Trang

20/06/2023

Một Sự Bất Tín, Vạn Sự Bất Tin


 Trong đời sống hàng ngày, chữ tín quan trọng hơn mạng sống của mình. Khi mình hứa với ai điều gì phải giữ lời hứa, nếu thất hứa thì sau này mình nói bất cứ điều gì không ai tin mình. Ở trong gia đình hay ngoài xã hội cũng thế, nên thận trọng, làm được thì nói, không làm được tốt nhất là đừng nói. Nói nhiều quá mà không làm kể như xong cuộc đời. Sống ở đời mà gia đình mình, bằng hữu của mình không ai tin mình thì sống như chết, đời sống cũng bỏ đi.

Hồi nhỏ, trẻ con sống trong sự dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, lớn lên đi học nhờ sự giáo dục của thầy cô. Sự giáo dục của gia đình và trường học ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của mỗi người. Nếu nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình và nhà trường thì sau này sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội.

"Một sự bất tín, vạn sự bất tin", ông bà mình thường nói như thế. Một lần thất tín, nói không giữ lời thì vạn lần người ta không tin. Chữ tín vô cùng quan trọng, tiền đến rồi tiền đi, ở xứ Mỹ làm ra tiền không khó, ai cũng có thể làm ra tiền, nhưng phải có chữ tín, mất chữ tín là mất tất cả. Có người nói mất tình yêu là mất tất cả nhưng theo tôi người đến rồi người đi là bình thường, nhưng chữ tín vô cùng quan trọng, mất chữ tín là mất tất cả. Thời xưa, ông bà mình thường dạy con cháu hãy xem trọng chữ tín hơn cả tánh mạng của mình. Mình hứa với ai phải giữ đúng lời hứa, hứa gặp ai cũng phải đúng giờ. Tôi rất phục những người giữ chữ tín, hứa làm điều gì phải thực hiện cho bằng được, hứa gặp ai phải đến đúng giờ, đến trước giờ hẹn. Chúng tôi nhớ ngày xưa học ở Úc, nghỉ hè chuẩn bị về nước, cô giáo dễ thương của chúng tôi mời đến nhà ăn tiệc chia tay. Vừa ngừng xe trước nhà cô giáo, chúng tôi thấy có 1 người Nhật học cùng lớp chúng tôi ở phòng thí nghiệm đang đứng trước nhà. Tôi hỏi:

- Sao ông không vào nhà cô giáo?

Người Nhật trả lời:

- Tôi đến trước giờ, tôi đợi còn 5 phút nữa tôi sẽ vào là đúng giờ.

Người Nhật rất giữ chữ tín, hứa điều gì thì làm điều đó. Cách chào hỏi của họ cũng rất dễ thương, cúi đầu thật thấp với cô giáo. Họ rất lễ phép và tôn trọng thầy cô giáo của mình, với bằng hữu cũng vậy. Người sinh viên Nhật này là con của người em Nhật Hoàng hiện tại, được giáo dục từ nhỏ, thuộc dòng dõi Hoàng gia Nhật nên cung cách của vua chúa có khác?

Từ nhỏ tôi đã được gia đình và cô giáo huấn luyện phải đúng hẹn đã quen rồi, cho nên thấy ai xem thường chữ tín, một lần, hai lần, sau đó tôi sẽ không giao thiệp nữa. Làm việc trong hội từ thiện quốc tế lâu năm, người già, người trẻ trong Hướng Đạo, hay các hội từ thiện quốc tế đều giữ chữ tín, nói việc gì với ai đều phải ghi chép trong sổ hẹn để còn nhớ. Trong những lớp huấn luyện chuyên viên địa ốc cũng vậy, tôi thường khuyên các chuyên viên của tôi phải hết sức thận trọng lời nói của mình. Nói chuyện với ai phải ngồi xuống bàn, phải ghi chép cẩn thận, nhất là những lời hứa của mình. Chỉ cần trễ hẹn một lần là mất khách hàng, chỉ cần trễ hẹn vài lần là mất bằng hữu, nhất là hứa giúp ai việc gì là phải thực hiện cho bằng được.


Nhiều người than phiền với tôi:

- Sao ở đất này họ hứa nhiều thế?

Hứa lèo, hứa rồi không làm, hứa rồi biến mất. Bây giờ thực tế lắm chứ không lãng mạn như ngày xưa:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân...
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách- cố nhiên! - nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về...

( Ngập ngừng- Hồ Dzếnh)

Bây giờ hẹn mà không tới thì đừng nhìn mặt nhau, hẹn là phải tới, không tới được thì phải gọi điện xin lỗi, nhắn tin hoặc viết email xin lỗi vì có việc không tới được.

Người làm thương mại chữ tín phải trên hết, hơn cả sinh mạng của mình, thất tín vài ba lần kể như tiêu cuộc đời, đừng hứa nhiều quá mà không làm được. Nhiều người làm thương mại mà hứa không giữ lời.. sớm muộn gì cũng bỏ nghề, và cũng không ai muốn giao thiệp với người có bệnh hứa mà không làm.


Làm thương mại, chữ tín vô cùng quan trọng. Sự đúng giờ, đúng hẹn với khách hàng quyết định sự thành công của người kinh doanh. Chỉ cần đến trễ hẹn thì mất khách hàng, mất tiền bạc. Tiền có thể làm ra được nhưng mất tín nhiệm với người khác là mất tất cả. Mất bạn bè, mất khách hàng, rồi người này đồn đến người kia, cuối cùng mình chỉ còn lại một mình, không ai giao thiệp với mình nữa.

