Trang

19/06/2023

Đài Loan: Phong trào MeToo lan rộng sau bộ phim truyền hình Netflix

Yêu cầu được giúp đỡ của một nhân viên chiến dịch trong bộ phim truyền hình Đài Loan Wave Makers (trong ảnh) đã truyền cảm hứng cho phụ nữ ngoài đời thực lên tiếng

Làn sóng tố cáo bị quấy rối và tấn công tình dục đang làm rúng động Đài Loan, sau khi một bộ phim trên Netflix được nhiều người cho rằng đã châm ngòi cho phong trào MeToo ở hòn đảo tự trị này.

Hơn 90 người đã lên tiếng trong hai tuần qua, tố cáo những kẻ tấn công tình dục trên khắp hòn đảo.

Các cáo buộc ban đầu tập trung vào giới chính trị và đảng Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền - nơi một số quan chức cấp cao đã từ chức.

Nhưng sau đó chúng đã lan rộng khắp xã hội Đài Loan, những người bị tố gồm các bác sĩ, giáo sư, trọng tài thể thao và người làm nội dung trên YouTube.

Hôm 10/6, một nhà ngoại giao Ba Lan đã bị một nhà nghiên cứu trong Viện chính sách cáo buộc tấn công tình dục.

Đối với nhiều phụ nữ, thời điểm lên tiếng này đã là quá muộn trong một xã hội Đài Loan được ca ngợi trên toàn cầu về nền chính trị tiến bộ và cam kết bình đẳng giới.

Tổng thống Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của hòn đảo, đã lên tiếng xin lỗi và cam kết cải cách.

"Trước đây chúng tôi chỉ gặp một số trường hợp quấy rối tình dục, nhưng chưa bao giờ ở mức độ nghiêm trọng như vậy", tiến sĩ Liu Wen, nhà bình luận xã hội từ Học viện Sinica của Đài Loan nói với BBC.

"Đây là lần đầu tiên rất nhiều vấn đề không phải bề nổi trong các ngành nghề khác nhau được phơi bày cùng một lúc."

Một phụ nữ ở độ tuổi 30 nói với BBC rằng cô cảm thấy có động lực để tìm kiếm công lý một lần nữa sau khi bị sếp của mình, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng, quấy rối tình dục.

Khi cô Tseng, không phải tên thật, lần đầu tiên tìm cách giải quyết vào năm ngoái, cô nói rằng cô đã bị ngăn cản và từ chối.

Nhưng khi lên tiếng trên mạng vào tuần trước, cô đã nhận được lời xin lỗi từ cơ quan làm việc và nhà hoạt động. Người đàn ông cũng từ chức, nói rằng ông ta xin lỗi vì một số hành vi của mình. Trong khi đó, hộp thư đến của cô chứa đầy tin nhắn từ những người phụ nữ khác chuyển tiếp những lời phàn nàn của họ về ông ta.

Cảm hứng từ màn ảnh

Một bộ phim truyền hình đã được cho là đã châm ngòi cho làn sóng cáo buộc quấy rối tình dục đầu tiên. Vào cuối tháng 4, bộ phim Wave Makers (Chính Trường Nổi Sóng), xoay quanh câu chuyện về các nhân viên chiến dịch đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống đã ra mắt trên Netflix.

Trong một phân cảnh giờ đây đã trở thành biểu tượng, một nữ phụ tá trẻ đi cùng với người hướng dẫn của mình - phát ngôn viên của đảng và cũng là nhân vật chính của bộ phim.

Cô ấy có dám tâm sự về sự quấy rối mà cô đã phải chịu đựng từ một đồng nghiệp nam, khi biết rằng một báo cáo công khai sẽ làm tổn hại đến vị thế của đảng và có thể là sự nghiệp của chính cô ấy?

Hsieh Ying-xuan (trái) là nhân vật chính trong phim, người ủng hộ nhân viên trẻ tố cáo hành vi quấy rối tình dục

Cô quyết định nói với người hướng dẫn. Người phụ nữ lớn tuổi lắng nghe và quyết định giúp đỡ.

"Chúng ta đừng bỏ qua chuyện này, ok," bà nói, gạt đi những lo lắng của nhân viên. "Chúng ta không thể để mọi chuyện diễn ra dễ dàng như vậy được. Nếu không chúng ta sẽ khô héo và chết mất."

Phân cảnh này đã được coi là lời kêu gọi rõ ràng cho phong trào MeToo hiện đang lan rộng khắp Đài Loan.

Vào ngày 31/5, một nhân viên cũ của đảng DPP đã viết một bài đăng trên Facebook, nhắc đến bộ phim.

