Trang

01/06/2023

Tôi Cưới Vợ (Tiếp theo)

Hình minh họa

 Thế là chậm lắm khoảng một tuần, mươi ngày tôi đều đến thăm nhạc gia, nhạc mẫu. Ba mẹ vợ tôi đều nhân hậu, nghiêm khắc với con cái nhưng xem chừng “dễ” với thằng rể tương lai.

Trước khi đi, ba tôi dặn: “Con đến đó thấy cái gì làm được thì làm, chứ đừng lấy mắt ngó là không được! Ngày xưa trước khi cưới, phải làm rể ba năm: Chẻ củi, vác lúa, cày bừa, làm đủ thứ nặng nhọc, chứ chẳng phải chơi đâu!”

Nhưng tôi biết cái gì mà làm, mà phụ? Lần đầu đến, tôi thấy ba vợ tôi đang chài cá, thấy tôi sựng rựng, ông hiểu ý, nói:

– Con đứng chơi, ba vãi vài chài nữa ba vô.

Thế coi sao được! Đợi mỗi khi ba kéo chài lên, tôi phụ gỡ cá, mà có được đâu! Tôi đụng tới con nào thì con ấy giãy rồn rột, rách cả tay, có khi phóng lại xuống mương; trong lúc ông bỏ vào giỏ lia lịa như bỏ đá vào vậy!

Một lần thì thấy ông đang chiết nhánh cây, cái nầy tôi càng mù tịt, nhưng cũng có việc làm là… đưa dây cho ba tôi cột “bầu”; cái công việc không cần người phụ tá!

Ba vợ tôi rất điệu đời, ông thường bảo vợ tôi dắt tôi ra vườn xem có “cái gì nó thích thì hái nó ăn.” Tôi biết ba tạo điều kiện cho chúng tôi chuyện trò. Ông dư hiểu, bởi nói tiếng là thăm cha mẹ vợ, nhưng chủ yếu của chàng rể tương lai nào cũng là thăm… vợ cho đở nhớ mà thôi.

Nếu không, tại sao mỗi lần đến thăm mà cha mẹ vợ đi vắng thì chàng rể lại hớn hở trong lòng!?

Vườn nhà vợ tôi đủ loại cây nên có trái quanh năm, chúng chen chút nhau nên chỉ cách hơn mười thước là không thấy dáng người. Tôi có cảm tưởng như hoàng tử gặp công chúa trong rừng vậy! Đến hàng dừa tơ, quày ôn trĩu trái màu vang rực, sai oằn đụng tới mép mương, Vi đưa tôi dao, bảo:

– Chặt dừa uống nhé!

– Trái nào đây?

– Thì tùy chọn.

Khổ sở lắm tôi mới đem được hai trái dừa rời quày được. Dùng dao chặt phần đầu có cuống. Dao bén ngót mà tôi phạt năm bảy nhát liền mà vỏ dừa chỉ dập dập, trầy trầy, tung mấy miếng văm! Vi cười khoe hai hàm răng đều như hạt bắp:

– Để nô tì giúp cho, thưa công tử!

Dành lấy dao, Vi chỉ phập ba nhát nhẹ nhàng mà vỏ dừa tách ra từng mảng lớn, nhát thứ tư, nhẹ hơn, chạm vào gáo, Vi thuần thục lách nhẹ lưỡi dao, để lộ phần “cái” trắng bóc mịn màng, bao quanh phần nước sóng sánh trong veo! Một tay đưa dừa cho tôi, tay kia chỉ chỉ vào trái dừa bảo:

– Chặt dừa phải chặt đầu lớn nầy nầy, Lưỡi dao phải để hơi xiêng. Ai đời ở trên bổ xuống… 90 độ. Làm sao đứt được?

Lợi dụng tôi nắm lấy cổ tay tròn trịa mịn màng của Vi, ghé mũi xuống hít một hơi dài. Vi vẫn để yên nhưng bặm môi:

– Có thấy con dao ở đây không thì bảo?

Rồi cùng cười, tôi hít mũi chọc:

– Còn ngọt hơn cả nước dừa!

Đến địa phận chuyên canh sầu riêng. Ôi! Hàng hàng thẳng tắp. Không biết cơ man nào là trái đậu trên cành! Toòng teng nhỏ to đủ cở, lủng la, lủng lẳng tầng thấp tầng cao, xem vô cùng ngoạn mục. Tôi hỏi:

– Nghe nói sầu riêng chỉ rụng về đêm, phải không?

– Sao lạ vậy?

– Thì… trời khiến để đừng bể đầu người!

Vi cười ngoặt ngoẽo:

– Sao trái dừa vẫn rụng ban ngày? Bộ trái dừa không làm bể được đầu người? Chủ vườn nói vậy để cho mấy thằng ăn trộm không dám lẻn vào đó thôi!