Ở bất cứ nước nào, đừng hứa nhiều mà không làm thì dễ dàng thành công ở thương trường, và đừng nói nhiều, nói đủ để người nghe khỏi chán, nhất là đừng nói về mình, lắng nghe nhiều càng tốt. Người biết lắng nghe và hiểu người khác thì dễ thành công hơn, nhưng ở đời này có được bao nhiêu người biết điều này. Học ở trường, người nào cũng học giống nhau nhưng khi thực hành có ai làm được những gì thầy cô đã dạy mình?

Người nói nhiều mà không có kiến thức, nói thiên thu bất tận rồi không biết mình nói thứ gì? Nói nhiều là bệnh cô đơn, nói như chưa bao giờ được nói, có người còn lẩm bẩm một mình, thì nên đi bác sĩ để bác sĩ giải thích bệnh của mình như thế nào? Theo thống kê, người bệnh tâm thần ở xã hội này chiếm 20%, bệnh chưa tới độ trầm trọng phải nằm bệnh viện, nhưng nếu người bệnh biết mình bị bệnh, lo chạy chữa thì có thể khỏi, nhưng nếu để bệnh trầm trọng thì hết thuốc chữa.

Nhiều người họ hứa, hứa rất nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu. Tôi nhớ lâu lắm rồi, một cựu Bộ Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa có 1 cô em gái. Khi tôi hỏi thăm em gái của ông thì ông trả lời em của ông bình thường, sau đó tôi hỏi thăm em rể của ông thì ông nói em rể của ông hứa nhiều lắm nhưng chẳng làm bao nhiêu. Nói xong ông cười, rồi ông giải thích:

- Cô biết tại sao tôi nói em rể tôi họ hứa không? Chuyện là như thế này, trước khi cưới em gái tôi, em rể tôi nói: "Anh sẽ lo cho em hết cuộc đời này. Nếu em không thích đi làm thì em ở nhà đi học, mọi việc có anh lo." Thế rồi sau khi cưới em rể tôi (anh này cũng từng là luật sư), em gái tôi biết rằng chồng của mình nợ ngập đầu, nợ tín chỉ, nợ xe, nợ tiền học. Em gái tôi lo trả nợ cho chồng, phải làm thêm ngày thứ bảy, Chủ nhật và cả ngày lễ.


Cho nên người nào hứa nhiều quá quý vị đừng tin nhé. Người nào hứa nhiều thì cũng là người mắc bệnh, bệnh hứa, bệnh này rất khó trị, vì đã vào máu của họ rồi.

Người nào thường hay trễ hẹn, hứa rồi không đến, hứa làm việc gì đó rồi không làm, chỉ một lần thôi cũng đừng tin. Uy tín cần nhất trong cuộc sống, người không giữ được uy tín của mình kể như xong cuộc đời này. Sống trong xã hội mà không ai tin mình, kể cả ông bà, cha mẹ, anh chị em không tin mình, thì như người chết, sống thêm cũng vậy thôi.

Ông bà mình nói của rẻ là của bèo, hứa nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu? Cho nên khi nghe thiên hạ hứa nhiều quá thì đừng tin, nhất là vấn đề tình cảm. Tình cảm chân thật không thể sống vì lời hứa mà không bao giờ thực hiện. Anh sẽ yêu em suốt cuộc đời này, suốt đời này anh chỉ yêu mình em thôi. Từ từ rồi sẽ biết, vì không ai biết được ngày mai. Yêu thương thề non hẹn biển, sống chết có nhau, hỏi có bao nhiêu người giữ được lời thề? Sự thay đổi của con người trong tức khắc, cũng như sự sống của con người thấy đó rồi chết đó. Có bao nhiêu người sống lâu trăm tuổi, có bao nhiêu người giữ được lời hứa của mình, lòng người thay đổi nhanh lắm. Người nào có bệnh nói dối, nói láo, hứa lèo một lần thôi, thì không nên tin họ lần thứ hai.

Người nào có bệnh hứa, hứa nhiều mà làm chẳng bao nhiêu thì suốt đời không thể khá được. Tiền đến rồi tiền đi, nhưng những người ở xung quanh ta vẫn nhớ những lời hứa lèo của ta thì kể như tiêu cuộc đời. Nếu người nào rủi bị bệnh hứa thì nên đến bác sĩ tâm lý, chữa trị thế nào cũng sẽ khỏi nhưng phải kiên trì. Có bệnh thì phải chữa, tự mình chữa không được thì phải nhờ đến bác sĩ tâm thần, bác sĩ có kinh nghiệm sẽ tìm mọi cách để chữa trị cho bệnh nhân. Có người có bệnh hứa lèo, nhưng họ nói một cách tự nhiên như thật, đã nói là bệnh mà, người bị bệnh không biết mình bệnh, tội nghiệp thật?

Hãy để mọi người luôn tín nhiệm bạn.


Xin chúc những người bị bệnh hứa lèo sẽ chữa được bệnh để sống vui vẻ với người thân của mình. Nếu người nào biết người sống xung quanh mình đang mắc bệnh nói dối, hứa thật nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu thì nên khuyên họ đi bác sĩ, nếu để bệnh trầm trọng thì phiền lắm, phiền cho gia đình và phiền cho người xung quanh của mình.

Người nào mắc bệnh tâm thần hay bệnh ảo tưởng chỉ cần nói chuyện 5 phút là biết ngay, hy vọng bác sĩ tâm thần giúp người bệnh chữa bệnh.

Kiều Mỹ Duyên

Nguồn Văn Hóa Lạc Việt

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.