"Chúng ta đừng bỏ qua chuyện này," Chen Chiemn-jou viết trước khi mô tả trải nghiệm bị quấy rối tình dục tại một sự kiện khi làm việc.

Khi báo cáo khiếu nại của mình, cô nói rằng cấp trên của cô - phụ trách các vấn đề phụ nữ của đảng - đã hỏi "Tại sao khi đó bạn không nói gì?", trước khi khuyên cô ấy nên chôn vùi tố cáo này đi.

Một làn sóng cáo buộc

Bài đăng của Chen kể từ đó đã gây chấn động Đài Loan và được chia sẻ hàng ngàn lần. Bài viết dường như đã thúc đẩy những người khác trong giới chính trị và những ngành nghề khác nói lên những trải nghiệm của họ về hành vi quấy rối và cách những bên có trách nhiệm phản ứng.

Sau tố cáo của Chen, một nữ nhân viên cũ khác của DPP cho biết người cấp trên nam của cô đã lăng mạ bằng lời nói và cản trở cô khiếu nại về hành vi quấy rối của một đồng nghiệp nam khác.

Một số quan chức cấp cao của DPP đã từ chức bao gồm Hsu Chia-tien, cấp trên trong trường hợp của Chen, người đã bị đảng đình chỉ công tác và Yen Chih-fa, cố vấn của tổng thống, người đã bác bỏ cáo buộc quấy rối tình dục của một nhà vận động. Cả Yen và Hsu đều không trả lời yêu cầu bình luận của BBC về các cáo buộc.

Đảng KMT đối lập cũng đối mặt với những cáo buộc. Tuần trước, một phóng viên cho biết nhà lập pháp Quốc dân đảng Fu Kun-chi đã cưỡng hôn cô tại một sự kiện báo chí vào năm 2014, cáo buộc bị Fu bác bỏ. Ông nhắc lại sự phủ nhận công khai của mình với BBC, nói rằng ông chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành vi quấy rối tình dục nào đối với phụ nữ hoặc cấp dưới.

Một ủy viên hội đồng Quốc dân Đảng cũng tố bị quấy rối bởi một nhân vật truyền thông nổi tiếng, người này sau đó đã xin lỗi về hành vi của mình, nói rằng anh ta đã say rượu và không nhớ gì về các sự kiện vào đêm được đề cập.

Hơn 90 trường hợp hiện đã được ghi lại trong cơ sở dữ liệu trực tuyến có nguồn gốc từ công chúng. Một số người đàn ông cao cấp nhất bị cáo buộc quấy rối tình dục bao gồm:

Thủ lĩnh cuộc biểu tình Thiên An Môn, Vương Đan: Một nhà hoạt động chính trị lưu vong và là cựu lãnh đạo sinh viên của các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 ở Trung Quốc. Ông ta đã bác bỏ cáo buộc tấn công tình dục từ hai người đàn ông trẻ tuổi. Một trong những người đàn ông đó, Lee Yuan-chun đã khởi kiện vào ngày 7/6 với cáo buộc bị ông Vương cưỡng hiếp trong phòng khách sạn vào năm 2014. Ông Vương đã từ chức giảng viên và cho biết ông sẽ từ Mỹ trở về Đài Loan để chống lại vụ kiện.

Nhà thơ lưu vong Bei Ling: Vào ngày 2/6, Chien Li-ying, một trong những người viết kịch bản của bộ phim Wave Makers, đã buộc tội nhà thơ nổi tiếng về hành vi tấn công tình dục. Cô cáo buộc ông ta đã sờ soạng và hôn cô tại nhà riêng. Ông này nói lời kể của cô là "bịa đặt" và nói rằng ông có một ký ức khác về cuộc gặp gỡ của họ, nói rằng nó diễn ra sau một tháng tán tỉnh.

Nhà ngoại giao Ba Lan Bartosz Ryś: Vào ngày 10/6, nhà nghiên cứu người Đài Loan của một viện chính sách Lai Yu-fen cáo buộc rằng cô đã bị ông ta tấn công tình dục vào năm ngoái, nhưng các công tố viên đã điều tra vụ việc và quyết định không buộc tội nhà ngoại giao này. Ông Ryś đã trả lời trên Twitter phủ nhận các cáo buộc. Ông cho biết các công tố viên đã xác định các cáo buộc không được chứng minh và bác bỏ vụ án. BBC không thể liên lạc trực tiếp với ông Ryś, người đã rời Đài Loan vào tháng 11/2022. Văn phòng Đài Bắc của Ba Lan cho biết họ cũng đã hợp tác với chính quyền Đài Loan trong vụ án vào năm ngoái và rằng "ông Ryś đã rời Đài Loan sau khi vấn đề được làm rõ". Họ nói rằng họ "phản đối mọi hình thức quấy rối".


