Sau đây là những dòng nhật ký đọc trộm của một nàng dâu phố cổ:
Đêm nay là đêm tân hôn.
Đêm nay là đêm thấm thía nhất cái cảnh "ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó"
mà lão chồng mình ngày xưa vẫn nghêu ngao hát lúc tán nhau. Hồi ấy cứ
nghĩ lão hát thế cho có vẻ phong trần lãng mạn, hai đứa đi chơi, anh chỉ
vào ngõ bảo: "nhà anh trong ấy", mình
biết thế thôi chứ chẳng đòi vào, gặp bố mẹ chồng tương lai cũng chỉ vẫy tay chào ngoài ngõ, ai mà lường được nhà nhỏ nhường ấy.
Đang
ở nhà bố mẹ ở quê vườn rộng bát ngát, khi lên Hà Nội cũng ở phòng trọ
hai mấy mét vuông, mình tí ngất khi nhìn cơ ngơi 6m2 nhà chồng. Ở dưới
nhà, bố chồng trải chiếu nằm ngủ gần cửa ra vào.
Mẹ chồng ngủ ngay sát tủ đựng quần áo và cái ti vi. Còn mình và chồng
được "ưu tiên" cho nằm trên cái gác xép thấp thảm hại, thấp đến mức leo
lên phải bò vào chứ không thể ngồi. Hai đứa nằm bẹp cạnh nhau, lão chồng
cười hi hí, choàng tay qua ôm vợ định tâm
sự đôi câu thì cái sàn "phòng tân hôn" làm bằng cốt ép kêu cọt cà cọt
kẹt. Thôi thế là bật cười, nín thở quay sang ngắm nhau. Chồng bảo: "Để hôm khác anh bù..."
Có một khoảng không gian để vợ
chồng trẻ "yêu" nhau là chuyện không dễ ở phố cổ - nơi nhà ai cũng chật.
Cái gác xép tự dưng rung lên bần bật. Mình đang thiu thiu ngủ, cứ
tưởng động đất, theo phản xạ bật phắt dậy định chạy, cộc đầu luôn vào
tường. Chồng vội vàng kéo tay bảo nằm xuống, chỉ là ôtô
đi qua thôi mà.
Mình dỗ mãi mới chợp mắt được một tí thì đã nghe í ới tiếng nói
chuyện ồn ào, mặc cả mua bán gì đấy. Giật mình nhìn đồng hồ, mới 4 giờ
sáng. Mình run cầm cập. Lay ông chồng dậy thì lão còn ngái
ngủ, bảo: "Đấy là tiếng của chợ bán buôn sớm, nhà mình gần chợ, ngay sát mặt đường nên em nghe rõ thế thôi".
Lúc này thì mình buồn đi vệ sinh quá, định tụt xuống nhà giải
quyết nỗi buồn, thì nhòm thấy bố chồng đang ngủ say, chân tay chắn lối
cửa ra vào. Nhà chồng không có vệ sinh riêng, mà đi ở ngoài
chung với cả khu, giờ mà xuống, vớ vẩn giẫm phải bố chồng, thế là mình
đành nằm yên, nín thở chờ đến sáng.
Hôm nay có việc quan trọng ở cơ quan, mình đặt báo thức dậy sớm,
tranh thủ đi vệ sinh, tắm rửa trước, đỡ phải xếp hàng. Ở khu này, 8 - 9
gia đình chung nhau một cái xí xổm và một cái nhà tắm
ở đầu hồi, sáng sáng xếp hàng đi vệ sinh, đánh răng rửa mặt, tắm táp
đông hơn xem hội. Bọn trẻ con và người đi làm giờ hành chính được ưu
tiên, nhưng có khi mình phải đợi gần tiếng mới đến lượt vào trong, mà
vừa vào đã thấy tiếng réo rắt bên ngoài giục ra.
Muốn thoải mái tắm rửa, đi vệ sinh? Phải dậy thật sớm, hoặc tranh thủ đêm muộn.
