Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thượng đỉnh NATO, Vilnius, Litva, ngày 11/07/2023. © REUTERS / YVES HERMAN
Ngày 22/01/2023 là đúng 60 năm Pháp và Đức ký kết Hiệp ước Elysée mở đường cho một tiến trình hòa giải giữa hai nước. Năm 1987, để biểu thị cho tình hữu nghị, lữ đoàn Pháp – Đức (Eurocorp) đã được thành lập theo đề nghị của tổng thống F. Mitterand và thủ tướng H. Kohn. Từ năm 2016, Pháp và Đức đã có nhiều sáng kiến hướng đến một nền phòng thủ chung của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng điều đó không có nghĩa là các học thuyết chiến lược Pháp và Đức đồng nhất về mọi mặt.
Paul Maurice, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), trên kênh truyền hình ARTE nhắc lại, lữ đoàn này còn là nền tảng đầu tiên cho nền quốc phòng chung châu Âu mà trong đó Pháp và Đức sẽ là hạt nhân. Biểu tượng này còn mang tính lịch sử khi lữ đoàn Pháp – Đức cùng diễu binh mừng ngày Quốc Khánh 14/07 trên đại lộ Champs-Elysées vào các năm 1994 và năm 2014.
Nhờ vào hành động chung này và chính trong bối cảnh những hệ quả do cuộc chiến vùng Balkan (Bosnia, Kosovo) để lại, mà nền quốc phòng châu Âu đã có thể được khởi động năm 1999 để rồi sau đó Anh Quốc thời Tony Blair đã tham gia vào dự án trang bị cho Liên Hiệp Châu Âu một năng lực quân sự độc lập với NATO.
Tháng 9/2017, trong bài diễn văn tại Sorbonne, tổng thống Pháp nhấn mạnh đến thiện chí phối hợp hành động với Đức để phát triển « một năng lực quân sự tự chủ châu Âu bổ sung cho NATO ». Tháng 11/2018, tổng thống Macron và thủ tướng Đức lúc bấy giờ là Angela Merkel kêu gọi hình thành một quân đội châu Âu.
Đáng chú ý là hiệp ước mới ký kết tại Aix-La-Chapelle ngày 22/01/2019 về hợp tác và hội nhập giữa hai nước, lấy lại các điều khoản phòng thủ chung trong Hiệp ước Liên Hiệp Châu Âu (điều số 42, khoản 7) và Hiệp ước Washington thành lập NATO (điều số 5). Điều này cho phép củng cố hơn nữa sự liên kết chiến lược giữa Pháp và Đức.
Những khác biệt văn hóa Pháp-Đức
Nhưng phải chăng chiến tranh Ukraina do Nga phát động đang làm lung lay mối hợp tác quân sự Pháp – Đức, vốn dĩ đã gặp nhiều trắc trở trong các dự án phát triển công nghiệp quốc phòng chung giữa hai nước ?
Bà Delphine Deschaux-Dutard, nhà nghiên cứu và giảng viên Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế và Hợp tác châu Âu (CESICE), trường đại học Grenoble Alpes, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Quốc phòng số tháng 6/2019, từng nhận xét mối quan hệ hợp tác quân sự Pháp-Đức mang nặng tính biểu tượng hơn là thực tế. Mục tiêu cơ bản của sự hợp tác này là nhằm hòa giải về mặt chính trị.
Nhưng trên hết, giữa hai nước có một sự khác biệt lớn về văn hóa. Về mặt chính trị, vốn có tác động khá lớn đến cách thức sử dụng sức mạnh quân sự, tại Pháp, tổng thống có thể ra quyết định sử dụng vũ lực trong một thời hạn rất ngắn, nhưng trong khi đó thủ tướng Đức phải được sự chấp thuận của Nghị Viện, có thể mất nhiều tuần tùy theo cường độ của cuộc tranh luận.
Trên bình diện chiến lược, Pháp và Đức có rất ít điểm tương đồng trong các học thuyết. Điều này thể hiện rõ trong Sách Trắng Quốc Phòng 2016 của Đức và Tầm nhìn Chiến lược 2017 của Pháp. Sự khác biệt này đã có ngay từ những ngày đầu ký Hiệp ước Hữu nghị Pháp-Đức cách nay 60 năm.
Paul Maurice, chuyên gia về quan hệ Pháp – Đức, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trên kênh truyền hình ARTE giải thích :
« Nước Pháp dưới thời tướng de Gaulle, ý tưởng đưa ra là nhằm xích lại gần hơn với Đức nhằm thoát khỏi phần nào sự trói buộc của Mỹ trong khuôn khổ NATO và hậu chiến. Nhưng vào năm 1963, Đức trông cậy rất nhiều vào sự bảo hộ của Mỹ, theo như cách nói phổ biến, vào lá chắn quân sự Mỹ. »
Hoa Kỳ : Lá chắn an ninh không thể thiếu của Đức
Đối với Đức, sự gắn kết với Mỹ là một chân trời không thể vượt qua. Do yếu tố lịch sử và sự hội nhập chặt chẽ trong NATO, Đức gắn liền với Mỹ nhiều hơn và có xu hướng đi theo lập trường của Mỹ. Nước Đức luôn khéo tránh mọi đề nghị của Pháp ưu tiên phòng thủ châu Âu thay cho lá chắn của Mỹ.