Rồi chỉ vào phía trước, bảo:

– Có hai trái rụng kìa! Anh lại lượm đi! Coi chừng nó “bịch” một cái là hết có vợ đo..o..ó!

Tôi nhìn lên, thấy hàng trăm trái lòng thòng, gai tua tủa, giống như những quả chùy của các võ tướng ngày xưa. Nói dại, nếu nó mà”phịch” xuống một cái như lời Vi nói thì dù không bể đầu, thì mặt mũi chắc cũng khó coi! Dợm chạy đi, bỗng luồng gió quái ác từ đâu lùa tới, bèn chột dạ, tôi dừng lại. Vi cười ngất:

– Coi vậy mà cũng sợ mất vợ hén!

Tôi chữa thẹn:

– Vậy chớ vợ như Tây Thi thì chết sao đành!

Má Vi càng đỏ thêm, nắm tay lại giá giá vào tôi:

– Cái tật nịnh…

Tôi vừa đặt hai trái sầu riêng xuống thì Vi bảo:

– Tách ra đi!

Nói đoạn lại bờ rào tìm hái những nhánh bông. tôi lui cui lấy dao chặt phình phịch vào đầu lớn trái sầu riêng, dao cũng để xiêng một góc mà xem ra vỏ sầu riêng còn dai hơn cả vỏ dừa. Thật tình, sầu riêng tôi ăn có hàng trăm nhưng mỗi lần đều được mẹ bóc sẵn bỏ vào tủ lạnh, nên có biết gì đâu!

Tôi lật qua, lật lại, chợt nhớ tới cái vỏ sầu riêng mẹ bóc xong đâu có trầy trụa, hay mất một góc đàng đầu trái, mà xem ra nó còn nguyên vẹn giống như một chiếc xuồng! Tôi sửa lại rồi dùng dao bổ theo chiều dọc, cũng chẳng ăn thua! Mệt, tôi định gọi cầu cứu, thì Vi đã đứng sát bên tôi bụm miệng cười tự lúc nào…

Rõ ràng là Vi biết tôi không làm được mà cố chọc chơi! Bèn ngồi xuống, lấy dao, vừa làm vừa dạy đời:

– Hồi nãy em bảo công tử “tách” ra chứ có bảo “chặt” đâu mà làm như bửa củi vậy? Đây nè, chỗ nầy lúc nào cũng có một khe hở. Chỉ cần để mũi dao vào đây rồi dùng đòn bẩy “Ạc Shi Mét” là xong. Làm rể kiểu nầy mất vợ như chơi.

Tôi bá lấy cổ Vi:

– Giỏi quá, để anh thưởng cho một cái.

Vi nhắm mắt, lắc đầu quầy quậy:

– H..ô..ông..!

Đợi khi tôi “chụt” xong, Vi mới mở mắt ra, chỉ tay vào vỏ sầu riêng, nói:

– Cái vỏ sầu riêng nầy mà vô mặt thì còn hơn té thùng đinh nữa đó!

Lần nào cũng có chuyện tương tự như vậy, thử hỏi sao tôi không khoái về thăm… ông bà nhạc?

Gần tới ngày cưới, tội nghiệp Vi gầy thấy rõ. Sau nầy tôi mới biết, là con gái trưởng trong gia đình, Vi lo lắng sắp xếp mọi thứ, lại nghĩ tới ngày theo chồng, xa mẹ bỏ em nên đủ thứ tình cảm ray rức trong lòng. Vậy mà trò chuyện với tôi một hồi, mặt hoa lại rạng rỡ, nói nhỏ cho tôi vừa nghe, như một chuyện gì quan trong lắm:

– Làm rể mà lỏng nhỏng không động móng tay, cứ đeo sát con gái người ta hoài không sợ bà con họ nói sao?

Ba vợ tôi thường bảo tôi: “Con ở chợ không quen việc ở vườn. Con cứ về thăm, khỏi làm gì hết, đừng ngại, cứ coi như ở nhà con.”

Tôi đem lời nầy nói cho vợ nghe, rồi châm thêm:

– Vậy chứ anh có việc gì để làm?

– Em chỉ cho. Gần tới ngày cưới rồi, phải có củi để nấu chứ! Hay là anh chịu khó ra chẻ một mớ….

– Ở đâu?

Vi chỉ tay về một hàng củi được chất ngay ngắn từng ô một, dài chừng… vài chục mét, khúc nào khúc nấy cở bắp đùi… voi. Tôi chột dạ:

– Chẻ hết sao?

Vi làm mặt nghiêm:

– Ừa!… Thì tới đâu hay tới đó! Ngày còn dài mà!….

