Trang

30/07/2021

HOA SEN Vô nhiễm

 Hoa sen là một loài hoa thân thảo, với củ sen được vùi dưới bùn đất, nảy mầm, mọc xuyên qua nước và nở hoa, ra lá ngay trên mặt hồ. Hoa sen không hề bị hút mật bởi các loài ong bướm mà có thể tồn tại riêng biệt từ lúc hoa nở cho đến khi hoa tàn.

Ái Liên Thuyết của nhà Nho đời Tống Chu Đôn Di, Trong bài văn nói về nguyên nhân mà ông yêu thích hoa sen, vì hoa sen mọc nơi bùn lầy mà không nhiễm, đẹp trong sáng mà không yêu mị, còn thân sen trong thông suốt bên ngoài ngay thẳng không bám leo không nhiều cành, hương thơm từ xa càng thanh tịnh chỉ có thể nhìn xa mà không thể bỡn cợt, có phong thái của người quân tử. 

“Hoa của thảo mọc trên bờ dưới nước, có nhiều loại để yêu thích. Đào Uyên Minh đời Tấn chỉ yêu hoa cúc, từ thời Đường người đời lại rất yêu mẫu đơn, còn ta chỉ yêu hoa sen vì hoa sen sinh ra từ bùn lầy mà không nhiễm, trong sạch thanh thoát mà không lòe loẹt, bên trong thông suốt bên ngoài thẳng thắn, không rườm rà, hương thơm tỏa ra xa mà nhẹ nhàng, mọc thẳng vút cao mà trong sạch, có thể ngắm từ xa mà không thể khinh nhờn chơi đùa”.

Ông dùng hoa cúc để tượng trung cho ẩn sĩ, dùng mẫu đơn để ví về người giàu sang còn dùng hoa sen để tượng trưng cho người quân tử. Các văn nhân nhã sĩ của Trung Quốc gọi hoa sen là quân tử trong các loài hoa.

Thân sen ngay thẳng từ bùn mà vươn cao khỏi mặt nước, nở hoa tỏa sáng cả một vùng. Khác chi người tu hành cũng phải sửa thân và tâm cho ngay thẳng, “trực tâm tức thị đạo tràng“ – nghĩa là giữ tâm ngay thẳng thì dù ở nơi chợ búa ồn ào cũng vẫn thấy như thành đạo tràng thanh tịnh. 

Hoa sen tuy thân ngay thẳng nhưng ruột thì trống rỗng. Người tu Phật dù thấy nhiều, nghe nhiều nhưng không để ở trong lòng, tâm vô vi thanh tĩnh an nhiên trước mọi thị phi, phiền lụy người đời. Kinh Phật thường dùng hoa sen để ví với các vị Thánh, Phật và Bồ Tát tuy sinh nơi thế gian uế tạp nhưng vô nhiễm với bụi phàm.

Vẻ đẹp trong ngần, làn hương thanh tao ấy, lạ thay lại sinh ra từ bùn đất. Hoa sen thanh thuần trên mặt nước như bạc thánh giả đã siêu xuất khỏi thế gian ô trọc. Người tu luyện sống ở thế gian nhưng không dính mắc chấp trước danh lợi tình, trong xã hội người thường lắm điều xấu xa, vẫn giữ gìn giới luật, tu dưỡng phẩm hạnh, nên thân tâm thanh tịnh.

Hoa sen – Vô nhiễm. (Ảnh: Thanh Phong/ETV)

Sen nở nơi bùn lầy, người tu Phật đắc Đạo giữa nhân gian

Từ thời thượng cổ xa xưa, Kinh thi đã có ghi chép về hoa sen, ví dụ: Trên núi có Phù Tô, nơi ẩm thấp có hoa sen. (Sơn hữu phù tô, thấp hữu bà hoa)

Hoa sen không sinh trưởng nơi cao nguyên, mà lại sinh sôi ở chốn bùn lầy ẩm thấp, cũng như Phật Pháp truyền tại nơi thế gian phức tạp, ô nhiễm, bởi con người cần trải qua những khổ nạn mới thấu hiểu sự hư huyễn và vô thường của đời người, mà buông bỏ lòng tham luyến cõi trần, từ trong mê ải của nhân gian mới có thể giác ngộ ý nghĩa đời người là tu luyện đốn ngộ Phật lý, tỉnh thức quay trở về. 

Cũng như khi xưa Phật Thích Ca Mâu Ni phải rời bỏ chốn hoàng cung quyền quý mới có thể đi tìm Đạo, giác ngộ, tìm thấy con đường cứu vớt chúng sinh khỏi trầm luân phiền não. 

Người tu luyện chân chính cũng không cầu nơi đền cao phủ lớn tách biệt với thế tục, bởi tu luyện chính là giữa chốn người thường mà siêu xuất khỏi thường nhân. Tron khổ ải, phiền não của chúng sinh mới có thể giác ngộ, phản bổn quy chân, là con đường tu hành chân chính. Vậy nên Phật giảng rằng: người tu phải biết “lấy khổ làm vui”, trong khổ nạn mà tiêu nghiệp đã tạo ra từ bao đời bao kiếp, trong khổ nạn mới minh chứng đức tin vào Phật Pháp. 

Bao nhiêu bậc Thánh giả, khi đến thế gian, giảng Phật Pháp và dẫn dắt con người tu luyện để thoát khổ, đều bị con người cười nhạo, bài xích thậm chí còn bức hại vùi dập. Con người luôn truy cầu được hạnh phúc sung sướng ở nơi thế gian, vậy tại sao Phật lại giảng, con người phải chịu khổ mới có thể tu luyện. Bởi rằng, nếu thế gian toàn chuyện vui vẻ mãn ý thì ai còn muốn tu luyện, nữa, chẳng phải trần thế chính là thiên đường rồi sao. 

Con người trong mê không thấu được Pháp Lý, nên mê mải truy cầu danh lợi để thỏa mãn hạnh phúc nơi thế gian, mà quên mất đường về thiên quốc. “Nhân Liên hoa” được nhắc đến trong Kinh Phật để ví với sự khai mở tâm liên của chúng sinh, tức là người giác ngộ.

Hoa sen cũng không nở vào mùa Xuân mà lại nở vào mùa Hạ, là mùa nóng bức nhất trong một năm. Hoa sen không chọn mùa thời tiết thuận lợi hay hoàn cảnh trong sạch để sinh trưởng. 

Các bậc Thánh giả thường hạ thế cứu độ chúng sinh khi xã hội suy bại, rối loạn, con người chìm đắm trong dục vọng, mà chất chồng nghiệp lực, đầy phiền não, oi bức ngột ngạt như nắng nóng mùa hè. Chính Pháp được truyền ra trong hoàn cảnh đó, như sen nở giữa hạ, hương thơm trong mát như mang lại thứ nước cam lộ từ bi để tưới làm mát dịu tâm hồn người. 

Đan Thư

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.