Thứ trưởng ngoại giao Đức, Michael Link, cũng trong chương trình ARTE, khẳng định Berlin không có cùng cách nhìn về khái niệm tự chủ quốc phòng mà tổng thống Pháp đưa ra tại Hội nghị Sáng kiến châu Âu, Sorbonne, ngày 26/09/2017:
« Tôi xin diễn giải điều này một cách khác. Thuật ngữ tự chủ khiến chúng tôi bị chệch hướng đi. Tôi thích thuật ngữ chủ quyền hơn, vì chúng tôi thật sự muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ, vốn là đối tác chính gần gũi nhất của chúng tôi. »
Lập trường này của Đức thể hiện rõ trong thông báo đặt mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, sau khi thủ tướng Olaf Scholz ngày 27/02/2022 bất ngờ quyết định dành 100 tỷ euro ngân sách để hiện đại hóa quân đội. Paris thất vọng vì Berlin đã không chọn Rafale của Pháp cho không quân Đức. Cảm giác hụt hẫng càng lớn khi Olaf Sholz tháng 10/2022 ký kết European Skyshield Initiative, một hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu sử dụng công nghệ của Mỹ và Israel, với 12 nước Bắc – Đông Âu mà không có Paris.
Tầm nhìn chiến lược này của Đức lại phù hợp với quan điểm của các nước vùng Baltic nằm sát cạnh Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina kéo dài sang năm thứ hai. Giấc mơ một nền phòng thủ chung tương lai châu Âu theo kiểu Pháp lại càng không có tầm quan trọng trước sự hiện diện thực tế của NATO – Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương.
Đối với những nước này, NATO là một tổ chức quân sự quý giá, có uy tín, rất được công luận ủng hộ. Họ tin tưởng vào vai trò bảo vệ của NATO. Nước Đức dưới thời bà Angela Merkel đã hiểu rõ điều đó hơn bao giờ hết, theo như lời thuật của Ursula Weidenfeld, tác giả về tiểu sử Angela Merkel, trên kênh truyền hình ARTE:
« Angela Merkel hiểu rất rõ tầm quan trọng của khối NATO đối với các nước Đông Âu, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Từ quan điểm này, Pháp từ lâu tỏ ra mù quáng, không hiểu rằng họ phải tìm một đồng thuận tại châu Âu với Ba Lan, Hungary, với các nước vùng Baltic, với Bulgari và Rumani. »
Pháp – Đức và sự cảm nhận về đe dọa khác nhau
Chiến tranh bùng nổ tại Ukraina, vai trò lãnh đạo hàng đầu của trục Pháp-Đức chịu nhiều áp lực từ các nước Đông Âu, phía bên kia màn sắt cũ. Cuộc xung đột đã khơi dậy những chấn thương cũ xưa, những năm tháng dưới sự kềm tỏa của Matxcơva.
Giới quan sát tại những nước Baltic cho rằng việc Pháp và Đức chỉ dành có 0,1% ngân sách để hỗ trợ Ukraina, ít hơn đến 10 lần so với một số nước Baltic đã làm suy yếu vai trò đầu tầu của trục Pháp – Đức như là động lực của Liên Hiệp Châu Âu. Trục quyền lực hình thành giữa Pháp và Đức ngày càng dịch chuyển sang phía Đông vào lúc Ba Lan, một quốc gia thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu, không ngừng tăng chi tiêu quốc phòng, với tham vọng đạt mức 4% của GDP trong năm 2023 này.
Ngược lại, Pháp cũng khiến Đức khó chịu vì những thông báo hỗ trợ quân sự cho Ukraina mà không có sự phối hợp trước với Berlin, như cấp xe bọc thép hạng nhẹ, tên lửa tầm xa và nhất là thay đổi lập trường ủng hộ Ukraina gia nhập NATO, xích lại gần hơn với quan điểm các nước Đông Âu và vùng Baltic.
Le Monde (04/07/2023) nhắc lại, tại thượng đỉnh NATO ở Bucarest năm 2008, cả tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và thủ tướng Đức Angela Merkel đều phản đối việc kết nạp nhanh chóng Ukraina, bất chấp ý kiến của chính quyền tổng thống G. Bush.
Thế mất cân xứng
Những chuyển động này cho thấy Pháp và Đức không có cùng một cảm nhận về những mối đe dọa cơ bản đang đè nặng lên Liên Hiệp Châu Âu. Thứ trưởng ngoại giao Đức Michael Link nói đến những khó khăn khi thảo luận về Đông Âu với các đồng nghiệp Pháp mà Berlin biết rõ cần phải có mối quan hệ để vượt qua một giai đoạn chính trị đầy khó khăn.
Theo Claude Martin, cựu đại sứ Pháp ở Trung Quốc và Đức, trong một chương trình Địa Chính Trị của RFI, những bất đồng hiện nay giữa Pháp và Đức, trong mọi lĩnh vực phản ảnh một sự bất cân xứng trong quan hệ giữa hai nước. Thế cân bằng về chính trị có được cách nay 60 năm nay phần nào nghiêng hẳn về phía Đức, được thể hiện rõ qua thế áp đảo các đại diện Đức tại nghị trường Liên Âu. Sự mất cân xứng này phần nào được giải thích bởi sự yếu thế về kinh tế ngày một lớn của Pháp trước đối tác chính trị bên kia bờ sông Rhin:
« Tôi cho rằng cần phải tìm lại được thế « ngang vai ngang vế ». Đây là cơ sở của thế cân bằng. Chúng ta thật sự có cảm giác như trong một cặp đôi mà cả hai có cùng giá trị, có cùng tiếng nói và được lắng nghe theo cùng một cách. Dù muốn hay không, do sức nặng kinh tế và vị trí địa lý, Pháp đang bị suy yếu, bởi vì châu Âu đang dịch chuyển về phía bắc, bởi vì nền kinh tế của Pháp không mạnh bằng nền kinh tế nước láng giềng của chúng ta. Do vậy, thế ngang vai ngang vế giữa Pháp và Đức là không còn nữa. »
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 20/07/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.