Tôi xách búa đi mà tác phong rời rã như Hạng Võ tại bến Ô Giang! Nhưng muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn cưới được vợ thì phải bửa củi, cày bừa… Thì ra lời ba tôi nói chẳng sai, bằng chứng là tôi cũng không ngoại lệ!

Tôi cởi áo sơ mi máng trên cành bưởi, còn lại chiếc áo thun ba lỗ trắng tinh, vốn là “mô đen” của con nhà giàu mới có áo lót bên trong. Dù là “công tử,” nhưng tôi thường tập tạ nên bắp thịt coi cũng ngon lành.

Tôi đếm thầm: Một, hai, “phập!”; một, hai “phập!” Có cái “phập” làm củi vỡ ra, có cái “phập” thì búa lại dính khắn vào củi, gỡ ra cũng tróc vải trầy vi! Khi độ mệt đã choáng váng mặt mày, nhưng còn đủ để nhận được tiếng ông nhạc ở sau lưng:

– Bây làm cái gì vậy?

Tôi quay lại chào ông bà vừa đi xóm về, rồi trả lời với giọng điệu của người vừa lập nên công trạng:

– Dạ, vợ con biểu chẻ củi để khi đám cưới có mà xài!

– Thôi, thôi! Bây “bị” nó rồi! Đi vô! Đi vô uống nước con!

– Dạ, để con chẻ thêm một mớ nữa, ba!

– Củi nầy ba để bán cho lò bánh mì, đâu cần chẻ! Còn củi dùng cho đám cưới thì để trong nhà kho kia, có xài mười đám cũng không hết!

Bà nhạc lắc đầu:

– Cái con nhỏ nầy…

Vào nhà bà nhạc rầy Vi:

– Chồng của mầy nó không quen làm việc nặng. Xúi dại rũi nó trợt chân trợt cẳng thì sao?

Bà nhạc dùng tiếng “chồng mầy” tôi thấy ấm áp lạ lùng! Còn vợ tôi thì chúm chím cười, còn liếc qua tôi với ánh mắt còn bén hơn… lưỡi búa, lại chu đôi môi đỏ ao chế nhạo.

Thế là bao mệt mỏi trong tôi biến mất tiêu!

Phải nói trong đời thường, về sự thông minh, lúc nào vợ cũng hơn tôi một phép. Khi về làm dâu vợ tôi đã chứng minh đầy đủ điều đó. Ngoài sự hiếu thảo với cha mẹ chồng, vợ tôi còn nhiều đức tính như hân hậu, cần kiệm…

Thuở đó, ở thành phố “nhà giàu” mới có tủ lạnh (ti vi chưa có), còn dưới quê thì tuyệt đối không, bởi có điện đâu mà xài! Nên những ngày đầu, tủ lạnh đối với vợ tôi là một phát minh khoa học lớn lao, nó đủ công năng, nên có cái gì cũng “thồn” vô trong đó. Có lần mẹ tôi mở tủ lạnh, rồi nói với vợ tôi:

– Tô mắm nêm nầy, con đừng có để vào đây, nếu không tất cả cái gì trong nầy đều có mùi mắm nêm hết.

Chỉ chờ có dịp nầy, tôi cười hí hí:

– Trái cây mà có mùi mắm nêm ăn càng ngon chứ sao mẹ?

Mẹ cười, còn vợ tôi cứ đem cái sở trường là bắn nửa mắt vào tôi.

Tôi khoái chí, nói theo kiểu đá banh thì “gỡ” được một, nhưng dường như chỉ có một mà thôi!

Khi con chúng tôi đã lớn, tuổi có thể về quê thăm ngoại một mình, thế mà một tối cả nhà xem “ti vi,” không phải nhằm đoạn hài mà vợ tôi cười ngất. Con hỏi, “sao tự nhiên mẹ cười?” Một lát vợ tôi mới trả lời được:

– Mẹ thấy bộ tướng ông thái giám đứng khúm núm kia giống “mấy thằng cha” lần đầu coi mắt vợ quá! Hi! Hi!

Biết bị xỏ ngọt nhưng tôi biết gì hơn ngoài làm…thinh! May sao đến chương trình quảng cáo, quảng cáo tủ lạnh, tôi nói tỉnh bơ:

– Tủ lạnh đời mới coi bộ tốt à nghen! Nó tự khử mùi, dù “mấy con mẹ” ở vườn có để mắm nêm vô đó cũng không sợ hôi. Ha! Ha!…

Tức thì vành tai tôi bị kéo ra cả thước, tiếp theo là một giọng tru tréo, muốn nổi da gà:

– Trời..u.u..i! Chuyện cũ nhắc hoài! Nhắc hoài!

Vậy đó, “chuyện xưa” thì vợ tội nhắc được, còn “chuyện cũ” tôi nhắc thì như bị muốn nhai xương!

Có vợ miệt vườn, miệt quê là vậy đó!

Thái Quốc Mưu

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.