Trang

04/07/2023

Trường đại học nổi tiếng của California


 UC Los Angeles
Các trường đại học lâu đời ở California.

Trường USC (University of Southern California) là một trường đại học tư, tuy cái tên của nó có chữ California nhưng trường không nhận được sự giúp đỡ nào đáng kể từ chính quyền tiểu bang California. Mặt khác, viện đại học University of California (UC) là một trong hai hệ thống đại học công lập ở tiểu bang California, phần lớn ngân sách của họ được đài thọ bởi chính quyền tiểu bang. Thoạt kỳ thủy thì chỉ có một trường tọa lạc tại thành phố Berkeley, được thành lập hơn 155 năm trước do một đạo luật được thông qua bởi lưỡng viện quốc hội của tiểu bang California và được ký bởi thống đốc California vào ngày 26 tháng Ba năm 1868. Trường thứ nhì của hệ thống UC được thành lập tại Los Angeles vào năm 1919. Bắt đầu từ khi có hai trường trong cùng một viện đại học thì người ta mới phân biệt là UCB (UC Berkeley) và UCLA (UC Los Angeles). Trước năm 1919 thì khi nói "University of California" thi mọi người đều hiểu là trường Berkeley. Sau năm 1919 thì khi nói "University of California" là người hỏi "trường nào?" Ngày nay có 10 trường trong hệ thống University of California (UC), trong đó UC San Francisco (UCSF) chỉ có chương trình cao học và professional mà thôi, không có chương trình cử nhân.

Trong thời đệ nhị thế chiến viện đại học University of California (UC) là đầu não của chương trình chế tạo hai quả bom nguyên tử đầu tiên (Fat Man và Little Boy) ném xuống Nhật Bản ở Trường Kỳ và Quảng Đảo. University of California được Bộ Năng Lượng (Department of Energy) Hoa Kỳ ủy nhiệm để điều hành các viện nghiên cứu (National Laboratories) Lawrence-Livermore, Lawrence-Berkeley và Los Alamos và trông coi việc tinh luyện các chất phóng xạ Uranium và Plutonium ở viện nghiên cứu Oak Ridge National Laboratory ở Tennessee cho hai quả bom Fat Man và Little Boy. . Giám đốc về khoa học và kỹ thuật của chương trình chế tạo bom nguyên tử ở viện nghiên cứu Los Alamos thời đó (Manhattan project) là tiến sĩ Robert Oppenheimer, lúc đó là một giáo sư vật lý xuất sắc tại UC (Berkeley). Bởi vì mối liên hệ chặt chẽ giữa UC và Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ bắt đầu từ hồi đệ nhị thế chiến nên cho đến ngày nay, một số rất lớn các khoa học gia và kỹ sư được đào tạo bởi tất cả các trường trong hệ thống UC có mặt khắp nơi trong các viện nghiên cứu Los Alamos, Lawrence-Berkeley và Lawrence Livermore. Phần lớn các chương trình võ khí nguyên tử vẫn có sự đóng góp rất lớn từ hệ thống University of California. Cái khó khăn trong những chương trình nghiên cứu võ khí nguyên tử ngày nay nằm ở chỗ là các cường quốc nguyên tử không được phép (bởi thỏa hiệp quốc tế) thử bom nguyên tử bằng cách cho bom nổ nữa (Bắc Hàn cho nổ vài quả bom làm thế giới la làng!)  Họ phải tìm kế khác để lượng định "reliability" của những võ khí tồn kho và để làm tăng hiệu năng của những võ khí trong tương lai.

Về mặt năng lượng nguyên tử dùng trong kỹ nghệ (nuclear reactors) thì trường UC Los Angeles (UCLA) có nhiều đóng góp đáng kể trong vấn đề an toàn (làm nguội lò nguyên tử trong trường hợp bất trắc).  UCLA đã có thời có một lò điện nguyên tử riêng của họ ngay trong khuôn viên của trường (công suất thấp, chỉ dùng trong việc nghiên cứu). Lò điện nguyên tử này đã bị dẹp bỏ vào khoảng hậu bán thập niên 1980 vì sợ chất phóng xạ có thể bị phát tán nếu bị bọn khủng bố tấn công (do vấn đề an ninh lỏng lẻo).