Sáng nay vội đi, mình quên mất hợp đồng đã hẹn ký với đối tác ở
nhà. Trưa, mình tranh thủ tạt về lấy. Hồn nhiên đẩy cửa vào, mình giật
nảy khi thấy bố mẹ chồng đang... tình cảm. Mình "ối" một
tiếng rồi vội đóng cửa đứng bên ngoài đợi. Một lúc sau, ông bà ra, đi
thẳng ra ngoài không liếc nhìn mình một cái, còn mình lí nhí: "Con về lấy giấy tờ".
Mình ngượng quá, sau vụ này chắc không dám nhìn ông bà cả tháng
mất. Nghĩ cũng thương, mới gần 50 chứ đã già lắm đâu, chắc buổi đêm có
vợ chồng mình, ông bà cũng ngại. Vợ chồng mình cũng khác
gì đâu, cưới nhau cả năm, những lần yêu trong nhà đếm được trên đầu
ngón tay, còn toàn hẹn hò ăn trưa, rồi dẫn nhau ra nhà nghỉ gần cơ quan
hai đứa.
Có những nhà như thế này, 5m2 được chia thành 2 khu cho 2 cặp đôi, và chuyện yêu cũng phải giữ ý.
Mình mang bầu. Nhạy cảm kinh khủng với mùi. Đã nghén không ăn được
thì chớ, trời nóng như lò thiêu, tối tối lại bị tra tấn bởi mùi xú uế
từ dãy
nhà
vệ sinh tập thể bốc ra. Chồng phải mua 2 cái quạt con bắt
vào gác xép, bật liên tục cả ngày lẫn đêm, tối mình mới chợp mắt nổi một
tí. Chuyện cơm nước thì chán hẳn, mình không thể nấu cơm nổi với cái
bếp để ngay lối đi, sát nhà vệ sinh nữa, mùi
thức ăn và mùi khai nồng quện vào nhau xộc thẳng vào mũi, mình nôn liên
tục. Thành thử cả ngày hai vợ chồng xách nhau đi ăn hàng, tối muộn mới
về ngủ.
Chỗ nấu nướng sát khu vệ sinh là chuyện dễ gặp ở phố cổ.
Mình đã khá nặng nề, nên mệt kinh hoàng mỗi khi lách qua con ngõ
nhỏ, tối tăm, ẩm thấp và sâu hun hút để vào nhà. Với mình, nó như một
đường hầm tối tăm dẫn tới mặt trái của sự hào nhoáng nơi
phố cổ, nếu không được thắp đèn cả ngày lẫn đêm, nó chẳng khác nào hầm
mỏ: bí bách, ngộp thở và tối đen. Hài nhất là sáng sáng, cứ đến giờ cao
điểm đi làm, đi học là cả xóm, từng người một phải xếp hàng dài để lần
lượt đi ra, xôm tụ chả kém lúc xếp hàng đi
vệ sinh là mấy.
Bình thường, cái ngõ đã bé chỉ vừa khít một chiếc xe máy, ai muốn
đi vào phải ngồi lên trên, hai chân "bơi" đẩy xe khỏi mắc kẹt hai bên
đường. Xe máy ở xóm này, vì thế toàn bị xước hai bên. Còn
mình, từ lâu đã xác định tháng mất thêm hơn trăm để gửi xe bên ngoài,
nhưng để lách được thân hình "gấu mẹ vĩ đại" vào nhà chẳng dễ dàng gì.
Những con ngõ phố cổ, chả hiểu ai xui, cứ bé tí teo chẳng lọt nổi hai thân người.
Mình sắp sinh con. Đề nghị chồng mua cái tủ lạnh và lò vi sóng để
ít hôm nữa mình nằm ổ, không thể ra ngoài ăn hàng thì ai đó nấu sẵn đồ
ăn, để vào tủ rồi hâm lại cho tiện. Hai vợ chồng bàn tính
mãi, nâng lên đặt xuống mới quyết định mua một cái tủ 210 lít, vì to
quá chẳng có chỗ để. Cái lò vi sóng thì đơn giản, ôm vào là xong, nhưng
đến lúc khiêng tủ lạnh thì đúng là ác mộng. Chồng mình phải nói khó, nhờ
những nhà mặt đường cho khiêng lên tầng thượng,
rồi vần cái tủ từ tầng thượng nhà này sang nhà khác, chật vật lắm mới
nhồi được vào nhà.