Nhà hoạt động Vương Đan (trái) và nhà thơ Bei Ling là một trong số những người đàn ông nổi tiếng đã bác bỏ cáo buộc tấn công tình dục

Đã có những phản hồi gì?

Bình đẳng giới từng được coi là niềm tự hào ở Đài Loan - đặc biệt là so với nước láng giềng Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đề cao vai trò truyền thống của nam giới và gây áp lực buộc phụ nữ phải sinh nhiều con.

Không có người phụ nữ nào trong số lãnh đạo chính trị cấp cao ở Trung Quốc, trong khi Đài Loan đã được lãnh đạo bởi một phụ nữ trong gần một thập niên. Tỷ lệ nữ đại diện trong quốc hội Đài Loan là 43%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 29% do Liên minh Nghị viện trích dẫn.

Tổng thống Thái Anh Văn đã phản ứng nhanh chóng với các cáo buộc, xin lỗi hai lần về những thất bại của đảng của bà.

Tuần trước, bà tuyên bố rằng những người lên tiếng về quấy rối tình dục đều là nạn nhân, không phải kẻ gây rối và bà cảm ơn họ đã tiết lộ trải nghiệm của mình. “Xã hội của chúng ta nói chung phải giáo dục lại chính mình,” Tổng thống Đài Loan nói.

Phong trào MeToo đã lan rộng vào thời điểm quan trọng trong chính trị Đài Loan. Giống như trong bộ phim, hòn đảo này đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1/2024.

Một ngày sau bài đăng trên Facebook của nhân viên đầu tiên, chủ tịch và ứng cử viên của đảng DPP cho cuộc bầu cử vào tháng 1 năm sau, William Lai đã xin lỗi và yêu cầu xem xét lại cách đảng này xử lý các cáo buộc tấn công tình dục.

"Chúng ta sẽ không bỏ qua chuyện này như vậy," ông nói, lặp lại cụm từ trong bộ phim Wave Makers. Ông đã đề xuất một cuộc điều tra chính thức về các cáo buộc và cải cách để củng cố luật quấy rối tình dục.

Các nhà biên kịch của bộ phim đã nói rằng họ không bao giờ mong đợi phản ứng của công chúng như thế này. Trao đổi với BBC, họ nói rằng họ hy vọng rằng "thông qua ý tưởng về việc giải quyết nạn quấy rối tại nơi làm việc trong bộ phim truyền hình, mọi người có thể tìm thấy một ngôn ngữ chung để bày tỏ mong đợi của họ về cách xử lý những vấn đề như vậy".


Chien Li-ying, một trong những nhà biên kịch của bộ phim Wave Makers, cho biết cô đã bị nhà thơ Bei Ling tấn công tình dục khi cô đang học đại học

Các nhà quan sát cho biết, chắc chắn một sự tính toán đang được tiến hành, đồng thời cho biết thêm rằng đây là thời điểm quan trọng ở Đài Loan để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục và giới tính.

Nhưng đây cũng là khoảng thời gian khó khăn đối với nhiều nạn nhân, những người phải nhớ lại ký ức đau thương khi trò chuyện công khai. Nhiều người hoài nghi về những lời hứa cho sự thay đổi lâu dài.

Đối với cô Tseng, người phụ nữ đã nhận được lời xin lỗi vào tuần trước, cô rất biết ơn bộ phim đã mở ra câu chuyện.

Nhưng cảnh quan trọng của bộ phim là hỗ trợ và xác nhận - chứ không phải đàn áp - dường như vẫn là một điều viễn vông trong đời thực, cô nói.

"Khi xem bộ phim, tôi cảm thấy có một sự kết nối mạnh mẽ nhưng tôi không có người hướng dẫn hỗ trợ như những nhân vật trên màn ảnh, những người đấu tranh cho công lý," cô nói.

"Trong bộ phim, nữ lãnh đạo đảng cuối cùng đã xin lỗi và nói với các nạn nhân hãy đợi bà bắt kịp hành trình theo đuổi công lý của họ. Tuy nhiên, tôi không chắc liệu xã hội đã sẵn sàng đón nhận phong trào MeToo ở Đài Loan hay chưa."

 Tác giả : Frances Mao và Benny Lu                                               

Nguồn: BBC Tiếng Việt                 

 

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.