của tài tử Reynolds trong những cảnh đánh nhau.

Không chỉ vậy, mọi kỹ xảo CGI của phim này chỉ được làm trong hai tháng cuối của giai đoạn sản xuất, dẫn đến sự thất bại của “Green Lantern.”

Mặt của Henry Cavill sau khi được xóa ria mép bằng máy điện toán trong “Justice League.” (Hình: Facebook Justice League)

Justice League

Một phim siêu anh hùng khác bị chê vì kỹ xảo CGI là “Justice League” chiếu năm 2017, dùng kỹ xảo để chỉnh sửa diện mạo của tài tử Henry Cavill.

Khi đang quay “Justice League,” tài tử Cavill phải để ria mép dày vì đang thực hiện một dự án khác là phim “Mission: Impossible – Fallout,” và không được cạo ria mép đó.

Vì không thể quay phim lại mọi cảnh, đội ngũ phụ trách kỹ xảo phải dùng CGI để xóa đi ria mép của tài tử Cavill sau khi quay phim xong và không có đủ thời gian, nên làm mặt anh bị biến dạng trong một số cảnh nhân vật Superman xuất hiện.

Vai chính Sonic của “Sonic the Hedgehog” trước khi được chỉnh sửa lại. (Hình: Facebook Sonic)

Sonic The Hedgehog

“Sonic The Hedgehog” là một trong những phim dựa theo trò chơi điện tử thành công nhất, một phần nhờ hãng phim lắng nghe yêu cầu của khán giả và sửa lại nhân vật chính được tạo hình bằng máy điện toán quá xấu.

Trong đoạn giới thiệu đầu tiên, hãng phim Paramount muốn tạo ra một nhân vật Sonic thực tế, nhưng làm nhiều khán giả khiếp sợ vì không hề có một nét nào giống như nhân vật mà khán giả quen thuộc qua nhiều trò chơi điện tử.

Sau đó, Paramount làm khán giả ngạc nhiên bằng cách dời ngày công chiếu của “Sonic The Hedgehog” lại để chỉnh sửa lại vai chính Sonic, mang đúng nhân vật được khán giả yêu quý trong nhiều năm lên màn ảnh lớn.

Nhờ quyết định đó, hai phần của dòng phim “Sonic” rất thành công, và phần thứ ba đang sản xuất có thể sẽ tiếp tục thành công.

Nhân vật Vua Bò Cạp của tài tử Dwayne Johnson trong “The Mummy Returns.” (Hình: Facebook The Mummy)

The Mummy Returns

Phim có kinh phí lớn đầu tiên trong sự nghiệp của tài tử Dwayne Johnson là “The Mummy Returns” chiếu năm 2001, và nhân vật của ông bị chê bai rất nhiều vì kỹ xảo điện ảnh quá xấu.

Ông đóng vai Vua Bò Cạp trong phim này, có nửa người trên là con người, và nửa người dưới là bò cạp. Khái niệm đó quá khó để thực hiện với công nghệ kỹ xảo lúc đó, thêm vào đó là nhiều khó khăn khi quay phim.

Lúc đó, tài tử Johnson vẫn còn là một võ sĩ đô vật, nên không đến quay phim được nhiều, và đội ngũ phụ trách kỹ xảo CGI không thể thu hình được mọi cử động của ông cho nhân vật Vua Bò Cạp. Họ phải tạo hình mọi cử động của nhân vật đó bằng máy điện toán.

Điều đó làm khán giả thất vọng khi xem cảnh cao trào khi nhân vật Vua Bò Cạp xuất hiện vì nhìn ông như một hình nộm, và đến nay vẫn được xem là một trong những cảnh có CGI xấu nhất mọi thời đại.

(Thiện Lê)

2 nhận xét:

  1. Cám ơn em đã chia sẻ.
    Chúc em luôn vui,khoẻ.
    https://2.bp.blogspot.com/-288vtyfQv70/XI0sA_JDuZI/AAAAAAAAK0I/OFiayjazREsfNrQqMBpTVv_LFOCyg8jfwCLcBGAs/s320/42.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc chị luôn mạnh khỏe nhé!
      https://superbwishes.com/wp-content/uploads/2022/11/Merry-Christmas-GIF-9.gif

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.