Mình tự dưng thấy tủi thân, nghĩ đến đứa bé sắp sinh ra trong chật
chội, tù túng, cả ngày có khi khó thấy ánh mặt trời, rồi lớn lên phải
ăn, học, chơi ngoài đường ngoài ngõ như bọn trẻ trong
xóm, rơm rớm nước mắt khóc. Chồng dỗ: "Thôi cứ ở đây đến khi con đầy tháng, rồi hai mẹ con về ngoại ít hôm".
Mình sinh bé, họ hàng đến thăm chẳng có chỗ tiếp khách, chồng mình
mời mọi người ngồi quán cà phê, dắt lần lượt từng người vào thăm. Có
người chúc: "Mấy năm nữa đẻ thêm thằng cu cho có nếp
có tẻ", ông bà nội cười bảo: "Chật chội thế này chắc chỉ đẻ 1 đứa thôi. Đẻ con trai làm gì cho khổ, sau lấy nhà đâu mà cho vợ con nó ở", nghe chí lý mà sao vẫn xót xa.
Mẹ mình lên chăm con đẻ, xót xa nhìn cảnh nhà con rể, mang tiếng
giai phố cổ tất đất tấc vàng, mà cái nhà đúng nghĩa chỉ là chỗ chui ra
chui vào. Bà phải thuê trọ gần nhà mình, ngày ngày nấu
nướng rồi mang cơm nước sang, đưa cả quần áo của con gái và cháu sang
nhà trọ giặt giũ, phơi phóng cho có ánh nắng, không thì mốc hết người
ra. Mẹ bảo: "Ít hôm nữa về ngoại. Ở đến lúc con cứng cáp hãy lên, nhưng tìm chỗ khác xa xa một tí mà ở con ạ, chả
cần cái tiếng ở phố cổ đâu!".
Hôm nay, chồng mình đã xin phép bố mẹ cho gia đình mình thuê nhà
ra ở riêng. Đồ đạc không nhiều, nhưng dọn cũng khá mệt vì phải bê từ
trong ngõ ra ngoài đường, chỗ xe ba gác đỗ. Vất vả nhất vẫn
là cái tủ lạnh, lại bê lên tầng thượng cá nhà, rồi kéo dây thả xuống
nhờ nhà có cửa hàng mặt tiền.
Mấy người đang bê thì trong ngõ dậy lên tiếng khóc, người nhà một
ông cụ trong ngõ chạy ra dẹp đường để một người khác cõng ông cụ ra đầu
ngõ đợi xe cấp cứu. Hàng xóm ngó ra, chúc ông khỏe để
trở về. Cũng có người chép miệng: "Sống trong nhà phố cổ, muốn chết
trong nhà cũng không được. Chật chội thế này, đưa quan tài vào ngõ thế
nào. Cụ nào bệnh tật, con cháu cũng phải cố cõng ra ngoài đón xe cấp
cứu, chứ cáng cũng không vào được."
Ngõ như những đường hầm, mà bên ngoài và bên trong là hai thế giới xa lạ.
Xe cấp cứu vừa đi, một xe khác lại đến, nhưng lần này là xe chở
phông rạp đám cưới. Ngày mai, hàng xóm nhà mình cưới vợ cho con. Cỗ bàn
thì đặt nhà hàng, nhưng chỗ làm lễ, tiếp khách thì dựng
rạp ngay ngoài đường cho rộng rãi. Ở ngõ sắp có thêm một nàng dâu. Mình
chuyển nhà rồi, nếu không, hai chị em thể nào cũng có nhiều chuyện bi
hài để kể nhau nghe, về trải nghiệm làm dâu phố cổ, oai đấy, mà cũng khổ
đấy!
(Ghi lại từ lời kể của 1 nàng dâu ở phố cổ)