UC Berkeley

Nói về phương diện kinh tế thì những trường UC đều có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế California.  Trường UC Berkeley dẫn đầu thế giới trên phương diện vật lý và kỹ thuật bán dẫn (semiconductor). Từ UC Berkeley mới nảy sinh ra những hãng semiconductor đầu tiên trên thế giới, tạo ra cái mà ta gọi là Silicon Valley bây giờ. Trường UC Los Angeles đóng góp rất lớn cho kinh tế quốc phòng của Hoa Kỳ thời chiến tranh lạnh với khối cộng sản quốc tế, do đó mà quy tụ tất cả các hãng hàng không và không gian (cả dân sự và quân sự) về vùng đô thị El Segundo và Redondo Beach trong khu Los Angeles metropolitan. Trường UC San Diego đóng góp cho kinh tế California trong ngành viễn thông. Hãng Linkabit được sáng lập bởi giáo sư Andrew Viterbi của UC San Diego và giáo sư Leonard Kleinrock của UCLA.  Một phần của Linkabit về sau tách ra và trở thành hãng Qualcomm sau này, trụ sở chính vẫn ở vùng San Diego để tiện việc mướn nhân viên kỹ thuật được đào tạo tại UC San Diego và cũng để dễ cộng tác với UC San Diego trong những chương trình nghiên cứu quan trọng. Gần như tất cả những mạch vi điện tử dùng cho cellphones và computer trong những chiếc xe tân thời đều từ Qualcomm mà ra. UC Irvine cũng đóng góp rất lớn cho kỹ nghệ điện tử. Hãng Broadcom được sáng lập trong những năm đầu của thập niên 1990 bởi giáo sư Henry Samueli của UCLA (ông này là một trong 5 vị giáo sư ngồi trong hội đồng thi của em lúc em còn học cao học ở UCLA vào giữa thập niên 1980). Những dụng cụ WiFi ngày nay đều dùng những mạch vi điện tử mà ta có thể truy nguyên về hãng Broadcom. Hãng này đặt trụ sở tại Irvine để dễ bề hợp tác và mướn những sinh viên tốt nghiệp từ UC Irvine. Trường UC Davis thì có đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp ở California.

CalTech

Ngoài những trường nêu trên thì còn có một trường nổi tiếng là một trong những học viện kỹ thuật hàng đầu thế giới, đó là California Institute of Technology (CalTech). Trường có lịch sử bắt đầu từ năm 1891, nhưng chính thức mang tên California Institute of Technology từ năm 1920. Tiến sĩ Robert Oppenheimer (giám đốc chương trình bom nguyên tử Manhattan project nêu trên) đã từng là giáo sư vật lý ở cả hai trường đại học University of California (Berkeley) và CalTech sau khi lấy bằng tiến sĩ từ đại học Gottingen bên Đức dưới sự hướng dẫn của nhà vật lý học rất nổi tiếng Max Born. Một trường khác cũng rất nổi tiếng, đó là trường đại học Stanford.  Cả CalTech lẫn Stanford đều là những đại học tư.

Để hiểu rõ sự đóng góp của các viện đại học nêu trên trong nền giáo dục Hoa Kỳ, ta hãy đếm số giáo sư và cựu sinh viên có giải Nobel.  Trong lịch sử của trường CalTech từ lúc khai giảng cho đến ngày nay, có tổng cộng là 46 người (vừa giáo sư vừa sinh viên học ở CalTech ra) được 47 giải Nobel (một người trúng hai giải Nobel, đó là giáo sư hóa học Linus Pauling). Để so sánh, toàn thể hệ thống University of California (cả 10 trường cộng lại) cũng chỉ có 70 giáo sư trúng 71 giải Nobel.  Trường Stanford có 27 giải Nobel. Trường University of Southern California (USC) có 6 giải Nobel trong lịch sử của trường từ năm 1880 cho đến ngày nay.  Trong khi đó thì toàn thể Nga và Soviet Union chỉ được có khoảng 22 giải Nobel mà thôi.

Tiến sĩ Vũ Xuân Hoài

2 nhận xét:

  1. trường đại học này hoành tráng quá

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều trường đại học ở nước ngoài, phải dùng xe di chuyển từ khoa này sang khoa khác vì quá rộng. . .

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.